Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường đại học đầu tiên ở Đồng Nai

07:11, 16/11/2017

Năm 1997, Trường đại học Lạc Hồng - trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở Đồng Nai, được thành lập và đi vào hoạt động. Sau 20 năm, trường đã vươn mình lớn mạnh và cung cấp gần 40 ngàn cử nhân, 900 thạc sĩ cho doanh nghiệp và xã hội.

Năm 1997, Trường đại học Lạc Hồng - trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở Đồng Nai, được thành lập và đi vào hoạt động. Sau 20 năm, trường đã vươn mình lớn mạnh và cung cấp gần 40 ngàn cử nhân, 900 thạc sĩ cho doanh nghiệp và xã hội. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) tham quan giờ thực hành lập trình ngôn ngữ cho robot giao tiếp với con người tại Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: C.Nghĩa
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) tham quan giờ thực hành lập trình ngôn ngữ cho robot giao tiếp với con người tại Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: C.Nghĩa

Nhà giáo nhân dân, TS. Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, chia sẻ: “20 năm trước nhiều người nghi ngờ, thậm chí có người đã “cười” khi tôi tham khảo ý tưởng thành lập một trường đại học, vì cho rằng khó thành công. Một số người trước đó đồng ý góp vốn thành lập trường nhưng sau lại rút lui. Và tôi đã quyết tâm thành lập trường với quan niệm “không thành công cũng thành nhân”.

* Trưởng thành từ khó khăn

Theo TS.Đỗ Hữu Tài, trước kia nhiều học sinh ở Đồng Nai học xong phổ thông phải lên TP.Hồ Chí Minh để học đại học. Nhiều người trẻ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai làm việc muốn học đại học nhưng tỉnh lại chưa có trường đại học. Nhưng thủ tục thành lập trường đại học rất phức tạp, vốn đầu tư rất lớn, do đó nếu không kiên nhẫn, đeo bám đến cùng thì rất dễ bỏ cuộc. Rất may khi đó lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ủng hộ cao cho ý tưởng thành lập Trường đại học Lạc Hồng bằng việc cấp 10 hécta đất để làm cơ sở xin phép Bộ GD-ĐT thành lập trường.

Sau nhiều nỗ lực, vào đúng ngày 24-9-1997 Trường đại học Lạc Hồng chính thức được thành lập với 6 ngành đào tạo ban đầu, trong đó có kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, điện tử… Những ngành trường chọn đào tạo ban đầu đều là ngành mũi nhọn mà các đơn vị, doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thiếu lao động. Thời điểm đó, nhiều giảng viên có trình độ cao được tuyển dụng và mời về trường tham gia công tác giảng dạy để đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên.

Ngay từ đầu, Trường đại học Lạc Hồng đã chú trọng phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên. TS.Đỗ Hữu Tài cho biết: “Muốn tạo được hướng đi riêng, sớm khẳng định được chất lượng đào tạo thì trường đại học phải có phong trào nghiên cứu khoa học mạnh. Và chúng tôi đã thành công ở hướng đi này”.

Trong chuyến đến thăm và làm việc với Trường đại học Lạc Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường ủng hộ việc tỉnh hỗ trợ nhà trường xây dựng một xưởng chế tạo robot công nghiệp để ứng dụng vào thực tế. Xưởng chế tạo robot khi hoàn thành sẽ là nơi để sinh viên biến các ý tưởng thành hiện thực, đồng thời là nơi cho doanh nghiệp đặt hàng công nghệ với nhà trường.

Phong trào nghiên cứu khoa học đã trở thành “thương hiệu” của nhà trường với nhiều công trình được ứng dụng vào thực tế, như: robot lau kính, robot vệ sinh hồ bơi… Trường còn sớm xây dựng xưởng lắp ráp máy tính mang thương hiệu Made in Lac Hong University… TS.Nguyễn Văn Nam từng là Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế của trường ngày mới thành lập, nay là Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Những năm đầu thành lập, chúng tôi không chỉ tìm hướng đào tạo sát với thực tế mà còn tổ chức được nhiều hội thảo mang tính quốc tế liên quan đến các vấn đề hội nhập, mở cửa ở Việt Nam, như: hội thảo về cơ hội Việt Nam khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai…”.

Những khóa sinh viên đầu tiên của Trường đại học Lạc Hồng ra trường đã từng bước được doanh nghiệp và xã hội đón nhận. Đó chính là nền tảng để nhà trường không ngừng mở rộng cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo và nhiều sân chơi mới cho sinh viên. Năm 2005, sân chơi robot của sinh viên ra đời, được duy trì cho đến nay và là sân chơi đặc biệt góp phần khẳng định, quảng bá thương hiệu Trường đại học Lạc Hồng ra cả nước và quốc tế.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, cho biết: “Nhờ sân chơi robot mà ngành tự động hóa của trường đã không ngừng lớn mạnh. Nhiều công nghệ tự động hóa được chuyển giao cho doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc như Công ty TNHH Nec/Tokin (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu)… ứng dụng”.

