Đầu giờ chiều mùng 1 Tết Nguyên đán 2019, Khoa Cấp cứu Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, nguy cơ tử vong rất cao...
Đầu giờ chiều mùng 1 Tết Nguyên đán 2019, Khoa Cấp cứu Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, nguy cơ tử vong rất cao.
Ê-kíp y, bác sĩ Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch chuẩn bị bắt đầu một ca mổ |
Ngay lập tức hệ thống báo động đỏ của bệnh viện được bật, huy động hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, cả những bác sĩ đang sum họp bên gia đình trong ngày đầu năm mới vào bệnh viện để cứu người.
* Cứu người bất kể ngày đêm
Kể lại quá trình cấp cứu bệnh nhân L.Đ.N., bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, sau khi Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đa chấn thương, tổn thương đa cơ quan, mạch, huyết áp không đo được đã ngay lập tức hỗ trợ đường thở cho bệnh nhân, đồng thời truyền dịch, chế phẩm máu, thuốc an thần và giảm đau.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của bệnh nhân, các y, bác sĩ không có thời gian để chần chừ. Việc mà chúng tôi phải làm ngay, đó là lập tức cứu người”. |
Qua siêu âm, các bác sĩ Khoa Cấp cứu phát hiện bệnh nhân bị vỡ gan, vỡ lách. Xác định ca bệnh quá nặng, Khoa Cấp cứu đã bật báo động đỏ. Ngay lập tức bác sĩ Ngô Duy Định (Khoa Hồi sức tích cực chống độc) có mặt hỗ trợ các bác sĩ cấp cứu đặt ống thở, thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung ương ngay tại chỗ, truyền máu, truyền dịch và duy trì huyết áp. Cùng lúc này, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và bác sĩ gây mê hồi sức cũng được huy động.
Nhớ lại giây phút giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần, bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Gây mê phẫu thuật chia sẻ: “Chúng tôi đã hội ý nhanh bằng mọi cách phải mổ khẩn cấp cho bệnh nhân. Nếu để lâu, bệnh nhân mất quá nhiều máu sẽ tử vong. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật gặp vô vàn khó khăn do máu đã tràn đầy ổ bụng khiến bụng bệnh nhân trương to, không nhìn thấy gì trong ổ bụng, một quả lách bị đứt rời khỏi cuống, gan vỡ tới 4 đường rất to và dài”.
Sau 6 giờ phẫu thuật căng thẳng, cuối cùng mạch và huyết áp của bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi, máu được cầm tương đối ổn và bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực để thực hiện những ca phẫu thuật khác.
Đã từng trải qua những phút giây “nghẹt thở” để cứu sống người bệnh, bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, bệnh viện tiếp nhận cùng lúc 3 bệnh nhân trong một gia đình bị xe ben cán ngang người. Trong đó, người mẹ bị thương nặng nhất, bị giập nát ở vùng khung chậu, góc đùi, sốc nguy kịch do mất máu nhiều, mạch nhanh, huyết áp không đo được, lơ mơ, tri giác giảm.
“5 phút sau khi báo động đỏ phát tín hiệu, gần 20 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên có kinh nghiệm của các khoa: Sản, Ngoại niệu, Chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức đã có mặt ở Khoa Cấp cứu để cùng nhau xử lý ca bệnh. 5 phút sau đó bệnh nhân được đưa lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật và 15 phút sau, máu từ ngân hàng máu của bệnh viện được chuyển đến phòng mổ để truyền cấp cứu cho bệnh nhân. Với những trường hợp này, nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ mất cơ hội sống” - bác sĩ Hoàng cho hay.
