Nhiều năm nay, Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, dù nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn. Góp phần tạo nên những chuyển biến ấy có công sức của thầy Trần Văn Lập, người có 13 năm gắn bó với nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội của trường.
Nhiều năm nay, Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, dù nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn. Góp phần tạo nên những chuyển biến ấy có công sức của thầy Trần Văn Lập, người có 13 năm gắn bó với nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội của trường.
Thầy Trần Văn Lập gặp gỡ, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Ảnh: C.Nghĩa |
Năm 2005, thầy Trần Văn Lập và cô Nguyễn Thị Thúy Diễm cùng tốt nghiệp Khoa họa và công tác Đội của Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai) và cùng về công tác tại Trường THCS Trần Hưng Đạo. Công việc đã giúp 2 người nên duyên vợ chồng tại ngôi trường này. Thu nhập từ đồng lương nghề giáo của thầy Lập và cô Diễm những năm đầu vào nghề còn ít ỏi, bây giờ cũng chỉ gọi là đủ sống nhưng tình thương yêu với học trò thì mỗi năm một đong đầy hơn.
* Nắm bắt từng học trò
Nói về Tổng phụ trách Đội Trần Văn Lập, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Phan Sỹ Quý cho biết: “Nhà trường có trên 1 ngàn học sinh, không phải em nào thầy Lập cũng biết hết, nhưng em nào hoàn cảnh khó khăn thầy đều nắm rất rõ. Thầy Lập rành đường đến nhà của từng học trò có hoàn cảnh khó khăn, có em thầy đã tới nhà cả chục lần trong suốt quá trình từ khi vào lớp 6 đến khi học hết lớp 9. Đây cũng là lý do vì sao trường có nhiều học sinh khó khăn nhưng không có em nào bỏ học”.
“Niềm vui của tôi là thấy được những học trò nghèo không bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh. Nhiều em giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, các em không còn nghèo, không thất nghiệp như cha mẹ mình, và người thầy như tôi thì không mong gì hơn thế cho học trò” - thầy Trần Văn Lập chia sẻ. |
Vào đầu năm học, khi học sinh lớp 6 mới vào trường, thầy Lập đã chú ý “sàng lọc” các em có hoàn cảnh đặc biệt ngay. Công việc này không mất nhiều thời gian nhưng phải làm bằng tình thương, trách nhiệm. Những em có hoàn cảnh như: thuộc hộ nghèo, nhà đông anh em, cha mẹ ly hôn, mồ côi cha mẹ… sẽ được thầy Lập ghi vào sổ công tác để theo dõi trong suốt quá trình học. Nếu các em có biểu hiện thường xuyên nghỉ học hay bỏ học giữa chừng là thầy Lập cùng với giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu và giúp đỡ ngay.
Thầy Lập kể: “Năm nào tôi cũng thống kê được khoảng 45-50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Trong số đó có trường hợp của em Sâm Vỹ Trí (học lớp 8) và Sâm Hồng Bích (học lớp 7) ở ấp Tân Hòa (xã Bảo Bình) có đến 9 anh em, kinh tế gia đình lại túng thiếu. Để nuôi 9 miệng ăn, cha mẹ các em đã “toát mồ hôi” chứ chưa nói chuyện học hành. Tôi đã tới nhà động viên phụ huynh tiếp tục cho các em đến trường, đồng thời đề nghị trường dành học bổng tặng cho 2 em kèm theo quà của các mạnh thường quân”.
* Giúp trò bằng cả tấm lòng
Làm giáo viên Tổng phụ trách Đội thu nhập không bằng giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhưng thầy Lập chia sẻ có rất nhiều niềm vui khi làm được việc gì có ích cho trò nghèo. Thầy Lập vui vẻ cho biết: “Trong cốp xe Honda của tôi lúc nào cũng sẵn vài sợi dây chằng, đi đâu ai “ngỏ lời” cho học sinh nghèo gạo hay mì tôm là tôi chất lên xe chở về trường ngay để trao cho học trò. Có em còn nhỏ quá thì tôi chở tận về nhà”.
Hồi đầu năm học thầy xin được 4 cặp dê (8 con) tới thời kỳ sinh sản mang về tặng 4 gia đình học trò nghèo nhất trường. Đến nay có 3 trong số 4 cặp dê sinh sản thành công, cặp còn lại do gia đình học trò chưa có kinh nghiệm nuôi nên phải chờ lần phối giống tiếp theo.
Không chỉ giúp học trò bằng việc đi vận động những mạnh thường quân, tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, thầy Lập còn vận động các thầy cô, học sinh và phụ huynh tự nguyện ủng hộ quỹ học bổng mang tên Trần Hưng Đạo. Thầy cũng tổ chức các chương trình văn nghệ, ẩm thực để quyên góp tiền ủng hộ học sinh nghèo... Quỹ học bổng không chỉ giúp cho những học sinh nghèo mà còn giáo dục cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khá hơn sống biết tiết kiệm, biết chia sẻ với những bạn bè có hoàn cảnh khó khăn.
Em Phùng Hoàng Thủy Tiên, học sinh lớp 7, mồ côi cha mẹ, hiện sống cùng bà ngoại, cho biết: “Em được thầy Lập giúp đỡ rất nhiều lần kể từ khi em bước vào lớp 6 cho tới nay. Khi có học bổng hay có quà của các mạnh thường quân ủng hộ, thầy ưu tiên cho em được nhận. Vào mùa mưa em cùng các bạn không thể tự qua suối về nhà, thầy lại giúp chúng em đi qua an toàn. Sự tận tình của thầy Lập làm em cảm thấy mình càng phải cố gắng hơn trong học tập, vượt qua hoàn cảnh”.
Công Nghĩa