Giáo viên mầm non thường vất vả hơn so với giáo viên các cấp học khác khi vừa phải vào vai là cô giáo hiền, vừa là người mẹ đảm để các bé có những bước phát triển đầu đời tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Giáo viên mầm non thường vất vả hơn so với giáo viên các cấp học khác khi vừa phải vào vai là cô giáo hiền, vừa là người mẹ đảm để các bé có những bước phát triển đầu đời tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cô trò Trường mầm non Suối Cát, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) trong giờ vui chơi ngoài trời. Ảnh: C.Nghĩa |
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, công tác tại Trường mầm non Tân An, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), đã có gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ. Cô Lan chia sẻ: “Làm cô giáo nuôi dạy trẻ đòi hỏi phải có tình thương trẻ, hiểu tâm lý trẻ và luôn coi trẻ như chính con mình”.
* Cô giáo như mẹ hiền
Năm 1988, cô Lan được phân công về Trường mầm non Cây Gáo (thị trấn Trị An, huyện Vĩnh Cửu) công tác. Những ngày chân ướt chân ráo vào nghề với cô Lan có biết bao khó khăn, thử thách. Nhà xa nên cô Lan xin ở nhờ tại trạm y tế của thị trấn. Lớp cô phụ trách có hơn 30 trẻ từ 2-5 tuổi.
Cô Lan kể: “Ngày mới vào nghề, lương của tôi chỉ có 20 ngàn đồng/tháng nhưng có khi 2-3 tháng mới được lãnh một lần. Ăn uống kham khổ, chỉ có rau nấu với muối trắng chan cơm, lâu lâu phụ huynh mang biếu xâu cá tươi đã là rất quý”.
Chị Trần Thu Hằng, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam gửi con tại Trường mầm non Thủy Tiên (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phải đi sớm về muộn nên nếu không có tình thương và trách nhiệm của các cô giáo nuôi dạy trẻ thì không thể an tâm làm việc. Ngay cả việc dạy con những thói quen bình thường như chào hỏi lễ phép, tự lập những việc nhỏ, chúng tôi có khi cũng không có thời gian, không có phương pháp. Nhưng với tấm lòng của các cô nuôi dạy trẻ, điều đó trở nên dễ dàng hơn nhiều”. |
Cuộc sống vất vả là thế nhưng cô Lan chưa khi nào nản lòng với nghề, thậm chí càng công tác càng cảm thấy yêu nghề mến trẻ hơn. Nhờ tình cảm cô trò khăng khít mà khoảng cách giáo viên và phụ huynh cũng trở nên gần gũi như có chung những đứa con.
Cô Lan chia sẻ: “Một ngày trẻ ở bên cô nhiều hơn cha mẹ. Có trẻ khi về nhà đến bữa không chịu ăn, đến giờ không chịu ngủ, cha mẹ lại gọi điện nhờ cô “dụ dỗ” để bé ngoan ngoãn nghe lời”.
Còn cô Trần Vũ Thị Thùy Dung, giáo viên Trường mầm non Phú Vinh, xã Phú Vinh (huyện Định Quán), tâm sự làm cô giáo nuôi dạy trẻ hiện nay khó hơn xưa nhiều. Phụ huynh chỉ có một hoặc 2 con nên chăm sóc cưng chiều. Nếu cô giáo không chu đáo, buổi chiều cha mẹ đến rước thấy quần áo, mặt mũi bé nhếch nhác là không hài lòng.
Theo cô Dung: “Một người mẹ chăm sóc một đứa con đã khó, nên một cô giáo nuôi dạy trung bình 15 trẻ/lớp càng vất vả biết nhường nào, vì mỗi trẻ một tính cách, kiểu ăn uống khác nhau. Với trẻ lớp mầm thì từ ăn uống, tắm giặt, đi vệ sinh… đều do tay cô giáo đảm nhận. Buổi trưa cô phải lo cho trẻ ăn, ngủ xong mới đến lượt mình được ăn, có khi cô vừa ăn vừa ẵm trẻ vì có bé hay quấy khóc”.
Nói về kỷ niệm với nghề, cô Dung kể từng nuôi dạy một bé bị bệnh động kinh, sợ nhà trường không nhận nên phụ huynh giấu bệnh. Ngay ngày đầu đến lớp nghe tiếng trống đám ma kế bên trường, bé hoảng loạn và lên cơn co giật, mắt trợn ngược, hàm răng cắn chặt vào nhau.
Sợ bé cắn phải lưỡi nên cô đưa 2 ngón tay của mình vào miệng bé và nhanh chóng ẵm lên phòng y tế. Lúc bé tỉnh, cô rút ngón tay ra thì tay đã tím tái. Sau này cô Dung biết gia đình bé vì mê tín nên chỉ tới nhà “thầy” cúng để mong khỏi bệnh nên cô đã thuyết phục gia đình đưa bé đến điều trị ở Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) và hiện sức khỏe của bé đã tiến triển tốt hơn.
* Vất vả nhưng ấm lòng
Khi được hỏi về những vất vả của nghề nuôi dạy trẻ, cô Trần Thị Thanh công tác tại Trường mầm non Đắc Lua, xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) vui vẻ chia sẻ: “Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng. Với nghề nuôi dạy trẻ, tuy vất vả nhưng không có gì vui bằng hàng ngày được các bé quấn quýt, có bé lên lớp 1, lớp 2 rồi nhưng gặp cô ngoài đường là đứng lại khoanh tay chào lễ phép”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trường mầm non xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) tranh thủ giờ nghỉ trưa của các bé để làm đồ dùng dạy học từ giấy báo cũ |
Cô Thanh cho biết: “Ngày mới về trường công tác tôi được giao phụ trách lớp mầm, mỗi lần trẻ đi vệ sinh hay ói ra lớp tôi rất sợ, nhưng sau đó cảm thấy bình thường và nhanh chóng bắt nhịp được tâm lý các bé”. Từ tình yêu trẻ, cô Thanh đã có nhiều sáng kiến góp phần chăm sóc các cháu tốt hơn như: vận động phụ huynh đóng góp phế liệu làm khu vui chơi ngoài trời, hay cùng các cô trong trường trồng rau xanh, chuối để cung cấp cho nhà bếp dùng trong bữa ăn…
Nếu như ở các bậc học khác, giáo viên thường chỉ dạy theo buổi, theo tiết thì cô giáo nuôi dạy trẻ phải làm việc từ 10-11 tiếng/ngày. Cô Ngô Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Tiên (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho hay làm cô giáo nuôi dạy trẻ cho con công nhân càng vất vả hơn. Bình thường 6 giờ 30 sáng trường mới nhận trẻ, nhưng có khi 6 giờ công nhân đã mang con đến nên nhà trường tạo điều kiện nhận trẻ sớm cho cha mẹ các bé đi làm đúng giờ. Có công nhân tăng ca tới 20 giờ nên cô giáo lại phải tắm rửa, cho ăn uống thêm buổi chiều để cha mẹ các bé có về trễ thì cũng an tâm.
Cô Lê Ngọc Diệu Hà, giáo viên lớp mầm Trường mầm non Suối Cát, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Dù thu nhập của cô nuôi dạy trẻ không cao, nhưng chúng tôi không làm chỉ bằng trách nhiệm, mà cao hơn đó còn là tình thương. Mỗi bé đều được chúng tôi coi như con mình, thấy bé bệnh là chúng tôi lo, thấy bé ăn rồi lại ói là chúng tôi xót xa lắm”.
Công Nghĩa