Mới đây nhất, với việc sử dụng hệ thống báo động đỏ, các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã tiếp tục cứu sống một trường hợp nguy kịch đến tính mạng. Bệnh nhân là Đ.M.T. (41 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), nhập viện trong tình trạng vết thương giập nát cánh tay phải, tràn dịch màng phổi, huyết áp tụt và cần truyền 10 đơn vị máu thuộc diện máu hiếm. Đang trực lãnh đạo, bác sĩ CKII Nguyễn Hòa Hiệp (Trưởng khoa Nội tổng hợp) đã trực tiếp huy động bác sĩ và những người thuộc nhóm máu trùng với nhóm máu của bệnh nhân để kịp thời hiến máu, mổ cấp cứu khẩn cho bệnh nhân. Trong hơn 1 giờ đồng hồ, bác sĩ Hoàng Thanh Ngân (Khoa Ngoại tổng quát), bác sĩ Trần Viết Bảo, Nguyễn Huy Phú (Khoa Phẫu thuật tim), cử nhân xét nghiệm Nguyễn Thị Lành (Khoa Huyết học) và một sinh viên đã trực tiếp truyền máu để 6 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của các khoa liên quan tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
* Tạo thói quen hợp đồng tác chiến
TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chia sẻ, hệ thống báo động đỏ được bệnh viện kích hoạt từ tháng 6-2018 nhằm kịp thời xử trí những ca bệnh nặng, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Không chỉ rút ngắn thời gian cấp cứu, báo động đỏ còn tạo được thói quen tốt trong sự hợp đồng, phối hợp giữa các chuyên khoa trong bệnh viện. Khi có tín hiệu, tất cả các bác sĩ liên quan đều ngừng hết những công việc bình thường hoặc ngay lập tức chạy vào bệnh viện nếu đang ở nhà và cùng “xắn” tay cứu người.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) sau tín hiệu báo động đỏ. |
Không chỉ thực hiện báo động đỏ trong bệnh viện, thời gian qua bệnh viện đã làm văn bản gửi tới các bệnh viện tuyến dưới và những bệnh viện lân cận để cùng nhau thực hiện quy trình này. Theo đó, khi tuyến dưới có ca bệnh khó, nặng báo cáo lên bệnh viện, bệnh viện sẽ ngay lập tức điều xe và nguồn nhân lực để xuống các đơn vị cùng hỗ trợ, cấp cứu bệnh nhân. “Trước kia mỗi khi các bệnh viện tuyến dưới có ca bệnh nặng thường có tư tưởng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Điều này là hợp lý nhưng với nhiều trường hợp, việc chuyển viện sẽ làm mất đi thời gian vàng cứu sống bệnh nhân do quãng đường đi lại xa hoặc tắc đường, sự cố. Khi thực hiện báo động đỏ liên viện, ngoại viện, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất sẽ cử chuyên gia và máy móc, dụng cụ và điều xe xuống cơ sở nhanh nhất để tăng cơ hội sống cho bệnh nhân” - TS-BS.Phạm Văn Dũng cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, trong vòng hơn 1 năm qua bệnh viện đã tiến hành quy trình báo động đỏ cho khoảng hơn 40 trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Đến nay, mọi hoạt động đã trở thành thường quy, bất kể khi nào tín hiệu bật, các y, bác sĩ đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ. |
Theo lãnh đạo các bệnh viện, một yêu cầu quan trọng đặt ra với các bác sĩ trong khi thực hiện quy trình báo động đỏ là phải làm tốt công tác cấp cứu và hồi sức ban đầu cho bệnh nhân. Do đó, bất kỳ bác sĩ ở chuyên khoa nào cũng cần phải biết về cấp cứu, đọc X-quang hay đọc kết quả siêu âm để chủ động hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện cứu chữa bệnh nhân những bước cơ bản.
Tại buổi lễ nhận khen thưởng đột xuất của Sở Y tế mới đây vì thành tích cứu sống bệnh nhân L.Đ.N. ngày mùng 1 Tết, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà đã vô cùng xúc động khi nhắc đến quá trình cứu sống bệnh nhi của các y, bác sĩ trong bệnh viện: “Ngay ngày mùng 1 Tết, nhiều y, bác sĩ đã hy sinh những phút giây đầm ấm bên gia đình để tức tốc chạy vào bệnh viện cùng ê-kíp thực hiện ca mổ suốt 6 tiếng đồng hồ. Chưa bao giờ bệnh viện có một phòng mổ dã chiến được hình thành trong vòng 2 giờ đồng hồ với sự tham gia của nhiều y, bác sĩ của toàn bệnh viện đến thế. Với tình yêu nghề, mến trẻ, xem bệnh nhi như con, như cháu mình, các y, bác sĩ đã dốc toàn lực, dành những gì tốt đẹp nhất để cứu sống bệnh nhân. Đến nay sau 20 ngày cấp cứu, bệnh nhi vẫn đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực với một mong muốn duy nhất là bé sớm trở về với cuộc sống đời thường”.
Hạnh Dung