Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt lên số phận

07:11, 28/11/2017

Bị tàn tật do di chứng từ người cha nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến, anh Phạm Công Đăng, ở ấp 11, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) không cam chịu số phận mà quyết chí vươn lên tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.

Bị tàn tật do di chứng từ người cha nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến, anh Phạm Công Đăng, ở ấp 11, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) không cam chịu số phận mà quyết chí vươn lên tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.

Anh Phạm Công Đăng (bìa trái) vừa làm bóng đèn lưng tủ thờ ông địa vừa trò chuyện với cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện (Ảnh: Nga Sơn)
Anh Phạm Công Đăng (bìa trái) vừa làm bóng đèn lưng tủ thờ ông địa vừa trò chuyện với cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện (Ảnh: Nga Sơn)

Mang trong mình chất độc da cam/dioxin nên từ khi mới lọt lòng mẹ, sức khỏe của anh đã không được bình thường. Càng lớn, đôi chân càng teo, cánh tay phải yếu không thể cầm nắm được những vật nặng. Không còn đôi chân, anh quyết tâm học hành nhưng cũng chỉ hết lớp 9 vì chứng đau đầu hành hạ khiến anh phải nghỉ giữa chừng.

May mắn, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn điều trị chứng đau đầu biến mất, anh Đăng xin cha mẹ cho đi học nghề điện, điện tử. Hơn 1 năm học nghề với biết bao khó khăn, vất vả khi phải tự chăm lo cho bản thân, anh Đăng trở về nhà bắt đầu hành nghề sửa chữa đồ điện tử, điện gia dụng. Nghị lực và sự chịu thương chịu khó của anh đã làm động lòng một cô gái xã bên. Năm 2001, anh lập gia đình. Có vợ, có con, nghị lực vươn lên của anh Đăng tăng gấp đôi, gấp ba so với hồi còn độc thân. Anh Đăng cho biết từ khi anh lấy vợ cho đến khoảng năm 2006, nghề sửa chữa đồ điện được ưa chuộng, thù lao mà anh kiếm được từ công việc này có thể đủ để nuôi vợ con.

Thế nhưng, may mắn không mãi mỉm cười với anh, từ sau năm 2006 đến nay cùng với sự ra đời của các thiết bị điện tử tiên tiến, công việc sửa chữa khó khăn dần. Một lần nữa anh phải tìm kiếm ‘’cần câu cơm” khác phù hợp hơn. Anh Đăng kể anh chế ra chiếc xe máy 3 bánh để chạy đi chạy lại bán đĩa nhạc. Nhưng công việc suốt ngày phải lang thang ngoài đường, không thể phụ vợ lo cho con nên chỉ được một thời gian ngắn anh bỏ. Năm 2016, anh xin vào làm ở cơ sở sản xuất tủ thờ ông địa. Được vài tháng, chủ cơ sở thấy anh đi lại khó khăn nên tạo điều kiện cho anh nhận hàng về làm tại nhà. Với một cái lưng tủ thờ sau khi hoàn thành việc lắp đặt bóng và mạch điện, anh Đăng có được 15 ngàn đồng. Chăm chỉ, chịu khó, mỗi ngày anh có thể làm được từ 15-20 cái với mức thu nhập từ trên 200-300 ngàn đồng.

Với mức thu nhập hiện tại mà anh có được từ công việc lắp đặt lưng tủ thờ và lương công nhân của vợ, 2 vợ chồng có điều kiện để lo cho các con được đến trường.

Nói về anh Phạm Công Đăng, bà Thịnh Thị Thoa, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Long Thành, cho hay anh Đăng là một trong số ít nạn nhân chất độc da cam vượt lên số phận, sống có ích, không phụ thuộc vào người khác.

Nga Sơn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích