Bác sĩ Trần Thị Bảo Thu, Phó trưởng khoa Răng hàm mặt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho hay vấn đề vệ sinh răng miệng đối với trẻ em rất quan trọng. Nếu trẻ em không được vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ gây ra nhiều bệnh về răng miệng.
Bác sĩ Trần Thị Bảo Thu, Phó trưởng khoa Răng hàm mặt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho hay vấn đề vệ sinh răng miệng đối với trẻ em rất quan trọng. Nếu trẻ em không được vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ gây ra nhiều bệnh về răng miệng.
Bác sĩ Khoa Răng hàm mặt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai nhổ răng sâu cho một bệnh nhi. Ảnh: T.Anh |
Trong đó 3 bệnh thường gặp ở trẻ là bệnh sâu răng, viêm nướu răng, viêm tủy răng cấp. Những bệnh này không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Bệnh sâu răng: Thường gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất ở trẻ em, nhất là trẻ từ 2-5 tuổi. Bệnh sâu răng chiếm khoảng 80% trong các bệnh răng miệng được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Nguyên nhân gây bệnh sâu răng ở trẻ là do trẻ có thói quen ngậm bình sữa; không vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh không đúng cách; ăn thực phẩm chứa nhiều chất đường (bánh, kẹo), uống nước ngọt… Do đó tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong khoang miệng, làm phân hủy men răng, mất khoáng men răng hình thành lỗ sâu. Càng ngày lỗ sâu càng lớn dẫn đến gây đau nhức răng, làm cho bé ăn uống kém. Nếu không điều trị sớm sẽ gây viêm tủy, hình thành áp xe dẫn tới viêm mô tế bào.
Viêm nướu: Triệu chứng cho thấy trẻ bị sốt, sưng đỏ nướu, hôi miệng, dễ chảy máu nướu, nướu bở không săn chắc, dẫn tới viêm loét toàn bộ miệng.
Bệnh viêm nướu răng do khâu vệ sinh răng miệng kém, các mảng bám thức ăn bám vào các kẽ răng, nếu không được vệ sinh nó sẽ lên men tạo acid, vi khuẩn sinh sôi phát triển trong miệng, gây viêm loét nướu, miệng.
Viêm tủy răng cấp: Là giai đoạn tiến triển nặng từ sâu răng, gây viêm tủy cấp.
Triệu chứng: trẻ đau nhiều, đau tăng về đêm, đau kéo dài trên 30 phút. Thăm khám gõ răng đau, chụp phim cho thấy tủy răng tổn thương. Viêm tủy răng cấp gây ảnh hưởng toàn thân, trẻ đau nên ăn uống kém, ngủ không ngon giấc, nếu kéo dài làm cho trẻ bị sụt cân. Nặng hơn sẽ gây viêm mô tế bào. Viêm mô tế bào không được điều trị tới nơi tới chốn sẽ gây nhiễm trùng máu. Khi nhiễm trùng máu vi khuẩn sẽ di chuyển gây viêm não, viêm thận, viêm khớp, viêm tim, có thể nguy hiểm tính mạng.
Một số biện pháp phòng ngừa
Theo bác sĩ Trần Thị Bảo Thu, vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách không những giúp cho trẻ tránh được các bệnh thường gặp mà khi lớn lên trẻ sẽ có hàm răng đẹp. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách cho trẻ đánh răng, súc miệng với nước muối. Với những trẻ nhỏ chưa mọc răng cần chà lưỡi, nướu cho trẻ.
- Cho trẻ đánh răng từ 2-3 lần/ngày. Cần chọn bàn chải mềm, thay bàn chải 3 tháng/lần, hướng dẫn trẻ chải hết tất cả các mặt răng (mặt trong, mặt ngoài, răng trên, răng dưới).
- Cần đánh răng cho trẻ từ khi có răng, nên dùng kem đánh răng cho trẻ em có flour.
- Hạn chế cho trẻ ăn uống đồ ngọt.
- Không cho trẻ ngậm bình sữa.
- Khám bác sĩ định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm các bệnh răng miệng để có cách điều trị kịp thời.
Thảo Anh (ghi)