Trong số các bệnh liên quan đến tim mạch, bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong cao nhất và đang có xu hướng gia tăng.
Trong số các bệnh liên quan đến tim mạch, bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong cao nhất và đang có xu hướng gia tăng.
Bác sĩ Đinh Đức Hòa, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khuyên bệnh nhân hạn chế sử dụng những chất kích thích để đảm bảo sức khỏe tim mạch. |
Người dân cần có những hiểu biết đúng về căn bệnh này, nhanh chóng đến các cơ sở y tế thăm, khám khi có các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Đinh Đức Hòa, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
* Dấu hiệu nhận biết
Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp/tắc do các mảng xơ vữa, co thắt dẫn đến mạch vành không cung cấp đủ oxy cho cơ tim. Động mạch vành nếu bị hẹp đến một mức độ nào đó sẽ gây khó thở, đau thắt ngực.
Bệnh động mạch vành cấp rất nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể gây tử vong. Do vậy, khi có những triệu chứng nghi bệnh lý liên quan đến tim mạch, người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ để được điều trị. Đồng thời, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những thay đổi trong cơ thể. |
Vị trí đau thường tập trung ở vùng giữa ngực, sau xương ức hay vùng trước tim. Đau có thể lan lên cổ, hàm, cánh tay, thường gặp nhất là lan ra bên trái kèm theo các triệu chứng: vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt nhọc, khó thở, tím tái, tim đập mạnh, đôi khi đau ở vùng thượng vị hoặc có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép. Có trường hợp đau lan ra sau lưng, ra vùng cột sống làm người bệnh tưởng lầm là đau do thoái hóa cột sống thắt lưng.
Cơn đau thắt ngực ổn định thường tự hết từ 1-5 phút sau khi ngừng gắng sức. Nếu cơn đau xuất hiện lúc nghỉ ngơi hoặc cơn đau quá trầm trọng, đau kéo dài trên 30 phút thì bệnh nhân phải nghĩ đến bị nhồi máu cơ tim cấp. Đôi khi có những trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim mà không có triệu chứng cơn đau thắt ngực.
* Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành
Có 2 dạng yếu tố nguy cơ gây nên bệnh động mạch vành là: nguy cơ có thể thay đổi được và nguy cơ không thể thay đổi được.
Những nguy cơ không thể thay đổi được gồm: tuổi tác (tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị bệnh động mạch vành, thông thường là nam trên 50 tuổi, nữ trên 55 tuổi); giới tính (nam giới có nhiều nguy cơ hơn nữ giới trong các bệnh lý tim mạch, trong khi đó nữ giới lại có nguy cơ bệnh động mạch vành cao hơn sau khi mãn kinh); tiền sử gia đình (nguy cơ cao nếu cha mẹ, ông bà, anh chị em bị các tai biến về tim mạch).
Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: lối sống ít vận động, tập luyện thể dục; bản thân mắc các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì; hút thuốc lá, thuốc lào; uống rượu bia; rối loạn mỡ máu; stress…
Do vậy, người bệnh cần phải biết rõ bản thân có thể mang những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được nào và cần phải tránh/từ bỏ hoặc kịp thời khống chế những nguy cơ có thể thay đổi được.
* Phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh động mạch vành. Trong đó, phương pháp nội khoa là sử dụng thuốc để kiểm soát tần suất của cơn đau cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc của bệnh nhân phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ dựa vào mức độ bệnh.
Phương pháp ngoại khoa là phẫu thuật làm cầu nối chủ - vành, kỹ thuật nong động mạch vành, đặt stent. Hiện nay, tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có Khoa Tim mạch can thiệp đã chữa trị cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh động mạch vành.
Song song với việc sử dụng thuốc, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống phù hợp. Bởi một số yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch nói chung là do người bệnh ăn nhiều chất mỡ động vật, những chất nhiều cholesterol… Do vậy, cần kiểm soát chế độ ăn nhiều mỡ, hạn chế uống rượu bia, thuốc lá - yếu tố nguy cơ hàng đầu với bệnh tim mạch.
Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã xuất hiện những trường hợp bệnh nhân rất trẻ tuổi (22 tuổi) bị các bệnh liên quan đến tim mạch. Nguyên nhân chính là do bệnh nhân sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá. Thói quen này cần phải được loại trừ ngay lập tức.
Hạnh Dung (ghi)