* Tạo đột phá về chất lượng

Chặng đường 20 năm không phải quá dài, nhưng là cơ hội đưa Trường đại học Lạc Hồng vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từ đó gặt hái được nhiều thành công trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đứng trước tình trạng các trường đại học mở ra ngày càng nhiều, nhà trường cần có những hướng đi mới để tiếp tục khẳng định mình. Theo Ban giám hiệu nhà trường, những hạn chế trong công tác đào tạo sẽ được khắc phục để các sản phẩm đào tạo ngày càng được hoàn thiện hơn, nhất là kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, làm việc nhóm. Chất lượng đào tạo sẽ tiếp tục được đề cao lên hàng đầu.

Đề cập tới những thách thức hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS.Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường, cho biết: “Những vấn đề này nhà trường đã nhìn thấy sớm và đang tích cực chủ động hội nhập, chủ động đào tạo để thích nghi với xu hướng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Minh chứng là giảng viên nước ngoài đang giảng dạy ở trường khá nhiều. Trường có mối quan hệ với trên 500 doanh nghiệp, các trường đại học nước ngoài, trường được nước ngoài tài trợ cơ sở học liệu và thiết bị thực hành; giảng viên và sinh viên được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài đến nay lên tới cả trăm người”.

TS.Lâm Thành Hiển cho biết thêm: “Internet, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ là chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều năm nay công nghiệp in 3D, máy CNC hiện đại, cánh tay robot, robot lập trình ngôn ngữ giao tiếp cho con người, robot vận chuyển hàng hóa, ngôi nhà thông minh… đã xuất hiện trong đào tạo ở nhà trường. Từ đây các sản phẩm công nghệ tự động hóa, phần mềm tin học tiên tiến được chuyển giao cho doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho sinh viên làm vốn tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ”.

Để sinh viên có thể tự tin hội nhập với quốc tế, hiện nay ngoài việc kiểm định chất lượng trong nước, Trường đại học Lạc Hồng đang tiến hành kiểm định quốc tế đối với một số ngành, trong đó có ngành cơ - điện tử đạt chuẩn trình độ Asean. Đây chính là cơ hội để sinh viên tự tin làm việc ở các nước trong môi trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang hợp tác với Trường đại học Arizona (Hoa Kỳ) để đào tạo tín chỉ tiêu chuẩn cao hiện đại về ngành xây dựng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, chia sẻ: “Nói đến đào tạo ngành tự động hóa là nói đến Đồng Nai và nói đến Trường đại học Lạc Hồng với thương hiệu từ cuộc thi robot trong nước cũng như quốc tế. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, do đó địa phương nên quan tâm đầu tư mạnh vào ngành tự động hóa cho trường phát triển, từ đó sản xuất ra công nghệ tự động phục vụ cho sản xuất thay thế con người. Đây chính là hướng đi phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ hiện nay trên thế giới”.

Những con số ấn tượng trong chặng đường 20 năm của Trường đại học Lạc Hồng:

- Đội ngũ cán bộ giảng viên  ban đầu trên 100 người, hiện nay là trên 570 người. Trong đó, 8% có trình độ giáo sư, phó giáo sư, 22% trình độ tiến sĩ, 45% trình độ thạc sĩ, 25% trình độ đại học.

- Năm 1997 có 6 ngành đào tạo đại học, đến nay là 20 ngành với 6 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 2 ngành tiến sĩ.

- Cung cấp gần 40 ngàn cử nhân ở 20 ngành nghề đào tạo, trên 900 thạc sĩ ở 4/6 ngành đang đào tạo.

- Trường có 9 cơ sở đào tạo, đang chuẩn bị khởi công xây dựng cơ sở mới tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) và ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất).

-1 lần được nhận Huân chương Lao động hạng nhất, 2 lần nhận Huân chương Lao động hạng nhì và 6 lần nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước.

- 5 lần nhận cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ.

- 7 lần vô địch cuộc thi robot trong nước; 2 lần đoạt chức vô địch, 3 lần đoạt giải nhì và 2 lần đoạt giải ba tại cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương.

- 3 lần vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á Asia Shell Eco Marathon.

- Đảng bộ nhà trường có 10 chi bộ với 121 đảng viên, trong đó có 1 chi bộ gồm 30 đảng viên là sinh viên.

 

Công Nghĩa

Tin xem nhiều