Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nghiêm, còn có tình trạng nể nang, dung túng cho nhau. Nếu đơn vị quản lý không làm hết trách nhiệm thì không biết đến bao giờ mới hết thực phẩm bẩn...
“Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa nghiêm, còn có tình trạng nể nang, bao che, dung túng cho nhau. Nếu đơn vị quản lý không làm hết trách nhiệm được giao thì không biết đến bao giờ mới hết thực phẩm bẩn”.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) khảo sát thực tế tại chợ An Chu (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). |
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) với các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp - phát triển nông thôn về tình hình ATVSTP trên địa bàn tỉnh mới đây.
* Đụng đâu “dính” đó
Theo bà Huỳnh Ngọc Kim Mai, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, qua gần 1 tháng tiến hành khảo sát, giám sát tại 11 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch cho thấy công tác ATVSTP còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Các sở cần đánh giá lại hiệu quả của tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ liên quan đến ATVSTP, không phải bày ra cho đủ ban bệ rồi ngồi chơi. Không có cái gì là không quản lý được, chỉ là có quyết tâm làm hay không mà thôi”. |
Cụ thể, tại chợ An Chu (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) và chợ Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) việc sắp xếp, bày bán hàng hóa còn lộn xộn; thực phẩm chín bày bán chung với các mặt hàng tươi sống, thực phẩm được sơ chế ngay trên miệng cống hôi thối; hệ thống xử lý nước thải kém; dấu kiểm dịch trên heo, gà nơi có nơi không. Nhiều tiểu thương bán hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa và thời hạn sử dụng.
Tại cơ sở sản xuất nước đá Nguyễn Văn Chiến (đường 19A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) sản xuất 800 cây nước đá/ngày, cung cấp trực tiếp cho khu dân cư, khu công nghiệp, đoàn giám sát ghi nhận quanh khu vực sản xuất có nhiều rác, rất mất vệ sinh. Còn cơ sở sản xuất bún của ông Phan Văn Bông (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, nhân viên không có giấy khám sức khỏe định kỳ nhưng hằng ngày vẫn sản xuất và tiêu thụ khoảng 300kg bún ra thị trường.
Kết quả giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cẩm Mỹ tại chợ trên địa bàn xã Xuân Quế cho thấy có sản phẩm nem chua không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng. Sau khi lấy một số mẫu thực phẩm thử nghiệm thì đoàn giám sát phát hiện mẫu mì tươi, nem chả có chứa hàn the. Kiểm tra bếp ăn của Trường mầm non Thanh Bình (xã Nhân Nghĩa) phát hiện trường chưa mở sổ theo dõi theo quy định, hợp đồng cung cấp thực phẩm chưa đầy đủ, không lưu mẫu thực phẩm, thực đơn ăn uống hằng ngày của trẻ vẫn để từ tháng 5-2017.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho hay, ngành y tế đang quản lý 76% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ngành công thương quản lý 9%, còn lại do ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn quản lý. Theo phân cấp, cấp tỉnh quản lý gần 50%, còn lại do cấp huyện và cấp xã quản lý. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ cấp xã quản lý số cơ sở gần bằng hoặc lớn hơn số cơ sở do huyện quản lý nhưng lại không có một cán bộ chuyên trách làm công tác ATVSTP. Trong khi cấp huyện có từ 8-10 người.
“Các địa phương nói không có người để đi kiểm tra các cơ sở nhưng khi báo cáo lại cho thấy tần suất kiểm tra rất lớn, trung bình 2,4 lượt/cơ sở/năm. Qua kiểm tra phát hiện khoảng 20% cơ sở có sai phạm nhưng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt bất kỳ cơ sở nào. Đi kiểm tra như vậy vừa mất thời gian lại không mang tính răn đe” - bà Hiền nêu quan điểm.
* Cần xử lý nghiêm
Từ năm 2016 đến hết tháng 6-2018, Sở Công thương đã kiểm tra và phát hiện hơn 1,4 ngàn/hơn 1,7 ngàn cơ sở vi phạm về ATVSTP, xử phạt những cơ sở vi phạm số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Những vi phạm chủ yếu liên quan đến: điều kiện quy định thủ tục cơ sở, điều kiện con người, ghi nhãn thực phẩm, không có dấu kiểm soát giết mổ, hàng quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh không rõ nguồn gốc.
Thanh tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra nhãn mác trên bánh trung thu của Cơ sở Hương Cảng Diệu Xương (KP.2, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa). Theo đó, bánh được sản xuất cuối tháng 8-2018 nhưng ngày sản xuất ghi trên bao bì ngày là 1-9-2018). |
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về ATVSTP đối với ngành chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhận thức của người dân, đặc biệt là các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa cao.
Trong khi đó, hơn 2 năm qua ngành y tế đã tiến hành tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo vệ sinh tại 96 cơ sở sản xuất, kinh doanh chả lụa, nước tương, nước mắm, mọc sống, mì vàng. 6 tháng của năm 2018 đã thanh, kiểm tra được 77 cơ sở, trong đó có 20 cơ sở vi phạm, bị xử phạt số tiền gần 165 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở, vi phạm về lưu mẫu thực phẩm, kiểm nghiệm 3 bước, vi phạm về chất lượng sản phẩm thực phẩm, vi phạm về điều kiện con người.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) Nguyễn Hữu Danh giãi bày, do các tiểu thương buôn bán ở chợ không có ghi chép gì nên rất khó trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Rau, củ, quả bán ở chợ được nhập về từ nhiều nơi, có cả hàng Trung Quốc nhưng không kiểm soát được; tình hình mua bán trôi nổi hóa chất còn nhiều.
Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng khi các sở được cấp biên chế, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến ATVSTP thì cần phải làm hết trách nhiệm của mình. Ngoài ra, cũng phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện, không thể để khi xảy ra việc gì cũng nói trách nhiệm của xã, huyện. Khi phát hiện cơ sở vi phạm phải xử phạt, xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa nếu vi phạm nặng chứ không thể cứ nhắc nhở mãi được.
Hạnh Dung