"Suốt 5 tháng trời không nói được gì, chỉ ú ớ rồi chỉ tay chỗ này chỗ kia khiến tôi khó chịu vô cùng. Tôi từng buông xuôi và nghĩ mình đã bị câm, không còn cách nào cứu chữa".
“Suốt 5 tháng trời không nói được gì, chỉ ú ớ rồi chỉ tay chỗ này chỗ kia khiến tôi khó chịu vô cùng. Tôi từng buông xuôi và nghĩ mình đã bị câm, không còn cách nào cứu chữa”.
Bệnh nhân Ngô Văn Thanh (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) vừa được chạy điện quanh vùng cổ để kích thích các cơ liên quan đến dây thanh, vừa tập nói theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, chuyên viên. Ảnh: H.DUNG |
Ông Dương Đình Nam (62 tuổi, ngụ KP.3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ về hành trình tìm lại giọng nói của mình như thế.
* Tuổi 62... tập nói
Tháng 9-2017, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, ông Nam được bác sĩ phát hiện và chỉ định phải phẫu thuật động mạch cảnh ngay vì có nhiều mảng xơ vữa. Ca phẫu thuật thành công nhưng khiến ông bị liệt dây thanh, không nói được kèm theo rối loạn nuốt, cứ ăn hay uống nước lại bị sặc nên cháo phải xay nhuyễn, thuốc cũng phải tán nhuyễn ra rồi đút từng thìa. Ông cũng thường xuyên bị ho, đau họng, khó nuốt. Với ông Nam, đó là cảm giác tồi tệ, bức bối. Sau nhiều tháng đi thăm khám và chữa trị tại nhiều nơi chuyên về tai mũi họng nhưng không có kết quả, ông Nam được giới thiệu đến Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trọng Châu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Sự bế tắc trong giao tiếp hằng ngày gây lúng túng, căng thẳng cho cả người bệnh lẫn người nhà. Nếu để lâu có thể gây ra trầm cảm và cô lập cho bệnh nhân. Quá trình điều trị cho người bị liệt dây thanh không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi sự kiên trì hợp tác của bệnh nhân và người nhà”. |
Một ngày cuối tháng 2-2018, kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng (phụ trách phân ngành âm ngữ trị liệu của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) tiếp nhận bệnh nhân Dương Đình Nam. Hiểu rõ bệnh tình và mong muốn cháy bỏng tìm lại giọng nói của bệnh nhân, bà Phượng cùng 2 cộng sự Trần Thị Hiền, Đỗ Thụy Quý Nhi thay phiên nhau hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập.
“Cứ 8 giờ sáng, kỹ thuật viên y tế chạy điện quanh vùng cổ để kích thích dây thanh của tôi, cho tôi tập thổi nước, thổi bong bóng, tập hít thở để giữ hơi. Sau vài tuần thì bắt đầu luyện thanh. Cô Phượng đàn từ nốt thấp đến nốt cao để tôi luyện theo, giống như một em bé mới bắt đầu bập bẹ học nói những tiếng đầu tiên trong đời” - ông Nam chia sẻ.
Ròng rã hơn 1 tháng, đều đặn vào mỗi buổi sáng từ 8-10 giờ trong Phòng âm ngữ trị liệu, “cô giáo” Phượng đọc trước a, ê, b, c để ông Nam đọc theo. Dần dà, những từ đơn, từ ghép ngắn, dài lần lượt được phát ra từ miệng bệnh nhân. “Tôi bắt đầu gọi tên từng người trong gia đình, nói những câu đơn giản. Lúc cảm thấy mình đã nói được câu dài, câu đầu tiên tôi thốt lên với cô Phượng là “Ôi chú nói được rồi Phượng ơi”. Cả mấy chú cháu nhìn nhau sung sướng. Mọi bế tắc trong người bấy lâu nay đều được xua tan. Tôi như được sống lại một lần nữa” - ông Nam xúc động chia sẻ.
Mới đây nhất, bệnh nhân Ngô Văn Thanh (62 tuổi, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cũng được tích cực điều trị để có thể phát âm, nói ra được thành lời.
