Báo Đồng Nai điện tử
En

Vào mùa dịch bệnh

08:05, 17/05/2018

Từ đầu tháng 5 đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho 70 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng, tăng hơn 20 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng gia tăng do mùa mưa đã bắt đầu.

Từ đầu tháng 5 đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho 70 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng, tăng hơn 20 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng gia tăng do mùa mưa đã bắt đầu.

Bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang thăm khám cho bé N.M.H. bị bệnh sốt xuất huyết.  Ảnh: N.SƠN
Bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang thăm khám cho bé N.M.H. bị bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: H.Dung

Để phòng, chống 2 loại bệnh trên, người dân cần có những biện pháp đúng trong việc bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.

* Còn mơ hồ

Bệnh nhi T.B.N. (8 tháng tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nhập viện Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai sau 4 ngày phát bệnh ở nhà. Mẹ bé cho hay: “Mấy ngày trước khi cho con nhập viện, tôi thấy trên người cháu nổi nốt đỏ. Ngày đầu có 1-2 nốt, càng về sau càng nổi nhiều, kèm theo quấy khóc, sốt cao đến 38OC. Do không có kinh nghiệm nên tôi cứ nghĩ con bị muỗi đốt. Đến ngày thứ 4, các nốt đỏ lan nhanh, tôi cho con nhập viện mới biết là bị bệnh tay chân miệng”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và tay chân  miệng, phụ huynh cần chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh những vật dụng chứa nước mà muỗi có thể đẻ lăng quăng. Tránh để trẻ bị muỗi đốt bằng cách mắc mùng khi trẻ ngủ. Nếu trẻ sốt 2-3 ngày không hạ thì cần đi khám sớm. Dấu hiệu trở nặng là: ói, đau bụng nhiều, tiểu ít, mệt mỏi...

Cũng không hiểu gì nhiều về bệnh tay chân miệng nên mới cho con xuất viện được 2 ngày, anh Trần Hữu Phong (ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) lại phải tiếp tục đưa con đến Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để điều trị bệnh tay chân miệng.

Anh Phong cho biết trên người bé nổi nhiều nốt đỏ, miệng lở, không ăn uống được, sốt cao và hay khóc la, không chịu chơi. Đưa con vào bệnh viện, các bác sĩ cho biết bé bị bệnh tay chân miệng. Khi được hỏi về việc vệ sinh cho bé, vị phụ huynh này cho hay bé được giữ tại nhà. Đồ chơi thi thoảng được rửa sạch, còn sàn nhà thì lau 2 lần/tuần.

Tương tự, nhiều bệnh nhi có triệu chứng sốt cao, nôn ói mới được đưa vào bệnh viện. Ông Nguyễn Hảo, cha của bé N.M.H. (9 tuổi, ngụ xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), cho biết bé Hậu nhập viện điều trị sốt xuất huyết đã được 1 tuần. Trước đó lúc ở nhà bé Hậu sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi. “Gia đình tôi có thói quen ít ngủ mùng nên có thể cháu bị muỗi đốt mà không biết” - ông Hảo cho biết.

* Tránh để bệnh nặng

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết vào mùa mưa các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng so với những tháng trước.

Đa số trẻ bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Trẻ thường rất mệt mỏi, ăn uống kém, trường hợp nặng hơn thì nôn ói nhiều và có dấu hiệu đau bụng.

Với trẻ sơ sinh, triệu chứng bệnh sốt xuất huyết không rõ ràng, thường chỉ nôn ói nhiều. Do vậy, trẻ cần được xét nghiệm máu sớm để được xác định rõ. Với những trẻ đã tự ăn uống được thì nếu đau bụng nhiều, tiểu ít, ói nhiều thì có thể đã vào giai đoạn nặng, cần được nhập viện sớm để được điều trị sớm.

Bác sĩ Quyền cũng khuyến cáo những trẻ bị sốt cao không nên truyền dịch sớm tại nhà, không nên tự cạo gió. Khi trẻ sốt cao có co giật, người lớn không nên vắt chanh vào miệng trẻ vì có thể gây sặc, tím tái người. Nếu trẻ không hạ sốt thì phải nhập viện. Bệnh sốt xuất huyết nếu để lâu sẽ trở nên nặng, gây sốc, thậm chí sốc sâu, ảnh hưởng đến các cơ quan như: tim, thận, gan, não. Lúc này, việc điều trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao hơn.

Còn với bệnh tay chân miệng - loại bệnh chưa có thuốc chủng ngừa, chưa có vaccine phòng bệnh nên trẻ có thể bị tái đi tái lại nhiều lần. Thậm chí, có những trẻ nhập viện 3 lần trong vòng 1 tháng để điều trị. Những trẻ dưới 5 tuổi cần được chú ý hơn vì dễ mắc phải bệnh này.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là trẻ bị sốt cao, giật mình nhiều, có những bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, loét ở miệng, sốt, ói. Những trường hợp này cần nhập viện sớm để xác định mức độ của bệnh.

“Nếu phát hiện muộn, điều trị không hợp lý, bệnh tay chân miệng sẽ diễn biến nặng và phải điều trị rất phức tạp, tốn kém. Chi phí điều trị nhiều đợt có thể lên tới 20-30 triệu đồng. Cao điểm của bệnh này là vào tháng 5, 6, 9, 10, 11” - bác sĩ Quyền nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Quyền, rất nhiều phụ huynh còn mơ hồ, không hiểu về bệnh tay chân miệng để phòng tránh hoặc đưa đến cơ sở y tế sớm. Nhiều phụ huynh lầm tưởng những nốt đỏ nổi trên tay, chân con là do rôm sảy hoặc côn trùng cắn nên chủ quan, để lâu nốt đỏ lan nhiều. Thông thường, các nốt đỏ của bệnh sẽ có bóng nước, nổi lên ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, khác với nốt đỏ của rôm sảy. Nếu bị rôm sảy, trẻ sẽ ít khi bị sốt, còn bệnh tay chân miệng thì trẻ sẽ bị sốt

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, nếu trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, không sốt thì có thể đi khám rồi điều trị tại nhà nhưng phải tái khám mỗi ngày để theo dõi tình trạng bệnh. Nếu trẻ sốt cao thì cho uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, không nên kiêng khem nhiều. Triệu chứng trở nặng là trẻ ngủ bị giật mình thì cần được nhập viện ngay.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều