Chưa bao giờ được bước đi bằng chính đôi chân mình nhưng hơn 11 năm qua, cô giáo Vũ Ngọc Hiếu Thảo (35 tuổi, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã chắp cánh cho hàng trăm học trò bay cao, bay xa.
Chưa bao giờ được bước đi bằng chính đôi chân mình nhưng hơn 11 năm qua, cô giáo Vũ Ngọc Hiếu Thảo (35 tuổi, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã chắp cánh cho hàng trăm học trò bay cao, bay xa.
Cô giáo Vũ Ngọc Hiếu Thảo đang hướng dẫn học sinh học bài. |
Chính nghị lực phi thường của cô đã “truyền lửa” và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin yêu vào cuộc sống cho không ít bạn trẻ và các bậc phụ huynh.
* Những ngã rẽ cuộc đời
Cơn sốt bại liệt hồi 10 tháng tuổi khiến đôi chân bé bỏng của cô gái nhỏ bị teo lại, không thể “chập chững lò dò tập đi” như bao đứa trẻ bình thường. Suốt 4 năm học đầu tiên, cha mẹ Thảo thuê giáo viên tới nhà dạy cho con gái những kiến thức căn bản trong chương trình giáo dục phổ thông. Mãi đến khi lên lớp 5, Thảo mới bắt đầu cắp sách đến trường. Có thêm nhiều bạn mới, cô bé Thảo vui vẻ, tự tin, hòa nhập rất nhanh và luôn đạt kết quả học tập tốt.
Cô Vũ Ngọc Hiếu Thảo chia sẻ: “Nghề dạy học đem đến cho tôi niềm vui, sự tự tin, thấy bản thân có ích hơn. Hạnh phúc với tôi là được chứng kiến học trò của mình ngày càng tiến bộ, trưởng thành và sống hạnh phúc”.\
“Điều mà cô Thảo mang đến cho tôi không chỉ là kiến thức chuyên môn về ngoại ngữ mà còn là nghị lực sống phi thường. Cô truyền cho tôi sự lạc quan, niềm tin yêu vào cuộc sống, dạy tôi biết yêu bản thân hơn và tự tin vào khả năng của mình”. |
Kết thúc năm lớp 9 tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, Hiếu Thảo thi đậu vào Trường THPT Ngô Quyền với điểm số khá cao, là tấm gương sáng cho nhiều bạn bè và là niềm tự hào của thầy cô, gia đình.
Tốt nghiệp THPT, Thảo thi đậu ngành ngôn ngữ học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh nhưng do điều kiện gia đình và khiếm khuyết của bản thân, Thảo không thể theo đuổi ước mơ trở thành một nhà báo giống mẹ.
Nhân dịp Trường đại học Đà Lạt liên kết mở các lớp đào tạo buổi tối tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Thảo nộp hồ sơ và đậu vào ngành tiếng Anh.
Ngã rẽ cuộc đời của Thảo chỉ thật sự đến trong một buổi tối buồn với những cơn mưa xối xả. Cô sinh viên gọi điện thoại cho một người bạn nhưng nhầm số. Chàng trai đang sinh sống, làm việc ở TP.Hồ Chí Minh sau khi nghe máy đã phải lòng cô gái lạ phía đầu dây và âm thầm tìm hiểu về cô gái ấy. Lâu ngày, tình yêu giữa họ lớn dần lên lúc nào không hay.
Hơn 1 năm sau, đám cưới “cổ tích” của 2 người diễn ra trong niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình, bạn bè, người thân. Từ ngày đó, chồng cô trở thành đôi chân, tối tối đưa cô đến giảng đường. Tình yêu của anh đã sưởi ấm tâm hồn và trái tim cô gái nhỏ bé. Anh cho cô bờ vai, một chỗ dựa vững chắc để không cho phép mình bỏ cuộc trước bất kỳ khó khăn, cản trở nào. Cô hoàn thành khóa học với kết quả xuất sắc.
* Nên duyên nợ với nghề dạy học
Khi con trai tròn 2 tuổi, cô Thảo bắt đầu mở lớp dạy học tại nhà. Khác với những giáo viên bình thường, cô Thảo không đứng trên bục giảng mà ngồi trên ghế, trên xe lăn.
Những ngày đầu mở lớp, chỉ có vài học trò là con, em của những người thân quen giới thiệu tới học. Lâu dần tiếng lành đồn xa, số học trò tìm đến cô Thảo xin học ngày một đông.
