Giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, không lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người bệnh khi đến khám, điều trị luôn được các đơn vị y tế trên địa bàn đặc biệt quan tâm.
Giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, không lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người bệnh khi đến khám, điều trị luôn được các đơn vị y tế trên địa bàn đặc biệt quan tâm.
Nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra hệ thống xử lý nước thải. |
Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thường xuyên có khoảng 1 ngàn bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày, do đó rác thải y tế thải ra hàng ngày khá lớn. Để bảo vệ người bệnh, tránh các hậu quả lây nhiễm, bệnh viện luôn chú trọng đến công tác giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ môi trường bệnh viện.
Bác sĩ Tống Văn Khải, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết để duy trì môi trường sạch sẽ, thẩm mỹ, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, đảm bảo an toàn trong chăm sóc và điều trị người bệnh, bệnh viện đã xây dựng quy trình vệ sinh các khoa rõ ràng, cụ thể và phân theo từng vùng sạch đến vùng bẩn, từ vùng nhiễm khuẩn hay không nhiễm khuẩn để các nhân viên vệ sinh nắm bắt thực hiện. Đồng thời quy định khi làm vệ sinh, cây lau nhà đã lau ở buồng bệnh tuyệt đối không được lau ở phòng nhân viên hay phòng họp; quy trình lau dọn vệ sinh phải từ khu nhân viên, buồng bệnh rồi sau cùng mới đến khu vệ sinh.
Tại tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện đều được trang bị thùng và túi đựng chất thải y tế cho từng loại chất thải, rác thải. Xây dựng hệ thống bảng biểu hướng dẫn quy trình vệ sinh tay, chỉ dẫn địa điểm để rác thải, chất thải. Việc vận chuyển và xử lý chất thải được thực hiện theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình và được giám sát, kiểm tra chặt chẽ trước khi thải ra môi trường.
Còn tại Trung tâm phòng, chống
HIV/AIDS Đồng Nai thường xuyên tiếp nhận các mẫu máu, nước tiểu từ những bệnh nhân nhiễm HIV và những người có nghi ngờ nhiễm HIV đến làm các xét nghiệm. Vì vậy, từ khâu tiếp nhận mẫu đến xử lý rác thải đều được nhân viên trung tâm thực hiện nghiêm ngặt và đúng quy trình.
Cử nhân Nguyễn Thị Khuyên, phụ trách Khoa Xét nghiệm Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết trung bình 1 tuần khoa tiếp nhận hơn 150 mẫu máu của bệnh nhân đến làm xét nghiệm. Sau khi làm xong xét nghiệm, các mẫu được thu gom lại rồi hấp ướt khử trùng, đựng vào túi ny-lông màu vàng có dán chữ cảnh báo nguy hiểm sinh học, rồi được chuyển xuống nhà rác của trung tâm. Đối với các bơm kim tiêm, khẩu trang, găng tay đều có thùng đựng riêng và được đưa đi tiêu hủy. Riêng các mẫu nước tiểu, sau khi làm xét nghiệm cũng được khử trùng bằng dung dịch nước tẩy Javen trong vòng 24 giờ rồi đưa đến nơi xử lý rác thải riêng.
“Nếu như các dụng cụ liên quan đến công việc lấy mẫu máu không làm đúng quy trình và theo quy định sẽ phát tán nguy cơ lây nhiễm ra bên ngoài, gây hôi thối, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế và bệnh nhân” - cử nhân Nguyễn Thị Khuyên nói.
Sao Mai