Anh Ngô Minh Hiếu, con trai ông Thanh cho hay sau khi bị tai biến, trong đầu cha anh có một cục máu đông nhỏ gây tắc nghẽn khiến máu không bơm được lên não, ảnh hưởng đến vùng ngôn ngữ. Cha anh có thể nhận thức được nhưng không diễn đạt được thành lời: “Tôi biết cảm giác đó không dễ chịu chút nào nên chỉ cần cha có thể nói lại được thì dù vất vả mấy chúng tôi cũng sẽ làm” - anh Hiếu chia sẻ.
* Nhẫn nại, sẻ chia
Trong hơn 1 năm làm việc, bà Lê Ngọc Phượng tiếp nhận những bệnh nhân có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng tựu chung là những bệnh lý liên quan đến rối loạn nuốt và mất ngôn ngữ (bao gồm rối loạn lời nói, mất điều khiển hành vi của lời nói, rối loạn về giọng nói như hạt dây thanh, liệt dây thanh hoặc các bệnh lý có liên quan đến phẫu thuật vùng cổ, ung thư vòm cổ). Đối tượng bệnh nhân đa phần là những người lớn tuổi, sau khi bị tai biến mạch máu não hoặc các bệnh lý liên quan đến thần kinh như Parkinson, chấn thương sọ não hoặc những người làm các nghề phải nói nhiều như giáo viên, ca sĩ.
Kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng đang luyện tập phát âm cho ông Ngô Văn Thanh |
Mỗi bệnh lý khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Như bệnh nhân Ngô Văn Thanh vừa bị mất ngôn ngữ, vừa mất điều khiển hành vi của lời nói. Ông có thể tiếp nhận thông tin tốt qua nghe và đọc nhưng không làm cách nào để truyền đạt lại suy nghĩ của mình, hoặc có thể nói được những từ đơn nhưng phải có người khác “mớm” từ đầu tiên mới nói được.
Phân ngành âm ngữ trị liệu là một trong 3 phân ngành thuộc Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Phân ngành này được thành lập vào tháng 9-2017, hiện có 1 kỹ thuật viên chính và 2 kỹ thuật viên phụ. Trung bình mỗi ngày các kỹ thuật viên tiếp nhận và điều trị từ 14-15 bệnh nhân. |
“Phác đồ điều trị được đưa ra là sẽ điều trị giúp bệnh nhân tăng khả năng hiểu, khả năng diễn đạt bằng lời nói, diễn đạt bằng chữ viết để bệnh nhân hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Bằng những hình ảnh trực quan sinh động là các đồ dùng, vật dụng, các loại trái cây, đồ ăn hằng ngày, chúng tôi sẽ luyện lặp đi lặp lại để bệnh nhân lấy lại được mẫu vận động của miệng. Đồng thời tiến hành chạy điện vùng cổ để kích thích vào những nhóm cơ liên quan đến vận động lời nói, khơi dậy khả năng của bệnh nhân” - bà Phượng cho biết.
Cũng theo kỹ thuật viên nhiệt tình này, muốn việc điều trị có hiệu quả đòi hỏi chuyên viên, kỹ thuật viên âm ngữ phải kiên trì, nhẫn nại, có nhiều cách làm sáng tạo. Trong quá trình trị bệnh cũng nên nhẹ nhàng để tạo cảm giác an tâm cho người bệnh và thân nhân.
Chia sẻ về công việc của mình, kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng bộc bạch: “Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận, điều trị cho khoảng 14-15 bệnh nhân. Với chúng tôi, không có gì vui và hạnh phúc hơn khi giúp người bệnh tìm lại được giọng nói đã bị “thất lạc” lâu ngày hoặc ăn uống không còn cảm thấy khó chịu. Có gia đình, những người con ròng rã nhiều tháng trời đưa cha mẹ đi điều trị, đến khi lành bệnh, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi lại tự động viên mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để đem đến niềm vui cho thêm nhiều bệnh nhân”.
Hạnh Dung