2 năm trở lại đây, câu chuyện điểm chuẩn đầu vào khối các ngành sư phạm xuống thấp đã khiến xã hội không khỏi lo lắng về chất lượng đầu ra của đội ngũ giáo viên trong tương lai.
2 năm trở lại đây, câu chuyện điểm chuẩn đầu vào khối các ngành sư phạm xuống thấp đã khiến xã hội không khỏi lo lắng về chất lượng đầu ra của đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Một tiết học của thầy, trò Trường THCS Trần Phú (huyện Xuân Lộc). Ảnh: C.Nghĩa |
Theo nhiều chuyên gia, học sinh có học lực khá giỏi đã “ngó lơ” ngành sư phạm vì một số lý do, trong đó có cơ hội việc làm khó khăn trong khi áp lực công việc ngày một tăng hơn, thu nhập lại kém hấp dẫn hơn so với nhiều ngành nghề khác.
* Ngó lơ ngành sư phạm
Năm 2017, Trường đại học Đồng Nai tuyển sinh 1 ngàn chỉ tiêu sư phạm ở 2 hệ đại học và cao đẳng, trong đó hệ đại học có 9 ngành (tuyển 600 chỉ tiêu) và hệ cao đẳng có 7 ngành (tuyển 400 chỉ tiêu). Ở hệ đại học có đến 4/9 ngành điểm chuẩn trúng tuyển trung bình chỉ từ 15,6-16 điểm.
Bộ GD-ĐT chuẩn bị ban hành đổi mới công tác đào tạo giáo viên. Theo đó, việc đào tạo giáo viên sẽ bám sát từ nhu cầu thực tế của mỗi địa phương sau khi tiến hành khảo sát, báo cáo với Bộ GD-ĐT. Bộ cũng sẽ tiến hành giảm các cơ sở đào tạo ngành sư phạm, đồng thời ưu tiên đào tạo tại các trường sư phạm có truyền thống và chất lượng. |
Điểm trúng tuyển hệ cao đẳng của Trường đại học Đồng Nai khá thấp, trong đó sư phạm Hóa học và sư phạm Địa lý chỉ có điểm chuẩn là 8 điểm. Thậm chí 2 ngành: âm nhạc và giáo dục thể chất, mỗi ngành tuyển sinh 20 chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nào đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
So sánh điểm chuẩn trúng tuyển năm 2017 vào các ngành sư phạm ở 2 hệ đại học và cao đẳng của Trường đại học Đồng Nai với năm 2016 thì hầu hết đều có xu hướng giảm. TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho rằng: “Đây là tình trạng chung của các trường sư phạm trong cả nước chứ không riêng gì với Trường đại học Đồng Nai”.
Theo hiệu trưởng một số trường THPT “tốp đầu” tại TP.Biên Hòa, vài năm trở lại đây số học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm có xu hướng giảm. Nhiều học sinh có học lực khá giỏi đã chuyển sang xét tuyển các ngành “hot”, dễ tìm việc làm, thu nhập cao hơn như: kinh tế, tài chính ngân hàng, y dược, công nghệ thông tin…
Nhọc nhằn khổ luyện từ 3-4 năm mới có được tấm bằng sư phạm trong tay, thế nhưng thực tế để xin được chỗ dạy học không phải là dễ dàng. Đơn cử, năm 2017 TP.Biên Hòa tuyển dụng 275 giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến THCS nhưng có trên 1 ngàn hồ sơ đăng ký thi và xét tuyển, trong đó có cả những giáo viên có trình độ thạc sĩ. Trong khi đó, nhiều trường ngoài công lập lại có điều kiện tuyển dụng khắt khe về chất lượng hơn, đó là chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại các trường sư phạm, như: Trường đại học sư phạm Hà Nội hay Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
* Thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), chỉ tiêu ngành sư phạm phân bổ cho các trường sư phạm Trung ương và địa phương trên cả nước có xu hướng giảm liên tục từ năm 2014 đến nay. Nếu như năm 2014 là 84 ngàn chỉ tiêu thì đến năm 2016 giảm xuống còn 68 ngàn chỉ tiêu và năm 2017 chỉ còn 54 ngàn chỉ tiêu. Việc giảm số lượng chỉ tiêu tuyển sinh là do nhu cầu giáo viên giảm, thậm chí có tình trạng thừa/thiếu giáo viên cục bộ, nhất là thừa giáo viên với bậc THCS nhưng lại thiếu giáo viên mầm non và tiểu học.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch đào tạo giáo viên cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, số giáo viên đào tạo trong giai đoạn này dự kiến là khoảng 190 ngàn người, trong đó có 130 ngàn giáo viên mới thay thế giáo viên đến tuổi về hưu, đồng thời đào tạo bổ sung 60 ngàn giáo viên cho nhu cầu tăng thêm.
Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Chính sách Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), trong lần vào Đồng Nai vào cuối năm 2017 để khảo sát tình hình đời sống nhà giáo đã từng cho rằng: “Chính sách cho nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều nhà giáo chưa thể sống được bằng nghề. Khi học sinh nhìn thầy chính thầy cô của mình chưa thể sống được bằng nghề thì làm sao các em có hứng thú chọn nghề giáo được”.
Qua tìm hiểu, tới nay Đồng Nai chưa có con số thống kê chính thức về số lượng sinh viên của tỉnh đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa tìm được việc làm. Ngoài số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm thuộc Trường đại học Đồng Nai hàng năm thì còn có không ít sinh viên là người Đồng Nai tốt nghiệp ở một số trường sư phạm khác tại TP.Hồ Chí Minh.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho rằng dự báo nhu cầu nhân lực cho ngành sư phạm của tỉnh không quá khó. Bởi chỉ cần rà lại các trường là có thể biết được mỗi năm có bao nhiêu giáo viên nghỉ hưu, thuộc những bộ môn nào, cần bao nhiêu giáo viên mới để thay thế... Khi có được con số thực tế tỉnh, sẽ có kế hoạch đào tạo cụ thể, tránh được tình trạng đào tạo dư thừa, lãng phí. Bà Huệ cũng cho rằng hiện nay còn nhiều vấn đề cần được quan tâm để có thể tạo ra đội ngũ giáo viên có chất lượng, từ đó mới nâng cao được chất lượng giáo dục trong các trường hiện nay.
Công Nghĩa