Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy cô mãi là hình ảnh đẹp

03:11, 19/11/2018

Giữa bộn bề của cuộc sống với những lo toan, nhiều giá trị của cuộc sống có sự thay đổi nhất định nhưng hình ảnh về người thầy vẫn luôn đẹp trong suy nghĩ của lớp lớp học trò.

[links()]Giữa bộn bề của cuộc sống với những lo toan, nhiều giá trị của cuộc sống có sự thay đổi nhất định nhưng hình ảnh về người thầy vẫn luôn đẹp trong suy nghĩ của lớp lớp học trò.

Học sinh các trường tại TP. Biên Hòa tri ân thầy cô nhân Ngày lễ Tết thầy năm 2018. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh các trường tại TP. Biên Hòa tri ân thầy cô nhân Ngày lễ Tết thầy năm 2018. Ảnh: Công Nghĩa

Hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhóm cựu học sinh lớp 9/6 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa, năm học 1977-1978) lại tổ chức gặp mặt để tri ân thầy cô, những người đã từng dạy bảo mình nên người.

* Nhớ mãi ơn thầy

Bà Phạm Thị Thu hiện là Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai là một trong những học sinh lớp 9/6 năm xưa. Với bà Thu, hình ảnh thầy chủ nhiệm lớp 9/6 Trần Văn An năm nào vẫn luôn đẹp và nếu không có những người như thầy An thì khó lòng để bà có được như ngày hôm nay.

“Tôi tin tưởng rằng quý thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác giáo dục sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, nắm bắt cơ hội, khắc phục hạn chế, khó khăn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần vào sự phát triển của đất nước”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang

 Bà Thu nhớ lại, năm 1977-1978 miền Nam mới giải phóng chưa bao lâu, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Thầy An buổi sáng dạy học, chiều thầy bán bánh tiêu kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình. Khó khăn là thế nhưng thầy vẫn tận tâm với nghề, tận tụy với trò, định hướng cho học trò nhận thức ban đầu về môi trường ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, giúp cho học trò nhận thức đầy đủ hơn về cuộc sống.

Bà Thu chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ dòng lưu bút thầy đã ghi tặng chúng tôi ngày ra trường: dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực học tập và trở thành một con người giàu lòng yêu nước, có ích cho xã hội”.

Cô Ngô Ngọc Thùy Trang là giáo viên tiếng Anh có thâm niên trên 25 năm công tác tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa). Cô Trang tâm sự: “Khi còn là học sinh tôi đã rất ngưỡng mộ thầy cô, những con người chuẩn mực về đạo đức, sự tận tâm và trách nhiệm với học trò. Đó cũng là lý do vì sao tôi đeo đuổi nghề giáo cho hành trình tương lai của mình khi trưởng thành”. Chính hình ảnh của những người thầy khi xưa đã nâng bước cho cô có đủ kiến thức, sự tự tin để bước lên bục giảng, cố gắng hết mình với học trò.

Giáo viên Trường THCS Trần Phú, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc trong giờ dạy.  Ảnh: C.NGHĨA
Giáo viên Trường THCS Trần Phú, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc trong giờ dạy. Ảnh: C.NGHĨA

Cô Trang chia sẻ thêm, đến bây giờ cô không nhớ nổi mình đã đưa được bao nhiêu học trò qua những “chuyến đò” mà mình là người cầm tay chèo. Tuy nhiên cô luôn cảm thấy vui và hạnh phúc vì có nhiều học sinh từng học tập tại Trường THPT Ngô Quyền dưới sự dẫn dắt của cô nay đã trưởng thành và trở thành những con người có ích cho xã hội không chỉ ở trong nước mà có cả ở nước ngoài. Có nhiều học sinh năm xưa tuy đi xa nhưng vẫn dành cho cô tình cảm lưu luyến mỗi dịp lễ tết bằng những cuộc điện thoại hỏi thăm, hoặc đến thăm cô tại nhà. “Sự tin yêu của học trò chính là động lực cho mình phải làm tốt hơn nữa trách nhiệm với nghề, với thế hệ trẻ” - cô  Trang nói.

Anh Nguyễn Văn Út lớn lên và trưởng thành tại Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa từ nhỏ, nay có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Anh Út xúc động chia sẻ: “Tôi không may mắn khi bị cha mẹ bỏ rơi nhưng đổi lại tôi lại có được những người thầy, người cô tại Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa và những ngôi trường tôi được gửi đến học tập luôn coi tôi như con trong gia đình. Thầy cô chính là người đã động viên những lúc tôi mất phương hướng, chán nản, tự ti. Thầy cô đã định hình cho tôi những bước đi đầu đời cho đến ngày hôm nay khi tôi đã có nghề nghiệp trong tay và công việc ổn định”.

