Đó là một trong những nội dung Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em; giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em diễn ra ngày 6-8.
Đó là một trong những nội dung Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em; giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức vào ngày 6-8.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị. |
Đây là lần đầu tiên hội nghị liên quan đến công tác trẻ em được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, theo dõi của 18 ngàn đại biểu đại diện cho các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở tại 675 điểm cầu trong cả nước.
* Nhiều trẻ em bị xâm hại
Tại Đồng Nai, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tiếp nhận thông tin, can thiệp hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục; duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em... Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 19 vụ xâm hại trẻ em và đều được tổ chức điều tra, xác minh, xử lý. |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hà cho biết mỗi năm cả nước có khoảng 2 ngàn trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong đó, có trên 60% trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Và đây chỉ là những vụ chạm ngưỡng hình sự bị phát hiện và xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo đánh giá của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, 3 năm trở lại đây, số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý trên cả nước có giảm, nhưng tỷ lệ giảm không nhiều. Đáng chú ý, tính chất của các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc trong xã hội. Nạn nhân bị bạo hành, xâm hại bởi chính những người thân, quen.
Theo thống kê, phân tích của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong số 479 ca can thiệp cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục từ năm 2015 đến tháng 4-2018 thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân (như: cha ruột, cha dượng, anh em họ...) chiếm trên 21%; bị xâm hại bởi giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm 6,2%; bị xâm hại bởi người quen chiếm gần 60%; còn lại là do các đối tượng khác gây ra.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương dự hội nghị đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em. Các ý kiến cho rằng nhận thức về vai trò trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, trong đó có công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em của chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa đầy đủ; cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn thiếu; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về trẻ em chưa thường xuyên. Bản thân nạn nhân còn nhỏ tuổi, thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ; cha mẹ vì gánh nặng mưu sinh, thiếu quan tâm đến con; các đối tượng xâm hại chủ yếu là những người thân, quen nên khó ngăn ngừa, phát hiện...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn được quy định rất rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Chưa kể, truyền thống của dân tộc Việt Nam là “kính trên, nhường dưới”. Vì vậy, ai xâm hại trẻ em cũng có nghĩa là vi phạm Hiến pháp, đạo đức, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Điều này, chúng ta chưa quán triệt chặt chẽ và nghiêm túc. Chưa kể, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm dẫn đến những hành vi sai trái của một số đối tượng…
* Huy động cả hệ thống chính trị
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP.Hà Nội và các tỉnh, thành cũng đã đề xuất nhiều giải pháp tích cực nhằm tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Ông Trần Thanh Huệ, Phó chủ tịch UBND huyện Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng bên cạnh nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các địa phương nên gắn kết công tác trẻ em với phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiểu biết pháp luật, vai trò trách nhiệm của người thân, nhất là người mẹ, nhằm hạn chế sự việc đau lòng. Ưu tiên triển khai các mô hình phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, xử lý các vụ xâm hại trẻ em tại địa phương thông qua việc thiết lập các đầu mối tiếp nhận thông tin…
Từ những quy định bất hợp lý trong Bộ luật Tố tụng hình sự gây khó khăn cho việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cần có quy định riêng về cách thức, thời hạn thu thập chứng cứ trong các vụ án xâm hại trẻ em.
Không chỉ đề cập đến vấn đề xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 25 quyền quy định trong Luật Trẻ em. Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội các cấp, nhất là ở cơ sở, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm, đầy đủ các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường. Chủ tịch UBND cấp xã chủ động bố trí nhân sự phụ trách công tác trẻ em để theo dõi, nắm tình hình và đưa ra được các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, cấp xã nghiên cứu, triển khai mô hình nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với sự tham gia của đại diện các ngành, đoàn thể địa phương. Các ngành chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến trẻ em; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...
Bên cạnh nhiệm vụ riêng, các ngành cần tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ trẻ em. Ngoài trẻ em nói chung, Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng và sớm trình Thủ tướng đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Nga Sơn