Báo Đồng Nai điện tử
En

Bạo lực gia đình không còn là "chuyện riêng"…

10:10, 04/10/2018

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2008. Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước có chuyển biến tích cực.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2008. Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước có chuyển biến tích cực.

Một tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình trong chương trình giao lưu các câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực gia đình.
Một tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình trong chương trình giao lưu các câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực gia đình.

Nếu như trước đây, bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình thì nay đã có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; nạn nhân từ chỗ ngại “vạch áo cho người xem lưng” nay đã mạnh dạn khai báo và được giải quyết, góp phần kéo giảm bạo lực gia đình.     

* Đa dạng hình thức tuyên truyền

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến với người dân, ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp thường xuyên quan tâm tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

(Số liệu do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cung cấp)
(Số liệu do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch với vai trò chủ công trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai xây dựng các chương trình sân khấu hóa, câu chuyện truyền thanh, phim phóng sự về công tác phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; in và phát hành rộng rãi trong nhân dân các loại tờ gấp, tài liệu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Để nâng cao hiệu quả của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, duy trì các mô hình phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, các ngành chức năng cần tăng cường xử lý các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tạo sức răn đe trong cộng đồng.

Bên cạnh tuyên truyền thông qua hệ thống pano, khẩu hiệu, các hội thi, hội diễn… từ năm 2008 đến nay, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch trang bị 408 tủ sách với trên 10 ngàn đầu sách phục vụ công tác tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực gia đình tại địa bàn dân cư.

Huyện Tân Phú là đơn vị được trang bị 42 tủ sách cho các câu lạc bộ gia đình. Theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Tâm, để các tủ sách phát huy tác dụng, trước khi diễn ra buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ gia đình sưu tầm, trích đọc những trang sách có nội dung phù hợp với nội dung sinh hoạt. Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ còn tạo điều kiện để các thành viên mượn sách đem về nhà đọc thêm. “Thông qua sách, tài liệu, các thành viên của các câu lạc bộ có thêm kiến thức, kỹ năng để làm tốt công tác hòa giải liên quan đến bạo lực gia đình” - ông Tâm cho hay.

Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - thương binh và xã hội) chia sẻ thêm, Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các cấp Công đoàn vào tận doanh nghiệp để tuyên truyền cho công nhân lao động. Đáng chú ý, trong các buổi tuyên truyền, không chỉ có lao động nữ mà còn có sự tham gia của rất đông nam giới - đối tượng góp phần rất tích cực trong công tác phòng chống bạo lực gia đình nếu như có nhận thức đúng.

Trong khi đó, ngoài phối hợp với các ngành tổ chức các buổi tuyên truyền, ngành GD-ĐT còn tích hợp lồng ghép vào bài học, môn học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh các nội dung về gia đình, giới, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em…

* Phát huy hiệu quả các mô hình

Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức làm chuyển đổi hành vi, hoạt động của các mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng (như: nhóm phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình, địa chỉ tin cậy cộng đồng, điểm tạm lánh…) cũng được các ngành, các địa phương phát huy. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 3 ngàn mô hình phòng chống bạo lực gia đình. Từ các mô hình này, ngành chức năng đã phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình thoát khỏi nguy hiểm trước mắt.

Ngày hội văn hóa gia đình góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình luôn được ngành văn hóa tổ chức hằng năm. Trong ảnh: Các gia đình cùng tham gia trò chơi đua xe đạp chậm. Ảnh: N.Sơn
Ngày hội văn hóa gia đình góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình luôn được ngành văn hóa tổ chức hằng năm. Trong ảnh: Các gia đình cùng tham gia trò chơi đua xe đạp chậm. Ảnh: N.Sơn

Từ 5 mô hình phòng chống bạo lực gia đình của xã Sông Trầu được tỉnh chọn làm điểm, đến nay huyện Trảng Bom đã thành lập được 78 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 78 nhóm phòng chống bạo lực gia đình đang hoạt động tại 71 ấp, khu phố với trên 2 ngàn thành viên. Nói về hiệu quả của các mô hình, ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Trảng Bom cho biết khi trên địa bàn xảy ra bạo lực gia đình hoặc có dấu hiệu xảy ra bạo lực, các thành viên nhóm phòng chống bạo lực gia đình tại địa bàn đó sẽ thông báo cho nhau và kịp thời có mặt để can thiệp, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Trảng Bom xảy ra 568 vụ bạo lực gia đình thì có đến 494 vụ được các nhóm phòng chống bạo lực gia đình hòa giải thành công, chỉ còn 74 vụ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Riêng đối với các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững không trực tiếp tham gia can thiệp các vụ bạo lực gia đình nhưng bằng việc xây dựng quỹ tương trợ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, chính sách pháp luật về hôn nhân - gia đình… lại đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình.

Ngoài các mô hình phòng chống bạo lực gia đình đang phát huy vai trò tại các địa phương, điểm tư vấn phòng chống bạo lực gia đình (thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) từ khi thành lập (năm 2012) đến nay đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của các nạn nhân bị bạo lực gia đình ở khu vực TP.Biên Hòa và các vùng lân cận. Bằng hình thức tư vấn qua điện thoại và tư vấn trực tiếp miễn phí, tính đến cuối tháng 6-2018, điểm tư vấn tiếp nhận và tư vấn cho trên 300 trường hợp là nạn nhân bạo lực gia đình. Bên cạnh việc lắng nghe, chia sẻ, điểm tư vấn còn đưa ra được những lời khuyên đúng đắn cho nạn nhân, đặc biệt là làm cầu nối giúp nạn nhân tìm đến các cơ quan chức năng để giải quyết những vấn đề khi mà cuộc hôn nhân không còn cơ hội cứu vãn.

(Trang báo này được thực hiện có sự phối hợp của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch)

 

Nga Sơn

Tin xem nhiều