Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp học trò sáng tạo

09:02, 11/02/2019

Mô hình học tập theo nhóm đã được nhiều trường áp dụng rộng rãi, qua đó giúp học sinh phát huy được tinh thần sáng tạo trong học tập và cuộc sống thực tế.

Mô hình học tập theo nhóm đã được nhiều trường áp dụng rộng rãi, qua đó giúp học sinh phát huy được tinh thần sáng tạo trong học tập và cuộc sống thực tế.

Học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Đồng Nai năm học 2018-2019 Ảnh: C.NGHĨA
Học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Đồng Nai năm học 2018-2019 Ảnh: C.NGHĨA

Trong học kỳ I năm học 2018-2019, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) đã có cơ hội tham gia cuộc thi lập trình robot giả lập do Sở GD-ĐT phối hợp với một số công ty chuyên về công nghệ giáo dục tổ chức. Nhiều học sinh của trường đã tỏ ra hào hứng khi được cùng nhau thảo luận, tìm ý tưởng độc đáo cho các tình huống theo yêu cầu của cuộc thi.

* Học sinh thực sự thành trung tâm

Em Nguyễn Quốc Bảo là một trong những học sinh của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia cuộc thi lập trình robot giả lập cho biết, trong quá trình tham gia cuộc thi em được hướng dẫn nhiều nội dung như: phương pháp làm việc nhóm, kiến thức lập trình, ứng dụng lập trình. Sau khi được trang bị các điều kiện cơ bản, cả nhóm bắt tay thảo luận, chia sẻ ý tưởng, cùng nhau giải quyết vấn đề mà Ban tổ chức cuộc thi đưa ra, trong khi đó giáo viên chỉ là người đứng cạnh quan sát, định hướng thêm khi cần thiết.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang:

“Trong môi trường giáo dục hiện đại, đội ngũ giáo viên không chỉ đòi hỏi về số lượng mà chất lượng ngày càng phải được nâng lên. Đây chính là tinh thần đổi mới mà mỗi giáo viên cần thông suốt. Khi một giáo viên có tinh thần sáng tạo sẽ tạo ra hàng chục, thậm chí hàng trăm học sinh được truyền cảm hứng tích cực này”.

Còn em Trịnh Ngọc Tâm Anh, học sinh lớp 11A2 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) là người có “duyên” với cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia khi đã đoạt 3 giải nhì cấp tỉnh và 2 giải ba cấp quốc gia. Tâm Anh cho hay đã tham gia cuộc thi này từ năm lớp 8 khi còn là học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Toản (TP.Biên Hòa) với nhiều đề tài khảo sát và nghiên cứu như: Thực trạng nhận thức của học sinh THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa về shisha, Thực trạng nhận thức về tư duy phản biện trên Facebook của học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh…  “Những đề tài của em đều xuất phát từ những buổi học trên lớp, đặc biệt là tìm hiểu trong thực tế cuộc sống học đường và được giáo viên định hướng thêm” - Tâm Anh nói.

Tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), một tiết học cung cấp cho học sinh các kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết, thay vì chỉ dạy trên sách giáo khoa với các kiến thức khô khan, giáo viên đã chia học sinh thành các nhóm ngồi quan sát quá trình sinh trưởng của muỗi như thế nào cho đến khi muỗi đẻ trứng vào các vật chứa nước, muỗi đốt và truyền bệnh ra sao qua các video clip trên mạng.

Sau khi có các kiến thức thực tế, học sinh chia nhóm đi làm vệ sinh môi trường xung quanh trường học của mình. Em Lê Nguyễn Xuân Hương, học sinh lớp 8 của trường cho hay: “Em cảm thấy thú vị khi được nhìn lăng quăng trong quá trình sinh trưởng thành muỗi, cơ chế truyền bệnh của muỗi cho người, từ đó hình thành kiến thức đề phòng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết cho bản thân và gia đình”.

* Để việc học trở nên nhẹ nhàng

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết từ năm 2016 Sở GD-ĐT đã triển khai chương trình giáo dục Stem cho các trường. Đây là một chương trình giáo dục hiện đại dựa trên ý tưởng trang bị cho học sinh những kiến thức trên các lĩnh vực khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (maths) theo cách tiếp cận liên môn. Nếu có kiến thức và kỹ năng tốt học sinh có thể áp dụng và giải quyết các vấn đề của cuộc sống hằng ngày. Việc triển khai chương trình giáo dục STEM tại Đồng Nai có những thuận lợi ban đầu khi nhận được sự hỗ trợ của một số công ty công nghệ như: Công ty Microsoft Việt Nam, Công ty Acer Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ giáo dục 3A và Tập đoàn Intelitek - Israel.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) từ lâu đã được biết đến là trường có mô hình dạy học theo nhóm khá hiệu quả. Ở trường có nhiều câu lạc bộ, nhóm được lập để cùng nhau chia sẻ đam mê công nghệ, nhất là lập trình phần mềm, chế tạo robot… Không chỉ hoạt động khép kín ở các nhóm mà học sinh của trường còn chủ động liên lạc với các câu lạc bộ, nhóm của các trường khác để giao lưu.

Thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cho biết học sinh của trường đã có nhiều buổi giao lưu chế tạo robot với học sinh Trường THPT Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) hay tham quan mô hình chế tạo robot, lập trình với sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Qua những buổi giao lưu hay tham quan đã tạo cho các em cảm hứng học tập và ý tưởng sáng tạo.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, dạy học theo chương trình giáo dục STEM không mới trong trường đại học nhưng khá mới với các trường THPT. Thực tế các trường đại học có thể tạo điều kiện để giáo viên và học sinh THPT đến tham quan các mô hình giảng dạy theo chương trình giáo dục STEM như: lập trình phần mềm, chế tạo robot, các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, các giải pháp cho cuộc sống… từ đó giáo viên và học sinh khi trở về trường của mình có thể phát triển từ các ý tưởng được tham quan học tập. Việc giáo dục theo chương trình giáo dục STEM còn giúp học sinh phát triển kỹ năng nghề nghiệp bản thân cho tương lai tốt hơn.

Theo nhiều giáo viên, dạy học theo chương trình giáo dục STEM mang lại nhiều hứng thú cho học sinh, cải thiện mối quan hệ trở nên thân thiện hơn giữa thầy và trò trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên giáo viên phải có đủ “can đảm” để vượt qua những khó khăn như thay đổi tư duy dạy học theo phương pháp truyền thống, sáng tạo trong các thiết bị dạy học, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, có phương pháp tiếp cận học sinh hoàn toàn mới, luôn lấy học sinh làm trung tâm, tạo cho học sinh cảm hứng học tập. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần được trang bị điều kiện dạy và học tốt hơn, nhất là các thiết bị tin học, kỹ thuật, điện tử… để vận dụng vào tiết học. 

Công Nghĩa

Tin xem nhiều