Thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, gió lạnh nhiều là những yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, gió lạnh nhiều là những yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính của đường thở (từ tai, mũi, họng, thanh quản, khí quản cho đến phổi). Bệnh thường có biểu hiện ho không quá 30 ngày. Đây là bệnh phổ biến nhất, nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
* 2 loại nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
Viêm hô hấp trên là viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng, thường do virus, nếu chăm sóc tốt đa số trẻ sẽ tự khỏi.
Viêm hô hấp dưới bao gồm: viêm tiểu phế quản, viêm phổi…; trong đó viêm phổi là nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
* Triệu chứng của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
Triệu chứng thường thấy nhất là ho dưới 30 ngày, có thể kèm theo sốt hoặc không. Ngoài ra còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như: đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, thở khò khè…
Triệu chứng sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh: trẻ dưới 2 tháng nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên; trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
Khi trẻ có thở co lõm lồng ngực, cần cho trẻ nhập viện vì đây là triệu chứng cho biết trẻ đã bị viêm phổi nặng, cần điều trị tích cực để tránh biến chứng và tử vong. Cần lưu ý, mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng tuổi đều nặng và cần phải nhập viện.
* Yếu tố nguy cơ
Trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ biếng ăn, trẻ suy dinh dưỡng là những trẻ có hệ miễn dịch yếu dễ có nguy cơ nhiễm bệnh. Điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, 1 năm có 2 mùa mưa nắng cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ. Thêm vào đó, môi trường sống hiện nay ô nhiễm nặng nề, mật độ bụi, khí bẩn chứa vi khuẩn, virus, hóa chất luôn ở mức độ báo động luôn là nguy cơ tiềm tàng đe dọa sức khỏe đường hô hấp non yếu của trẻ.
Trẻ em hay bị viêm đường hô hấp sẽ rất ốm yếu, ăn uống kém, dễ bị suy dinh dưỡng. Khi trẻ ăn uống kém, cơ thể trẻ không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ lại là nguyên nhân khiến sức đề kháng của trẻ bị suy yếu và đó là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ dàng bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trở lại.
* Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại nhà
Tiếp tục cho trẻ ăn hoặc cho bú nhiều lần hơn, không kiêng ăn. Cho trẻ uống đủ nước. Giảm ho, đau họng bằng thuốc nam an toàn (tắc chưng đường, mật ong, tần dày lá, hoa hồng bạch, nước trà loãng - ấm…). Dùng thuốc điều trị sốt, ho, khò khè… theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không lạm dụng thuốc kháng sinh vì có thể có tác dụng phụ hay làm cho vi trùng kháng thuốc. Làm thông thoáng mũi giúp trẻ dễ thở, dễ bú hơn.
* Phòng ngừa nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
- Không lạm dụng kháng sinh.
- Chăm sóc tích cực khi trẻ bệnh.
- Nuôi con bằng sữa mẹ.
- Tiêm vaccine đầy đủ.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Bổ sung chất tăng miễn dịch.
TS-BS.Nguyễn Trọng Nơi