Đôi mắt là cơ quan rất quan trọng. Theo các nghiên cứu, mắt nhận 80% lượng thông tin, phản xạ, kỹ năng trong quá trình sống của con người. Do đó việc bảo vệ, phòng tránh các bệnh về mắt, nhất là ở trẻ em rất quan trọng.
Đôi mắt là cơ quan rất quan trọng. Theo các nghiên cứu, mắt nhận 80% lượng thông tin, phản xạ, kỹ năng trong quá trình sống của con người. Do đó việc bảo vệ, phòng tránh các bệnh về mắt, nhất là ở trẻ em rất quan trọng.
Hiện nay, tại Khoa Mắt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thường điều trị một số bệnh về mắt, như: viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm nhiễm mi mắt, bệnh khúc xạ. Một số trường hợp chủ quan, khi có bệnh về mắt thường mua thuốc về nhỏ là điều rất nguy hiểm. Mắt là cơ quan nhỏ cấu tạo phức tạp, mỗi cấu trúc đều có chức năng riêng. Mỗi cấu trúc của mắt lại có một bệnh học riêng biệt khác nhau nên việc khám, điều trị mắt đòi hỏi chuyên môn và dụng cụ chuyên dụng.
Viêm kết mạc và mi mắt
Bệnh mắt hay gặp ở trẻ là viêm kết mạc (đau mắt đỏ) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do virus hoặc vi khuẩn gây ra hoặc do nguyên nhân dị ứng của kết mạc với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Khi đau mắt đỏ do virus, trẻ bị mắt đỏ kèm theo các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh. Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, mắt trẻ có một chất xám vàng, dày khiến cho mí mắt sưng lên hoặc dính lại với nhau. Một số vi khuẩn thường gây hiện tượng này là vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, phế cầu...
Bệnh đau mắt đỏ còn gây dị ứng ở mắt làm mắt trẻ có cảm giác bị đau và sưng lên như có nước bên trong và đỏ ngầu kèm theo các hiện tượng chảy nước mũi. Một số chất có thể gây dị ứng cho trẻ như bụi, phấn hoa, khói... Một số chất kích thích khác: mắt trẻ dễ bị kích ứng từ khói thuốc, lượng clo có trong nước của bể bơi. Nhận biết bệnh đau mắt đỏ: mi mắt sưng, mắt nhìn đỏ, chảy nước mắt, chảy ghèn mắt.
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, phụ huynh không nên tự mua thuốc nhỏ, tự điều trị như: nhỏ mắt bằng sữa mẹ, đắp lá, chữa mẹo vì có thể làm bệnh nặng hơn bình thường. Phụ huynh sớm đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt, sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ, vệ sinh mắt tránh dụi mắt, cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc mắt bị bệnh, tránh lây lan bệnh. Chú ý, tránh đưa trẻ đến nơi đông người, bể bơi công cộng, nên cho trẻ nghỉ học ở nhà trong những ngày bệnh cấp tính nặng.
Một trong những bệnh về mắt thường gặp là viêm nhiễm mi mắt với biểu hiện viêm bờ mi, chảy nước mắt, mắt đỏ, có cảm giác sạn trong mắt, ngứa và sưng đỏ mí mắt, bong da quanh mắt, cặn lông mi khi tỉnh dậy, nhạy cảm với ánh sáng, lông mi mọc bất thường, rụng lông mi. Nguyên nhân thường do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, dị ứng. Riêng bệnh viêm mí mắt ngoài đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt, sử dụng thuốc đúng chỉ định còn chú ý vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch tránh tái lây nhiễm vi khuẩn.
Bệnh khúc xạ mắt
Hiện nay, bệnh khúc xạ mắt trẻ em hay bệnh mắt học đường đang ngày càng gia tăng. Tỷ lệ đeo kính ở trẻ ngày một nhiều hơn. Nguyên nhân gây tật khúc xạ trẻ em là sự rối loạn dẫn truyền ánh sáng của mắt bao gồm: mắt cận thị, viễn thị, loạn thị. Dấu hiệu nhận biết mắt trẻ bị tật khúc xạ: trẻ hay than nhìn mờ hay nhìn vật thật gần, nheo mắt, nhức mỏi mắt, hay bị nhức đầu...
Với mắt cận thị: ảnh vật nhìn thấy hội tụ trước võng mạc, nhìn vật gần rõ nhìn xa mờ. Khi mắt viễn thị: ảnh vật mắt nhìn hiện sau võng mạc, nhìn vật xa gần đều mờ. Mắt loạn thị: ảnh vật nhìn thấy phân thành nhiều ảnh nhòe mờ, nhìn các vật bị mờ và nhòe đi. Để điều trị tật khúc xạ trẻ nên khám chuyên khoa mắt, đo kính thuốc đúng độ.
Để phòng bệnh khúc xạ mắt cho trẻ, khi trẻ học tập, làm việc nên để mắt được nghỉ ngơi, nhìn ra phía xa 1 - 2 phút sau khi làm việc khoảng 20 phút; không làm việc liên tục quá lâu, nên để mắt nghỉ ngơi, nhìn ra phía xa 1 - 2 phút sau khi làm việc khoảng 20 phút. Sau khoảng 45 phút học tập, trẻ nên nghỉ ngơi, vui chơi, vận động, tránh ngồi đọc truyện, nhìn điện thoại lâu... Cho trẻ học trong phòng đủ sáng, ăn uống đủ dưỡng chất cho mắt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến
(Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai)