Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu thế giới bị tổn thương nhiều nhất trước biến đổi khí hậu. Phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, là giải pháp quan trọng trong quá trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cũng mang lại những cơ hội, lợi ích kinh tế mới. Tuy nhiên, để nguồn năng lượng tái tạo phát triển bền vững, hiệu quả… là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
[links()]Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu thế giới bị tổn thương nhiều nhất trước biến đổi khí hậu. Phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, là giải pháp quan trọng trong quá trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cũng mang lại những cơ hội, lợi ích kinh tế mới. Tuy nhiên, để nguồn năng lượng tái tạo phát triển bền vững, hiệu quả… là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Bài 1: Khi dân tự phát điện
Mặc dù đến nay điện sinh hoạt đã phủ 99,8% số xã trong cả nước, nhưng vẫn còn những vùng sâu, vùng xa, miền núi điện vẫn chưa đến được với người dân. Không thụ động ngồi chờ, nhiều người dân đã phát điện bằng năng lượng mặt trời để phục vụ đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho gia đình mình…
* Từ sông… lên núi
Ngư dân làng bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) từ nhiều năm nay phải sống trong ánh sáng le lói của đèn dầu, bình ắc-quy. Có điện thắp sáng để con cái học hành, mở được cái tivi, cái đài nghe đã trở thành niềm mơ ước của hàng trăm hộ dân lênh đênh vùng sông nước này. 5 năm trước, bắt đầu từ hộ anh Trần Thanh Hồng (ngụ ấp 1, xã Phú Ngọc), giờ đây hơn 60% hộ dân làng bè đã biết làm điện từ năng lượng mặt trời.
Một ngư dân làng bè đang chuẩn bị mắc tấm pin năng lượng mặt trời lên nóc bè để phát điện (ảnh Đăng Tùng) |
Mười năm sống ở vùng sông nước La Ngà, anh Hồng cũng như nhiều người dân làng bè muốn có điện sinh hoạt chỉ có 2 cách: một là kéo điện từ trên bờ ra bè; hai là buổi sáng xách bình ắc-quy lên bờ sạc rồi chiều tối đem về dùng. Những hộ khá giả thì mua máy phát điện chạy dầu nhưng chi phí quá tốn kém.
Ông Phạm Hữu Quyết, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc cho hay, khu vực sông La Ngà hiện có trên 300 bè cá, riêng xã Phú Ngọc có trên 100 hộ với khoảng 200 bè. Trong số đó, có 60% số hộ làng bè đã sử dụng điện năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt. |
Anh Hồng nói, mùa nước lên, khoảng cách các bè giãn rộng, việc di chuyển còn thoải mái; vào mùa nước cạn, các bè tụm lại gần nhau, mỗi khi đem bình lên bờ sạc rồi lấy về đi lại cũng rất khó khăn. Thậm chí, những ngày mưa to gió lớn, bình trong bờ sạc đầy cũng không thể đem ra bè được. Còn kéo điện từ bờ ra, dây điện chỉ được máng trên mấy cây sào tre, rất nguy hiểm khi di chuyển vào buổi tối. Giữa mênh mông sông nước, không có điện rất buồn, 7 giờ tối đã đi ngủ.
Từ một người quen, anh Hồng gom góp mua 2 tấm pin năng lượng mặt trời loại 150W và bình ắc-quy 120Ah để thắp sáng với giá gần 10 triệu đồng. Giờ đây, buổi tối gia đình anh thoải mái xem tivi, con cái học hành mà không sợ thiếu điện. Anh nói, các tấm pin được bảo hành 10 năm, lại có sẵn tại cửa hàng ở cầu La Ngà, khi có trục trặc hoặc muốn lắp thêm, chỉ cần a-lô là có người đến phục vụ. Thấy gia đình anh có điện dùng, nhiều hộ dân làng bè cũng ráng đầu tư làm điện năng lượng mặt trời, không còn kéo điện từ trên bờ ra nữa. Mùa khô chỉ cần sạc nửa ngày là đầy bình ắc-quy 75Ah hoặc sạc một ngày là đầy bình 120Ah, đủ cho cả nhà mở đèn, xem tivi, thậm chí hát karaoke vài giờ.
