Báo Đồng Nai điện tử
En

Nín tiểu gây nhiều bệnh

10:10, 09/10/2018

Nhà vệ sinh ở trường học bẩn, bốc mùi hôi, không có đủ nước để dội và rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh khiến không ít học sinh từ 6-15 tuổi có thói quen phải nhịn tiểu.

Nhà vệ sinh ở trường học bẩn, bốc mùi hôi, không có đủ nước để dội và rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh khiến không ít học sinh từ 6-15 tuổi có thói quen phải nhịn tiểu.

Do học sinh đông, nhà vệ sinh hạn chế nên nhiều học sinh phải chờ đợi bạn đi vệ sinh xong mới đến lượt.
Do học sinh đông, nhà vệ sinh hạn chế nên nhiều học sinh phải chờ đợi bạn đi vệ sinh xong mới đến lượt.

Việc nhịn tiểu nếu kéo dài sẽ gây ra bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu. Nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến suy thận.

* Nỗi ám ảnh

Quan sát tại một trường tiểu học trên địa bàn phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) cho thấy, ở mỗi tầng đều có một khu vệ sinh dành cho học sinh nam và nữ. Trong mỗi khu vệ sinh có 5 phòng vệ sinh nhỏ,  2 bồn rửa tay và 1 kệ để giấy vệ sinh.

Các bác sĩ cho biết, một người bình thường sẽ đi tiểu từ 8-10 lần/ngày. Trẻ từ 6-15 tuổi cần được uống đủ từ 1,5-2 lít nước/ngày tùy cân nặng và thể trạng của trẻ. Phụ huynh có thể biết được trẻ có uống đủ nước hay không qua việc nhận biết màu nước tiểu của trẻ. Nước tiểu đi ra màu vàng trong là bình thường. Nếu nước tiểu có màu vàng đặc, có mùi hôi chứng tỏ trẻ uống không đủ nước. Phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở trẻ để trẻ bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Vào đầu giờ học, khu vực nhà vệ sinh tương đối “yên ả” do học sinh chưa sử dụng. Đến giữa giờ chơi hoặc cuối buổi học, khu vực này bốc mùi hôi do học sinh đi vệ sinh xong không chịu dội nước hoặc không có nước để dội. Có những học sinh do không thể nín nhịn được đành phải nhắm mắt, nín thở vào nhà vệ sinh để “xả” cho xong rồi vội chạy ra. Một học sinh lớp 4 cho hay: “2 bồn rửa tay trong nhà vệ sinh đều không có nước nên sau khi đi vệ sinh, học sinh không biết rửa tay ở đâu. Do không có nước dội nên nhiều bạn đi cầu xong để lại cảnh tượng rất ghê, khiến em bị ám ảnh về nhà không ăn cơm nổi”.

Còn em Nguyễn Minh P., lớp 5 Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Do học sinh của trường quá đông nên khu nhà vệ sinh luôn đông đúc mỗi khi đến giờ ra chơi. Có nhiều hôm em phải chạy thật nhanh để “giành” được nhà vệ sinh, còn không phải chờ rất lâu. Vì vậy giải pháp em đưa ra để không phải đi vệ sinh ở trường là trước khi đi học thì đi vệ sinh ở nhà. Đến trường không dám uống nước nhiều. Còn nếu mắc tiểu thì cố gắng nhịn để học xong về nhà cô giáo mới đi vệ sinh”.

Trường tiểu học Nguyễn An Ninh Là một trong số ít những trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của TP.Biên Hòa, cơ sở vật chất còn khá mới, lại tổ chức dạy học bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh cho rằng vấn đề nhà vệ sinh vẫn cần được đặc biệt quan tâm vì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Do đó, ngoài việc nâng cao ý thức vệ sinh cho học sinh, các trường học nên đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh để đáp ứng nhu cầu của các em, bởi với một lượng học sinh đông mà số nhà vệ sinh không đủ sẽ dễ gây quá tải và  có mùi hôi.

Trường tiểu học Nguyễn An Ninh hiện có hơn 1 ngàn học sinh với 6 khu nhà vệ sinh (68 nhà vệ sinh nhỏ). Năm học này, nhà trường huy động phụ huynh chung tay xã hội hóa để thuê công ty dịch vụ vệ sinh cử người túc trực ở từng khu vệ sinh để dọn dẹp. Trường dự kiến xây dựng nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp bằng cách sửa lại toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh cũ, cho tẩy rửa, khử mùi, lắp thêm vòi xịt, lát lại gạch những nơi bị hư hỏng, đảm bảo khô thoáng, không bị trơn trượt.

* Gây nhiều bệnh

ThS-BS.Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng khoa Tim mạch - thận niệu Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, nhịn tiểu quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường tiểu. Mỗi khi bị nhiễm trùng đường tiểu sẽ để lại một vết sẹo trên thận, nếu tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn đến bị suy thận về sau.

Một phòng vệ sinh của một trường tiểu học trên địa bàn phường Bình Đa, TP.Biên Hòa bị hỏng, không thể sử dụng.
Một phòng vệ sinh của một trường tiểu học trên địa bàn phường Bình Đa, TP.Biên Hòa bị hỏng, không thể sử dụng.

Theo đó, việc liên tục nhịn tiểu sẽ khiến cơ bàng quang suy yếu, ức chế cơ thể truyền tín hiệu đến não để giải quyết nhu cầu. Về lâu dài, hoạt động này có thể dẫn tới bí tiểu khi về già.

Nếu giữ một lượng lớn nước tiểu trong bàng quang quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn có hại trong nước tiểu, gây ra hàng loạt biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang, thậm chí nguy cơ gây ra sỏi thận.

Thậm chí trên thế giới đã có những trường hợp bị tử vong do nín tiểu quá lâu. Bởi nếu bàng quang chứa nước quá nhiều, quá lâu, bị vỡ, nước tiểu sẽ nhanh chóng tràn vào ổ bụng. Nếu không kịp điều trị, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Ly Ly thì phần lớn trẻ sẽ không nín tiểu được lâu nên sẽ quay sang không dám uống nước. Việc uống thiếu nước sẽ gây ra những bệnh khác liên quan đến đường tiêu hóa, mà phổ biến nhất là táo bón và hiện tượng mất nước ở trẻ.

Ngoài ra, nhà vệ sinh bẩn còn có thể gây ra 2 bệnh đang rất “nóng” hiện nay là tiêu chảy và tay chân miệng”. Bởi lẽ, bệnh tay chân miệng mặc dù diễn ra trên tay, chân và miệng nhưng con đường lây lan lại là đường tiêu hóa. Phân của người nhiễm bệnh khi thải ra môi trường bên ngoài nếu không được xử lý vệ sinh sẽ khiến người khác tiếp xúc phải và mắc bệnh. Bệnh tay chân miệng đang được cảnh báo là một trong 3 loại dịch bệnh có mức lây lan nhanh chóng ở khu vực phía Nam, trong đó Đồng Nai là một trong những điểm nóng. Đến thời điểm này, cả nước đã có 6 trường hợp tử vong do tay chân miệng (Đồng Nai có 1 trường hợp ở huyện Định Quán, nhiều trường hợp bệnh trở nặng phải điều trị tích cực tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai).

Hạnh Dung

Tin xem nhiều