Năm 2018 là năm có mức điều chỉnh lương thấp nhất trong các năm so với lộ trình, mức điều chỉnh lương cao nhất là 230 ngàn đồng với vùng I. Ở Đồng Nai, chỉ áp dụng 3 mức lương tối thiểu. TX.Long Khánh và huyện Thống Nhất là 2 địa phương có sự thay đổi địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
Năm 2018 là năm có mức điều chỉnh lương thấp nhất trong các năm so với lộ trình, mức điều chỉnh lương cao nhất là 230 ngàn đồng với vùng I. Ở Đồng Nai, chỉ áp dụng 3 mức lương tối thiểu. TX.Long Khánh và huyện Thống Nhất là 2 địa phương có sự thay đổi địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
Công nhân Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG |
Những lưu ý quan trọng trên được triển khai tới hơn một ngàn doanh nghiệp của tỉnh trong hội nghị triển khai “Mức lương tối thiểu vùng và các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật lao động” tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai ngày 22-12.
* Long Khánh và Thống Nhất điều chỉnh kép
Theo Nghị định 141 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (áp dụng từ ngày 1-1-2018), TX.Long Khánh sẽ áp dụng mức lương tối thiểu từ vùng II lên vùng I (mức 3.980.000 đồng/tháng). Như vậy, các doanh nghiệp ở TX.Long Khánh sẽ phải điều chỉnh kép (điều chỉnh vùng và điều chỉnh mức lương tối thiểu). Mức điều chỉnh lương tăng thêm là 660 ngàn đồng/tháng. Những địa phương thuộc vùng I của tỉnh, gồm: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom.
Đối tượng áp dụng của Nghị định 141: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. |
Tương tự, huyện Thống Nhất nâng lên từ vùng III lên vùng II (3.530.000 đồng/tháng), mức lương điều chỉnh tăng thêm là 630 ngàn đồng. Vùng II bao gồm 2 huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất. Các huyện Cẩm Mỹ và Tân Phú thuộc vùng III có mức lương tối thiểu là 3.090.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng được quy định trong Nghị định 141 chỉ được áp dụng đối với những lao động chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản trong môi trường bình thường. Đối với những lao động đòi hỏi phải qua đào tạo mới đảm bảo được công việc, mức lương tối thiểu phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng ít nhất 7%. Tuy nhiên, đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội lưu ý các doanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng cho công việc mà người lao động đảm nhận chứ không áp dụng cho trình độ của người lao động.
“Nhiều doanh nghiệp thường ghi trong hệ thống thang bảng lương là lao động có trình độ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, phổ thông. Điều này không đúng, bởi mức lương trả cho người lao động dựa trên công việc họ làm chứ không phải trả cho trình độ họ có. Trường hợp người lao động có trình độ đại học, thạc sĩ nhưng lại làm công việc giản đơn thì chỉ được hưởng mức lương của công việc giản đơn. Do đó, khi xây dựng hệ thống thang bảng lương, doanh nghiệp cần ghi rõ công việc của người lao động, như: thợ may, thợ hàn, thợ vận hành máy… để áp dụng trả lương” - ông Phú Hoàng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động, tiền lương - bảo hiểm xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội nhấn mạnh.
Ngược lại, nếu người lao động không có bất kỳ chứng chỉ, bằng cấp gì nhưng làm được việc của lao động có tay nghề (do tự học hoặc được doanh nghiệp đào tạo) thì doanh nghiệp phải trả lương theo đúng công việc của người lao động đã qua đào tạo chứ không chỉ dựa trên bằng cấp.
* Điều chỉnh lương phải công bằng với người lao động
Trên thực tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tranh chấp lao động là do các doanh nghiệp không kịp thời điều chỉnh tăng lương cho người lao động; hoặc xây dựng thang bảng lương không công bằng, chưa tương xứng với cống hiến của người lao động.
Do đó, Nghị định 141 lưu ý các doanh nghiệp khi điều chỉnh thang bảng lương ngoài căn cứ vào quy định của pháp luật, cũng cần dựa vào các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế doanh nghiệp, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và người lao động thỏa thuận. Mức điều chỉnh tiền lương cũng phải hợp lý giữa lao động chưa qua đào tạo và lao động đã qua đào tạo.
Có nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội rằng có những chức danh đã dược doanh nghiệp trả lương cao hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng nên tới những lần điều chỉnh lương tiếp theo, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh với những người có mức lương thấp hơn thì đúng hay sai.
Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng điều này không sai nhưng không hợp lý. Bởi sẽ dẫn đến tình trạng những lao động mới vào làm việc có mức lương bằng với những người đã có một thời gian cống hiến cho doanh nghiệp, như vậy sẽ không công bằng giữa người lao động. “Luật không bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh lương đối với những chức danh cao hơn. Tuy nhiên, luật là văn bản pháp lý cao nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có: thỏa ước lao động tập thể, nội quy, hợp đồng lao động và sự công bằng trong doanh nghiệp. Để đảm bảo công bằng, hợp lý, đồng thuận cao, trước khi xây dựng thang bảng lương, các doanh nghiệp nên thông qua tổ chức Công đoàn tại cơ sở tuyên truyền cho người lao động hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp mỗi lần điều chỉnh lương” - ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, lưu ý các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại...
Hạnh Dung