“Có những phụ huynh đến xin cho con học, thấy tôi khuyết tật lại không phải là giáo viên đang dạy học ở trường nào nên có phần nghi ngờ. Họ sợ tôi dạy không theo đúng kiến thức các con đang học ở trường nên hỏi dò xem ngày xưa cô giáo học ngành gì, ở đâu…” - cô Thảo chia sẻ về những ngày đầu “gõ đầu trẻ”.
Khi nghe phụ huynh hỏi những câu như vậy, bản thân cô Thảo thoáng buồn nhưng cô tự nhủ những nghi ngại của phụ huynh cũng có lý do. Và câu trả lời mà cô gửi tới phụ huynh chính là việc con họ học môn Tiếng Anh ngày càng tiến bộ, điểm số học tập ở trường ngày một cao. Các em có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh mà không còn ngần ngại, e dè.
Phụ huynh Mai Hương (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) từng viết thư cho cô giáo Thảo: “Sáng nay Đạt đã có điểm thi. Nó bắt chị phải gọi điện cho em để báo kết quả. Cu cậu mừng lắm vì điểm trung bình học kỳ 2 cao nhất lớp: 9,9 điểm. Cảm ơn cô giáo nhiều lắm. Cu cậu đã thực sự say mê tiếng Anh. Đây chính là điều mà chị rất hài lòng. Một lần nữa, cảm ơn cô giáo rất nhiều”.
Cu cậu Đạt được nhắc đến trong thư chính là học trò Lê Thành Đạt, người đã theo học tiếng Anh với cô Thảo từ năm lớp 6 đến hết lớp 12. Từ chỗ không thích môn Tiếng Anh, sau khi học với cô giáo Thảo, Đạt đã thực sự đam mê. Hiện Đạt là sinh viên năm thứ 3 ngành Quản lý đất đai Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Mỗi lần từ trường về nhà, Đạt lại đến thăm cô giáo cũ, chở cô giáo đi chơi và chia sẻ với cô những câu chuyện ở trường.
Còn chị Đỗ Thị Mỹ Duyên (từng học với cô Thảo, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) thì tâm sự, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Lạc Hồng, vì muốn lấy lại căn bản tiếng Anh nên qua bạn bè giới thiệu, Duyên tìm đến cô giáo Thảo.
“Lần đầu gặp, tôi rất bất ngờ trước ngoại hình của cô. Nhưng càng học với cô, càng thấy thú vị, dễ hiểu. Tôi cũng rất ngưỡng mộ khi cô có một gia đình hạnh phúc, có một người chồng suốt 16 năm qua luôn yêu thương cô hết mực. Họ chính là minh chứng tuyệt vời nhất cho tình yêu, cho tôi thấy rằng cuộc sống này còn biết bao điều tốt đẹp” - Mỹ Duyên bộc bạch.
* Không ngừng học hỏi
Cô Thảo chia sẻ, việc dạy học ở nhà khiến cô không phải chịu nhiều áp lực như những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở trường lớp.
Cô Thảo (ngồi) cùng mẹ chồng và con trai đi thăm Văn miếu Quốc Tử Giám. |
Bởi vậy, ngoài việc thường xuyên cập nhật những kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông, cô Thảo còn thường xuyên tìm đọc, nghiên cứu nhiều loại sách chuyên ngành về tiếng Anh. Cô tận dụng lợi thế của internet và mạng xã hội để trao đổi, làm quen với bạn bè bốn phương.
Trong số những người bạn quốc tế, cô có bạn thân người Ấn Độ hiện đang là giảng viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành). Ngoài thời gian giảng dạy ở trường, mỗi khi rảnh rỗi người bạn này lại phụ giúp cô Thảo dạy tiếng Anh giao tiếp cho học trò. Nhờ đó, không khí lớp học tại gia của cô giáo Thảo luôn sôi nổi, tươi mới và hiệu quả.
Cô Thảo cho rằng ngoại ngữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời buổi hiện nay. Vì vậy, cô luôn nhắc nhở mình rằng phải dạy làm sao để học trò hiểu, hiểu thật sự để áp dụng, để giao tiếp được với người nước ngoài chứ không chỉ dạy để các em lấy điểm 9-10”.
Theo cô Thảo, điểm yếu của học trò Việt Nam là rất ngại nói tiếng Anh, ngại giao tiếp do tâm lý, không có môi trường để thực hành và việc học trên lớp còn nặng vấn đề ngữ pháp. “Vì thế trong mỗi tiết học, tôi đều cố gợi mở, động viên để các em luyện nói, dù nói sai cũng được. Chỉ khi các em thật sự mạnh dạn, tự tin nói thì những lỗi sai sẽ dễ dàng chỉnh sửa” - cô Thảo nói.
Hạnh Dung