Như rất nhiều công nhân khác, chị N.K.C., công nhân Công ty TNHH Jiangsu Jing Meng Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết dù rất mệt sau ca làm việc nhưng chị vẫn muốn làm tăng ca, bởi nếu không tăng ca thì thu nhập chính thức không đủ để chi tiêu hằng tháng.
Như rất nhiều công nhân khác, chị N.K.C., công nhân Công ty TNHH Jiangsu Jing Meng Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết dù rất mệt sau ca làm việc nhưng chị vẫn muốn làm tăng ca, bởi nếu không tăng ca thì thu nhập chính thức không đủ để chi tiêu hằng tháng.
Lao động ngành may mặc thường xuyên phải tăng ca. Trong ảnh: Công nhân lao động Công ty TNHH NamYang Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. |
Để có thể tăng ca, vợ chồng chị C. cũng như nhiều gia đình công nhân khác phải gửi con về quê nhờ ông bà nội, ngoại trông giữ giùm.
* Nhu cầu từ cả 2 phía
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Do đó đa phần công nhân lao động đều phải và muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập chính đáng.
May mặc là một trong những ngành nghề có số lượng công nhân tăng ca đông và nhiều thời gian nhất, từ 47-60 giờ/tháng (trong khi quy định của Bộ luật Lao động về thời gian làm thêm giờ của người lao động không quá 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong năm). Thực tế trên cho thấy nhu cầu tăng ca của người lao động và yêu cầu người lao động làm thêm giờ của chủ doanh nghiệp may mặc khá cao, nhất là khi doanh nghiệp có nhiều đơn hàng cần phải xuất đi trong thời gian ngắn.
Như trường hợp của chị C. làm công nhân đã được gần 8 năm. Mức lương cơ bản chị nhận được khoảng hơn 4,6 triệu đồng/tháng. Trong khi các khoản chi phí phòng trọ, ăn uống, tiền gửi về nhờ ông bà ngoại nuôi con, tiền sinh hoạt của 2 vợ chồng dù chắt chiu lắm cũng không dưới 10 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các dịp đám cưới, sinh nhật hay ốm đau, bệnh tật đột xuất. Do vậy, không còn cách nào khác những công nhân như chị C. đều phải tăng ca hầu như mỗi ngày để có thêm từ 2-4 triệu đồng/tháng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị L.H., làm việc tại Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) đã hơn 10 năm, hiện đang có mức lương cơ bản hơn 7 triệu đồng nhưng chị H. vẫn tăng ca hằng tuần tùy từng thời điểm đơn hàng sản xuất của công ty. Chị H. chia sẻ, đa số công nhân mới vào làm đều mong muốn được tăng ca để thêm thu nhập. Còn bản thân chị dù mức lương cơ bản có cao hơn những công nhân mới nhưng hằng tuần vẫn làm thêm vài giờ để vừa có thêm thu nhập vừa đáp ứng yêu cầu tiến độ sản xuất hàng hóa của công ty.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Minh Thành (sản xuất chế biến gỗ, đóng tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, đa số người lao động trong công ty đều tăng ca và thích tăng ca hoặc thời điểm đơn hàng nhiều và cần gấp, công ty cũng sẽ yêu cầu người lao động tăng ca. Thời gian tăng ca mỗi ngày của mỗi lao động từ 1-2 giờ, cá biệt có thể lên đến 4 giờ.
* Cần điều chỉnh mức lương tối thiểu
Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động lên 400 giờ/năm.
Cho rằng đây chỉ là giải pháp để giải quyết vấn đề trước mắt về tiến độ sản xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Ký, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Cửu nhận định về lâu dài việc tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm sẽ khó thực hiện vì sẽ chiếm hết thời giờ nghỉ ngơi, giải trí của người lao động. Mặt khác, khi doanh nghiệp đưa vào dây chuyền sản xuất các loại máy móc tiên tiến, hiện đại thì có lẽ cũng không cần người lao động phải tăng ca quá nhiều.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) lập luận, nguyên nhân khiến đến thời điểm này người lao động vẫn phải làm thêm giờ, thậm chí làm thêm giờ quá quy định là do tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, đặc biệt là đối tượng công nhân nhập cư.
Do vậy, về lâu dài ông Hà cho rằng vấn đề đặt ra là làm sao tiền lương phải đảm bảo đủ mức sống tối thiểu cho người lao động để người lao động không phải làm thêm giờ. Bởi lẽ nếu người lao động tăng ca quá nhiều sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, giải trí, học tập, trau dồi kiến thức nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng, chăm lo cho gia đình. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp nữ công nhân vì mải mê tăng ca kiếm tiền mà quên đi việc lập gia đình, đến khi tuổi quá cao thì đã muộn.
“Cần tăng thời giờ làm thêm nhưng cũng cần có những biện pháp để hạn chế các doanh nghiệp làm thêm giờ. Chẳng hạn, cần xây dựng một khung cụ thể như nếu người lao động càng tăng ca nhiều thì tiền lương của người lao động càng được nâng cao chứ không áp dụng chung một mức tiền lương cho tất cả lao động dù có tăng ca hay không. Luật cũng nên xây dựng mức lương đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho người lao động để khi đó người lao động làm thêm giờ dựa trên nguyện vọng, nhu cầu chứ không phải làm thêm theo kiểu cực chẳng đã” - ông Hà nhấn mạnh.
Hạnh Dung