Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với bệnh viêm phổi ở trẻ

07:01, 23/01/2018

Những tuần gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm phổi nặng, trong đó có một số ca nguy kịch phải thở máy, suy đa cơ quan…

Những tuần gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm phổi nặng, trong đó có một số ca nguy kịch phải thở máy, suy đa cơ quan…

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang chăm sóc cho một bé bị viêm phổi nặng phải thở máy. Ảnh: A.Thư
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang chăm sóc cho một bé bị viêm phổi nặng phải thở máy. Ảnh: A.Thư

Một trong những ca nặng đang điều trị viêm phổi tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là bé Đ.T.K. (5 tháng tuổi, ngụ tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa). Bé K. kháng nhiều loại thuốc kháng sinh đắt tiền nên sau hơn 3 ngày điều trị vẫn còn sốt cao liên tục.

* Nguy kịch vì viêm phổi

Bé K. được gia đình đưa vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng sốt cao ngày thứ 5, ho nhiều, khò khè. Sau 1 ngày điều trị nhưng bệnh tình diễn tiến nặng hơn, sốt cao, tím tái, tim đập nhanh, tổn thương 1/4 phổi trái nên bé được đặt nội khí quản cho thở máy. Các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn kháng thuốc để có điều chỉnh thuốc cho phù hợp, vì trước đó bé K. được gia đình điều trị tại nhà nhưng không khỏi bệnh mới nhập viện.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết phòng ngừa bệnh viêm phổi rất đơn giản. Bệnh này do vi trùng lây nhiễm từ môi trường nên việc đầu tiên nhất phải dọn dẹp môi trường ở nhà, trường học sạch sẽ; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi; tiêm ngừa đầy đủ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các vaccine khác như: viêm màng não mũ do Hip, phế cầu, não mô cầu…

Tương tự, bé N.P.T. (23 tháng tuổi, ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nhập viện tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng rất nguy kịch: huyết áp giảm, sốc, mê, ngưng tim ngưng thở do viêm phổi nặng, tiên lượng rất nặng. Các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức bằng phương pháp đặt nội khí quản, cho thở máy, điều trị chống sốc nhưng bé vẫn sốt liên tục 41OC. Bé T. bị bại não, sức đề kháng kém nên khi bị viêm phổi, bệnh đã diễn tiến rất nặng gây tổn thương đa cơ quan: tim, thận, não…

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh viêm phổi là bệnh nhiễm trùng, khi sức đề kháng giảm rất dễ mắc bệnh. Nhất là khi giao mùa, thời tiết thay đổi từ mùa nóng sang mùa lạnh và từ mùa lạnh sang mùa nóng đều tạo môi trường thuận lợi cho vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh viêm phổi phát triển mạnh. Bệnh viêm phổi dễ lây từ người này sang người khác qua đường không khí, dịch tiết của người bệnh.

* Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, trung bình mỗi ngày Khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiếp nhận từ 2-3 ca viêm phổi mới và thường có khoảng 10 ca viêm phổi nặng (4-5 ca phải thở máy). Thông thường, trẻ càng nhỏ tuổi bị viêm phổi dễ diễn tiến nặng. Các ca bệnh nặng thường rơi vào những trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là từ  2-3 tuổi. Sai lầm lớn nhất của phụ huynh nghĩ bệnh viêm phổi là bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng nên rất chủ quan. Trong khi viêm phổi trẻ em là một bệnh lý rất nguy hiểm mà theo Tổ chức y tế thế giới, viêm phổi là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh viêm phổi trong 1-2 ngày đầu biểu hiện giống các bệnh hô hấp khác nên phụ huynh khó phân biệt với bệnh cảm cúm thông thường, viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp cấp trên. Trong 1-2 ngày đầu, trẻ ho có thể sốt hoặc không sốt, sổ mũi, quấy khóc, một số trẻ sẽ ói. Trẻ bị viêm phổi bộc phát nên thường là qua ngày thứ 3 bé ho nhiều hơn, ho sặc sụa, đàm có thể màu vàng đục, xanh, thở nhanh. Một số trẻ rối loạn nhịp thở rất rõ, một số trẻ bỏ ăn. Đó là những dấu hiệu báo biết trẻ bị viêm phổi cần phải nhập viện điều trị.

Chính vì nghĩ viêm phổi là bệnh vặt nên không ít phụ huynh tự ra nhà thuốc mua cho trẻ uống kháng sinh. Việc tự ý uống nhiều kháng sinh rất tác hại vì uống không đúng bệnh, không đúng liều lượng, không đúng thời gian sẽ gây kháng thuốc. Rất nhiều trẻ bị viêm phổi nặng nhập viện điều trị bị kháng rất nhiều thuốc kháng sinh, điều trị rất khó khăn, phải điều trị kháng sinh rất đắt tiền, nằm viện nhiều ngày, nhanh nhất cũng phải mất 3-4 tuần. Có những trường hợp viêm phổi biến chứng qua tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan, thận… chi phí điều trị từ mấy chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa khuyến cáo khi viêm phổi, phổi bị tổn thương làm oxy từ môi trường vào cơ thể khó khăn. Cơ thể thiếu oxy sẽ gây ra nhiều tác động khác, ví dụ như: tổn thương gan, não, thận, trẻ sẽ tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Chính vì vậy, bệnh viêm phổi là bệnh đáng lưu tâm hàng đầu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi khi thời tiết giao mùa như hiện nay.

Anh Thư

Tin xem nhiều