Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 331 ca mắc bệnh sởi, hơn 5,4 ngàn ca mắc sốt xuất huyết và 9,8 ngàn ca mắc bệnh tay chân miệng.
Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 331 ca mắc bệnh sởi, hơn 5,4 ngàn ca mắc sốt xuất huyết và 9,8 ngàn ca mắc bệnh tay chân miệng.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ (đi đầu) trực tiếp đến tận khu nhà trọ của người dân để kiểm tra công tác phòng chống dịch. |
Ngoài huyện Nhơn Trạch đang là “điểm nóng” về dịch bệnh thì TP.Biên Hòa, 2 huyện Long Thành, Trảng Bom cũng có số ca mắc bệnh cao.
* KHÔNG BIẾT TIÊM CHỦNG LÀ GÌ
Trong số 78 xã, phường, thị trấn của tỉnh ghi nhận có bệnh sởi, huyện Nhơn Trạch có 10 xã với 141 ca. Riêng 2 xã Hiệp Phước và Phước Thiền đã có 100 ca. Với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, TP.Biên Hòa đang là địa phương dẫn đầu với hơn 3,8 ngàn ca mắc tay chân miệng, hơn 2 ngàn ca mắc sốt xuất huyết.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế trăn trở: “Chứng kiến số ca bệnh sởi “nhảy múa” từng ngày trên bảng thống kê, ngành y tế rất “nóng ruột” và quyết tâm dập dịch. Chúng tôi đang khẩn cấp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca tử vong do dịch bệnh gây ra. Để dập dịch thành công, ngành y tế rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức của người dân”. |
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, ngành y tế cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch, nhưng trên thực tế ý thức tự phòng bệnh của người dân còn rất hạn chế.
Trong căn phòng trọ khoảng 12m2 ở ấp Trầu (xã Phước Thiền), một mình chị H’ Thị Mỵ (28 tuổi) trông giữ và chăm sóc 11 đứa trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên, mỗi ngày từ 6 giờ đến 22 giờ. Căn phòng chật hẹp, đồ đạc lỉnh kỉnh là nơi ẩn nấp “lý tưởng” của muỗi và có nguy cơ lây bệnh cao nếu một trong số những đứa trẻ ở đây mắc bệnh truyền nhiễm.
Chị Mỵ cho biết, tất cả những đứa trẻ do chị trông giữ đều là con của những người dân tộc H’Mông từ các tỉnh phía Bắc và Nghệ An vào Đồng Nai làm công nhân. Mọi sinh hoạt, ăn, ngủ, chơi, vệ sinh của 11 đứa trẻ đều diễn ra trong căn phòng trọ này. Đặc biệt, buổi trưa trẻ nằm xếp lớp ngủ dưới sàn đất, không có mùng che chắn muỗi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền, xã hiện có khoảng 2,5 ngàn trẻ dưới 5 tuổi. Do số dân nhập cư đông nên việc rà soát, nắm thông tin số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng gặp khó khăn. Hiện tại, xã mới tiêm vaccine sởi cho khoảng 60% trẻ. Có nhiều gia đình mặc dù được nhân viên y tế đến tận nhà tuyên truyền, vận động vẫn không chịu cho con đi tiêm chủng.
Khi được hỏi có biết gì về tình hình dịch bệnh đang xảy ra trên địa bàn không, bà Chau Vanh Na (38 tuổi, từ An Giang lên Đồng Nai làm công nhân) lắc đầu. Bà Na cho hay không biết tiêm chủng vaccine là gì, không đọc báo, không xem tivi, không nghe đài. Mãi đến khi nhân viên y tế của xã mang tờ rơi đến dán tại dãy trọ về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bà Na mới đứng đánh vần từng chữ.
Ngay tại TP.Biên Hòa, chị Nguyễn Thị Thúy Nga (KP.2, phường An Bình, có 2 con nhỏ 2 tuổi và 4 tuổi) cũng rất lơ là với việc phòng bệnh cho con. Chị Nga cho biết vợ chồng đều làm công nhân trong giờ hành chính nên không có thời gian đưa con đi tiêm chủng.
* KHẨN CẤP DẬP DỊCH
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết hiện số ca mắc sởi tay chân miệng tăng từng ngày, đặc biệt ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông, nhiều khu nhà trọ.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 165/171 xã, phường, thị trấn cho gần 12 ngàn trẻ và hơn 3 ngàn cán bộ y tế. Riêng tại huyện Nhơn Trạch đã cấp Cloramin B cho toàn bộ 112 trường mầm non của 12 xã; tiêm vaccine phòng sởi cho hơn 1,4 ngàn trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi. Công tác tuyên truyền, giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục được ngành y tế phối hợp với các địa phương thực hiện.
Ông Lương Hữu Ích, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho hay với tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã Hiệp Phước, Phước Thiền tiến hành bê tông hóa hệ thống thoát nước ở các đường giao thông nông thôn để tất cả các khu nhà trọ đều có chỗ thoát nước hợp vệ sinh, cải thiện đáng kể về môi trường. Huyện cũng sẽ chỉ đạo ngành y tế huyện, đặc biệt là các cộng tác viên y tế nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết cách bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải, chỉnh trang các khu nhà trọ theo đúng diện tích quy định.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom Nguyễn Quang Tuấn cho hay, ngành y tế huyện đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như tiêu độc khử trùng bằng Cloramin B, diệt lăng quăng, tổ chức điều tra số trẻ trong độ tuổi để tiêm vaccine sởi, nhất là tại các xã có đông khu nhà trọ như Bắc Sơn, Hố Nai 3, Sông Trầu.
Hạnh Dung