Một hộ dân ở xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) sử dụng điện năng lượng mặt trời để thắp sáng và sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ sinh hoạt gia đình. (Ảnh Phương Liễu) |
Không chỉ các hộ vùng sông nước Đồng Nai tự mình làm điện, mà người dân ở nhiều vùng xa xôi, đồi núi như Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cũng đang đổi đời nhờ tự làm điện.
Gần một năm qua, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đã hướng dẫn bà con nghèo ở vùng Bảy Núi - Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lắp đặt và sử dụng đèn LED hiệu quả, vừa có ánh sáng lại tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Hàng trăm hộ đồng bào Khmer đã và đang thay đổi chất lượng cuộc sống của mình khi tham gia vào Dự án Năng lượng xanh An Giang, do Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), phối hợp với Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh An Giang thực hiện.
Anh Đoàn Ngọc Phú (ở xã Núi Cấm) mấy tháng nay không còn phải lo xuống núi sạc bình ắc-quy mỗi ngày. Sau khi được Tiến sĩ Khải hỗ trợ hướng dẫn lắp đặt đèn LED dùng pin năng lượng mặt trời, gia đình anh sử dụng 6 bóng đèn LED, thắp sáng cả một góc núi. Không chỉ sử dụng năng lượng tự nhiên này để thắp sáng, mà anh còn dùng để bơm nước, dùng quạt, xem tivi thoải mái.
TS. Khải cho biết, ngoài hỗ trợ linh kiện, ông còn tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân tự sửa chữa và lắp đèn LED trong nhà. Việc làm này nhằm mục đích giúp bà con giảm chi phí khi không còn hỗ trợ của dự án. Người dùng chỉ tốn khoảng 70.000 đồng tiền mua linh kiện về lắp thay vì phải mua một bộ bóng đèn LED tốn mất 350.000. Hiện đã có 72 hộ dân đầu tiên trên núi Cấm sử dụng đèn LED, còn hơn 100 hộ dân nữa sẽ được hướng dẫn lắp đặt đèn LED để phục vụ đời sống.
* Lợi ích của năng lượng tái tạo
Trong khi biến đổi khí hậu vẫn đang âm thầm diễn ra với mức độ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của cư dân nhiều vùng đồng bằng, ven biển thì vấn đề phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam không chỉ bảo đảm nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân mà còn có vai trò quan trọng trong việc góp phần chống biến đổi khí hậu, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Văn Khải hướng dẫn người dân vùng Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lắp đèn LED để thắp sáng (Ảnh Phương Liễu) |
Việt Nam là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang là nguồn chính cung cấp năng lượng cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, năng lượng hóa thạch là nguồn nguyên liệu có hạn, không bền vững. Việc khai thác can kiệt và sử dụng quá nhiều nguyên liệu hóa thạch đã gây ra hiệu ứng nhà kính, làm gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối … thay thế cho nhiệt điện than, thủy điện là một tất yếu và cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong một công trình nghiên cứu của TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã khẳng định nước ta là một quốc gia có nguồn NLTT phong phú, đa dạng. Chẳng hạn như năng lượng gió thì trong 4 nước ở khu vực Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia thì Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận. Không những thế, Việt Nam còn có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn; hoặc năng lượng mặt trời, đặc biệt là phía Nam, lượng bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm. Số giờ nắng ở miền Trung và miền Nam vào khoảng 2.000-2.600 giờ.
Nói về giá trị và lợi ích của NLTT, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ): Đó là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, không làm tổn hại tài nguyên, bền vững về kinh tế và xã hội, có giá trị giáo dục cao. Ngoài ra việc chuyển đổi, sử dụng NLTT một cách hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích, đó là nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu các loại nguyên liệu hóa thạch. Khi nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn vào hoạt động chống biến đổi khí hậu khi nồng độ khí phát thải nhà kính được giảm tới mức an toàn.
Bài và ảnh: Phương Liễu
(Còn tiếp Bài 2: Lựa chọn nào cho Việt Nam?)