Từ năm 2006 đến nay, việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) trong tỉnh đã chuyển từ cơ chế xin - cho sang huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, đẩy mạnh liên kết giữa nhà khoa học - cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
Từ năm 2006 đến nay, việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) trong tỉnh đã chuyển từ cơ chế xin - cho sang huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, đẩy mạnh liên kết giữa nhà khoa học - cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
Người dân ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú thu hoạch mãng cầu để bán cho thương lái. ảnh: H.Q |
Việc đầu tư đúng địa chỉ, đúng mục đích đã đem lại hiệu quả thiết thực, hạn chế sự lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và địa phương.
* Kinh nghiệm từ những dự án vốn Nhà nước
Năm 2013, UBND huyện Tân Phú phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu tại huyện Tân Phú. Đây là dự án chuyển giao KH-CN thuộc chương trình Nông thôn miền núi do Bộ
KH-CN chủ trì, cấp kinh phí. Mục đích của dự án nhằm xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, góp phần cải thiện thu nhập cho nhà vườn.
Năm 2016, dự án hoàn thành và được nghiệm thu. Tất cả các nội dung trong dự án đều được triển khai. Nhưng thời gian gần đây do chạy đua với các loại cây trồng khác có giá trị hơn, đầu ra sản phẩm không đảm bảo, cây trồng hay bị sâu bệnh nên nhiều hộ dân đã tiến hành chặt bỏ mãng cầu, chuyển sang trồng bưởi, hồ tiêu. Đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng 20 hécta mãng cầu, tập trung ở 2 xã Phú Lộc, Phú Thịnh.
Theo trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú Nguyễn Xuân Sang: “Dự án đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa, đăng ký giống mãng cầu Phú Lộc, xây dựng chương trình VietGAP, chuyển giao kỹ thuật… Nhưng cuối cùng, do người dân tự ý trồng - chặt các giống cây nên dự án không đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, các chính sách trong việc quản lý giống cây trồng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chưa được đảm bảo chặt chẽ nên không quản lý được vùng quy hoạch. Và việc người dân tự ý trồng - chặt khi giá cả lên xuống là việc không thể tránh khỏi”.
Để giữ thương hiệu vùng mãng cầu Phú Lộc nổi tiếng, vừa qua đại diện huyện Tân Phú đã làm việc với nhân dân xã Phú Lộc, khuyến khích người dân trồng lại cây mãng cầu. Và hiện tại đã có một số hộ quay trở lại trồng mãng cầu, nhưng phải mất ít nhất 3 năm mới có thể cho thu hoạch.
* Đẩy mạnh đặt hàng
Nhằm hạn chế những rủi ro, lãng phí ngân sách trong việc thực hiện các đề tài, dự án không đúng trọng tâm, trọng điểm, PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết những năm qua, tỉnh đã xóa bỏ cơ chế xin - cho, chuyển sang đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu KH-CN. KH-CN được triển khai sâu, rộng về cơ sở, đem lại những hiệu quả khả quan.
Những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh sẽ được Sở KH-CN cấp 100% kinh phí của Sở. Đề tài, dự án cấp huyện thì kinh phí của Sở KH-CN 50% - kinh phí huyện 50%. Đề tài, dự án cấp ngành (giáo dục, y tế), Sở KH-CN cấp 70% - kinh phí huyện 30% (các ngành khác được cấp kinh phí 50-50). Đến nay, có 39 đề tài, dự án đã tổng kết, nghiệm thu, 12 đề tài, dự án đang trong quá trình thực hiện với tổng kinh phí giai đoạn 2010-2016 hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, vốn do nhân dân đóng góp hơn 19 tỷ đồng. |
Ông Trần Tân Phong, Trưởng phòng Quản lý KH-CN cơ sở (Sở KH-CN), cho biết trước đây, Sở KH-CN sẽ mời các sở, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học về từng địa phương cấp huyện để tổ chức hội thảo, xác định nhu cầu, nhiệm vụ KH-CN và các giải pháp để hỗ trợ địa phương. Từ khi đổi mới quản lý hoạt động nghiên cứu KH-CN, các địa phương tự tổ chức các hội thảo khoa học, tự xác định nhu cầu cụ thể của địa phương mình và trực tiếp đặt hàng với các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, trường đại học. Nhiều dự án, đề tài được thực hiện theo cách thức này sau một thời gian đi vào thực tế đã đem lại kết quả tốt.
Tiêu biểu như dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP tại huyện Cẩm Mỹ do Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Miền Đông Nam bộ thực hiện năm 2014. Đến cuối năm 2015, dự án này được Sở KH-CN và UBND huyện Cẩm Mỹ nghiệm thu.
Sau hơn 3 năm triển khai, năng suất hồ tiêu của 7 hộ nông dân ở ấp 3, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho năng suất 8 tấn/hécta. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà cây hồ tiêu thuộc dự án phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm. Chất lượng hạt tiêu đạt tiêu chuẩn Global GAP được khách hàng đánh giá cao, thu mua với giá cao hơn giá thị trường, nâng cao thu nhập của bà con nông dân lên hơn 300 triệu đồng/hécta.
Ngoài ra, dự án còn đào tạo được 11 kỹ thuật viên nòng cốt nắm bắt tốt kiến thức, làm chủ quy trình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP. Từ 7 hộ gia đình ban đầu với hơn 12 hécta, đến nay, có gần 300 lượt nhà vườn hiểu biết và có thể thực hành sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn này.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự án xây dựng hệ thống quản lý và điều hành hoạt động của 4 trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa gồm: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo, Tam Hiệp, Bùi Hữu Nghĩa, đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh thông qua các loại văn bản điện tử. Việc liên kết giữa các trường qua hệ thống điện tử mang lại nhiều thuận lợi trong điều hành công việc. Thông qua phần mềm E-school, lãnh đạo các trường dễ dàng trao đổi công việc với giáo viên và phụ huynh học sinh, giảm bớt khoảng cách đi lại, thời gian, công sức, thủ tục văn bản giấy tờ, giúp mọi việc được triển khai nhanh chóng, kịp thời.
Hạnh Dung