Đến nay toàn tỉnh đã có gần 40 ngàn công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và thường xuyên. Các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh vẫn luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo, trau dồi nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình. Vai trò của đội ngũ nhà giáo đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

* Giữ mãi phẩm chất người thầy

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Khang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, người thầy chính là tấm gương phản chiếu những hình ảnh đẹp về tài năng và sự đức độ để học trò có thể học tập và làm theo. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người thầy tận tâm, sẵn sàng đồng hành cùng học sinh vùng sâu, vùng xa hay học sinh nghèo… Đó là những phẩm chất không thể thiếu của người thầy, và xã hội cần tôn vinh họ.

Chia sẻ với các đồng nghiệp về vinh quang và trách nhiệm trong sự nghiệp trồng người, thầy Khang mong muốn: “Những ai đã bước chân vào ngành giáo dục thực hiện sứ mệnh trồng người cao cả hãy nỗ lực nhiều hơn nữa, không để khó khăn làm người thầy nhụt chí, áp lực công việc làm người thầy quay lưng, thiếu thốn làm người thầy bi quan. Công lao của người thầy sẽ được lớp lớp học sinh ghi khắc”.

Thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) được biết đến là người có tâm huyết với sự nghiệp đổi mới của ngành giáo dục với những mô hình mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy. Dù đã sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng thầy Vinh vẫn còn nhiều điều trăn trở với ngành và với nghề. Thầy Vinh cho hay: “Chúng tôi thực sự muốn làm nhiều điều hơn nữa để học sinh của mình đến trường không chỉ được truyền đạt sâu về kiến thức mà còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống để khi ra đời các em trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Và tôi cũng có kỳ vọng cuộc sống của người thầy sẽ đủ đầy hơn để người thầy có thể an tâm đứng trên những chuyến đò đưa lớp lớp học trò qua sông và trưởng thành”.

Còn thầy Lê Minh Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Đắc Lua (xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) thì chia sẻ: “Phẩm chất và sự tận tụy của người thầy là thứ quý giá nhất mà chúng tôi dành cho học sinh trong suốt nhiều năm qua. Đó cũng là hành trang tốt đẹp nhất để chúng tôi có thể giúp các thế hệ tương lai của xã vùng sâu Đắc Lua trưởng thành”.

Công Nghĩa

Anh Đỗ Khôi Nguyên, cử nhân ngôn ngữ học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh):

Theo tôi, giá trị cốt lõi của tất cả các mối quan hệ là thành thật, yêu thương, kính trọng, lễ phép và biết ơn. Tôi không có thói quen về trường cũ vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 mà bất kể khi nào rảnh rỗi, tôi đều gọi điện hỏi thăm thầy cô giáo cũ, tiến đến chào hỏi thầy cô nếu tình cờ gặp ngoài đường. Tôi thích những giáo viên tình cảm, hay kể chuyện, chia sẻ về cuộc sống. Bởi những câu chuyện đó chính là hành trang để học trò chúng tôi nhìn nhận cuộc sống sát thực hơn sau khi ra trường.

Cô Hoàng Diệu Thúy, giáo viên Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh):

Tôi cảm thấy tình cảm thầy trò ngày nay không còn được vô tư, hồn nhiên, chân thật như trước kia, tức là cả thầy và trò bị lối sống thực dụng làm ảnh hưởng nhiều. Nếu như học sinh lớp tôi chủ nhiệm những năm đầu đi dạy đến tận bây giờ vẫn thỉnh thoảng về thăm cô giáo cũ, thì đến nay những học sinh sau khi ra trường hiếm khi nào hỏi han gì thầy cô. Mặc dù khi còn dạy các em, bản thân tôi rất chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò nhưng có vẻ như sức của một mình giáo viên thôi thì chưa đủ.

Ông Phạm Quốc Hiển, phụ huynh có 2 con đang học lớp 2 và lớp 8 tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom:

Thi thoảng xem báo đài, tôi được biết những câu chuyện rất buồn như thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh “xử” giáo viên vì phạt con mình… Điều đó làm giảm sút ít nhiều niềm tin của xã hội vào tình thầy trò thời nay, mặc dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi hy vọng trong thời buổi hiện nay, các thầy cô sẽ không đặt nặng kiến thức hàn lâm, không chỉ dạy lý thuyết mà nên tăng cường dạy thực hành, dạy cho học trò những kỹ năng cần thiết theo từng lứa tuổi.             

Hạnh Dung (ghi)

Tin xem nhiều