Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ sức gió, mặt trời, rác thải... Vai trò và lợi ích của NLTT cũng đã được công nhận. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên xanh này vẫn đang dậm chân tại chỗ, còn nhiệt điện than – cái mà cả thế giới đang ngoảnh mặt, thoái vốn lại được đầu tư tràn lan.
[links()]Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ sức gió, mặt trời, rác thải... Vai trò và lợi ích của NLTT cũng đã được công nhận. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên xanh này vẫn đang dậm chân tại chỗ, còn nhiệt điện than – cái mà cả thế giới đang ngoảnh mặt, thoái vốn lại được đầu tư tràn lan.
* Lao vào … vết xe đổ !?
Theo dữ liệu PlattsWEPP (tháng 12-2016), việc đầu tư các nhà máy nhiệt điện than trên toàn thế giới đang rơi vào tình trạng thoái trào. Một khảo sát của Hệ thống giám sát các nhà máy điện than toàn cầu trên trang Endcoal.org, sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ chưa từng có, công suất điện than của toàn thế giới đã giảm xuống đáng kể vào năm 2016, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, do sự thay đổi về các chính sách và điều kiện kinh tế của 2 quốc gia này. Theo thống kê của hệ thống giám sát này, đến tháng 1-2017, riêng tại Trung Quốc và Ấn Độ, 100 nhà máy với tổng công suất 68GW đang trong tình trạng đình trệ thi công. Số lượng dự án điện than bị đóng băng nhiều hơn số lượng được khởi công. Việc đóng cửa nhà máy điện than đang diễn ra với một tốc độ chưa từng có.
Bãi thải tro xỉ khổng lồ của nhà máy nhiệt điệt Duyên Hải (Trà Vinh) |
Nguyên nhân của tình trạng thoái trào các nhà máy nhiệt điện than là do tình trạng gây ô nhiễm môi trường quá lớn của nguồn năng lượng này. Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… đã phải gánh chịu tình trạng bụi siêu nhỏ từ hàng loạt các công trình điện than. Ngoài ra, điện than đã gây hiệu ứng nhà kính, mưa a-xít, ô nhiễm nguồn nước, nguồn không khí, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân.
Thông tin từ PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ): Tại COP21 (Paris 2015), Việt Nam thông báo góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh từ 2016-2020; cam kết cắt giảm lượng khí thải 8% vào năm 2030 và sẽ là 25% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Thế nhưng theo sách phát triển điện ở Việt Nam, nhiều nhà máy điện than đang được đầu tư, chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than hoạt động. Liệu Việt Nam có thể thực hiện được cam kết đó? |
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang hạn chế điện than, các ngân hàng đã thoái vốn đầu tư cho điện than thì tại Việt Nam, nguồn năng lượng này vẫn đang phát triển. Việt Nam hiện có 26 nhà máy nhiệt điện than hoạt động, chiếm 21% (năm 2016) và sẽ chiếm 41% sản lượng điện của Việt Nam năm 2020. Với số lượng này, mỗi năm các nhà máy điện than thải ra khoảng 16 triệu tấn tro, xỉ, chất lượng không khí những vùng có nhà máy và lân cận đã xuống dưới ngưỡng cho phép.
Chia sẻ về vấn đề này, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 11-1 vừa qua, ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, phát biểu: “Việt Nam hiện có tài sản lớn mà thiên nhiên ưu đãi, bức xạ mặt trời lớn, gió và sinh khối dồi dào. Tuy nhiên, 45% tổng năng lượng của Việt Nam lại từ nhiệt điện than, khí... Nếu Việt Nam gia tăng sử dụng điện than trong nhiều năm và tiếp tục đầu tư thêm hàng chục nhà máy nhiệt điện than, tôi cho rằng đó không phải là quyết định thông minh”.
Theo Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ngành năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá, nhưng ông cho rằng, than đá là một trong những tài nguyên bẩn nhất gây tác động tiêu cực cho thế giới. Nhiều quốc gia đã dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá. Ông John Kerry cảnh báo: “Hà Nội năm 2017 đã có có nhiều ngày không khí bị ô nhiễm dưới chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đã có hơn 23.000 người mắc các bệnh hô hấp, ung thư và bệnh phổi… do ô nhiễm gây ra. Vẫn biết, Việt Nam là nước giàu tài nguyên than đá và Việt Nam có thể dùng điện than trong 30 năm nữa và cho tương lai xa hơn, nhưng nếu Việt Nam đào tất cả tài nguyên than đá lên và đốt nó làm điện thì môi trường của các bạn coi như xong”.
* Năng lượng xanh: Dậm chân ở … tiềm năng
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tiềm năng về NLTT ở Việt Nam rất lớn từ gió, mặt trời, khí sinh học, sinh khối, thủy điện nhỏ, thủy triều, địa nhiệt… Ước tính, tiềm năng cho phát điện của nguồn năng lượng này khoảng 21.000 - 26.000MW. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ khai thác được khoảng 2/10 so với tiềm năng.
Năng lượng gió kết hợp với năng lượng mặt trời là lựa chọn khôn ngoan cho những quốc gia có tiềm năng về gió và nắng như Việt Nam (Ảnh Internet) |
Cụ thể, tính đến tháng 7-2017, tiềm năng điện gió ở Việt Nam từ 3.000 - 6.000MW nhưng mới khai thác đạt 159MW nối lưới; điện mặt trời khoảng 10.000MW nhưng thực tế mới đạt 6MW (riêng nối lưới 0.18MW); phát điện từ khí sinh học trên 100MW nhưng mới chỉ đạt trên 2,5MW; thủy điện nhỏ từ 5.000 - 7.000MW nhưng thực tế đạt 1.984MW. Đặc biệt, theo đánh giá tiềm năng điện thủy triều đạt 100 - 200MW ở miền Bắc, điện địa nhiệt khoảng 340MW, nhưng đến nay 2 nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác.
Cũng tính đến thời điểm tháng 7-2017, số dự án đăng ký phát triển điện gió, mặt trời và sinh khối ước tính có hơn 250 dự án với tổng công suất đăng ký khoảng gần 25.000MW. Trong đó, các tỉnh có nhiều dự án đăng ký điện gió nhất là: Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre; các tỉnh có nhiều dự án đăng ký điện mặt trời là Đắk Lắk, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa; các tỉnh có nhiều dự án đăng ký điện sinh khối là: Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện của nước ta đến năm 2020 đạt 265 tỷ kWh, năm 2030 là 570 tỷ kWh, cao gần gấp ba lần so khoảng 170 tỷ kWh hiện nay. Tính đến năm 2020, sản lượng điện của Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh. Hiện, cơ cấu nguồn cung điện của nước ta vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào nhiệt điện, than, khí. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong những năm tới, nhưng các nguồn năng lượng hóa thạch như: than, khí đang suy giảm, cạn kiệt… Song, tiềm năng NLTT để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân cũng như bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam đang quá dồi dào, nhưng lại vẫn dậm chân tại chỗ bởi có quá nhiều rào cản.
Phương Liễu
(Còn tiếp Bài cuối: "Nhiều rào cản cần tháo gỡ")