"Có những hôm tăng ca đến 18 giờ mới ra khỏi công ty, bụng đói cồn cào nhưng tôi vẫn "phi" ngay lên trường để kịp giờ học; 21 giờ về nhà mới được ăn cơm, rồi ngủ lấy sức để mai lại đi làm tiếp".
“Có những hôm tăng ca đến 18 giờ mới ra khỏi công ty, bụng đói cồn cào nhưng tôi vẫn “phi” ngay lên trường để kịp giờ học; 21 giờ về nhà mới được ăn cơm, rồi ngủ lấy sức để mai lại đi làm tiếp”.
Công nhân Nguyễn Thanh Hương (bìa phải) trong giờ học buổi tối tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. |
Cô công nhân Nguyễn Thanh Hương (20 tuổi, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chia sẻ về những ngày vừa đi làm, vừa đi học của mình.
“Làm công nhân cực quá”
Năm Hương 15 tuổi, cha đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Mọi gánh nặng, lo toan của gia đình đều dồn lên vai người mẹ. Thương mẹ vất vả, học xong lớp 12 dù đủ điểm đậu vào Trường đại học Hoa Sen (TP.Hồ Chí Minh), nhưng Hương xin đi làm công nhân để phụ mẹ nuôi em, trả bớt nợ nần. Và ước mơ một ngày nào đó được đến giảng đường đại học vẫn nhen nhóm trong lòng cô gái trẻ.
Tại cuộc gặp gỡ với công nhân, người lao động Đồng Nai vào tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao trình độ cho công nhân, tạo điều kiện cho công nhân học tập, tiếp thu khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động là điều hết sức cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, khen ngợi những công nhân có ý chí, nghị lực vừa học vừa làm, đồng thời đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo, Công đoàn các công ty trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân có thể vừa đi làm vừa đi học, nâng cao trình độ. |
Vừa làm công nhân, Hương vừa đăng ký học cao đẳng hệ vừa làm vừa học ngành quản trị kinh doanh tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Đến nay, Hương đã học năm thứ 2, còn 1,5 năm nữa sẽ hoàn thành khóa học.
Hương tâm sự, trong thời buổi hội nhập như hiện nay, một người trẻ chỉ biết những kiến thức phổ thông thì quá thua thiệt, một lao động phổ thông không có trình độ, hiểu biết gì thì lại càng thiệt thòi hơn. Do vậy, Hương quyết tâm vừa làm vừa học để nâng cao kiến thức, có hiểu biết, có bằng cấp. Sau này tốt nghiệp có thể xin được một việc làm đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn.
Cũng phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ sống là chia sẻ của công nhân Huỳnh Thị Huyền. Huyền hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường cao đẳng nghề số 8, ngành quản trị doanh nghiệp.
Là con thứ 8 trong gia đình có 10 anh chị em ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2015 vừa học xong THPT, Huyền vào Đồng Nai với mong muốn kiếm được việc làm để có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Sau khi vào làm tại Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial được 2 tháng, biết Trường cao đẳng nghề số 8 có tổ chức dạy học vào ban đêm, Huyền nộp hồ sơ đi học. Cô Trần Thị Bích Hợi, giáo viên dạy Huyền, cho biết mặc dù từ nhà trọ đến trường học hơn 10km nhưng chưa khi nào Huyền nghỉ học mà luôn đi học đầy đủ, đúng giờ. Trong lớp, Huyền chú ý nghe giảng bài, chịu khó làm bài tập, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thầy cô chứ không giấu dốt.
Khi được hỏi thích đi làm hay thích đi học, Huyền trả lời: “Em thích đi học. Làm công nhân cực quá”. Với một cô gái nặng chỉ 40kg, cao chưa đầy 1m50 thì việc đứng chuyền 8-9 giờ/ngày quả là vất vả. Huyền làm ở bộ phận chế, công việc áp lực bởi hàng chạy theo chuyền đòi hỏi công nhân phải nhanh tay, nhanh mắt để làm cho kịp.
“Làm 8-9 tiếng, tụi em đều phải đứng chứ không được ngồi, chỉ trừ lúc nghỉ trưa ăn cơm. Thậm chí có những khi làm hàng không kịp, hàng bị trôi vào kho, công nhân lại bị quản lý la. Có nhiều lúc em cũng nản muốn nghỉ việc luôn, nhưng nghĩ lại nếu mà nghỉ thì đi đâu, lấy tiền đâu để đóng tiền học, lấy tiền đâu để ăn. Vậy nên đành phải cố gắng làm cho nhanh, học cho tốt để mong muốn kiếm được một công việc tốt hơn” - Huyền bộc bạch.
Mong cuộc sống tốt hơn
Sơn Thị Út Sê Rây, 19 tuổi, công nhân Xí nghiệp may công nghiệp Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cũng đang nỗ lực vừa làm vừa học. Sê Rây người dân tộc Khmer, quê ở Trà Vinh. Do điều kiện gia đình quá khó khăn nên Sê Rây theo bạn bè lên Đồng Nai làm công nhân. Với mong muốn có kiến thức để khi ra xã hội không bị chê bai, bớt phải thiệt thòi, Sê Rây nộp hồ sơ vào học ngành may thời trang Trường cao đẳng nghề số 8. Sê Rây chia sẻ: “Em mong sao công ty tạo điều kiện về thời gian để chúng em được đi học. Khi học xong, em muốn có một công việc đỡ vất vả hơn hiện tại”.
Vừa qua, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thăm công nhân Đồng Nai, được bày tỏ nguyện vọng với Thủ tướng, công nhân Nguyễn Thị Yến Linh (Phòng Phát triển mẫu Công ty cổ phần Taekwang Vina, đang học ngành ngôn ngữ Anh Trường đại học Đồng Nai) đề nghị các cấp lãnh đạo hỗ trợ về thời gian, kinh phí để công nhân có thể học tập, đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ. Bởi là sinh viên vừa học vừa làm, Linh hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của những công nhân có hoàn cảnh giống mình.
“Có những hôm vừa làm vừa học, chúng em mệt quá chẳng thiết ăn uống gì, chỉ muốn ngủ một giấc thật sâu cho lại sức rồi ngày mai lại đi làm. Bởi vậy mà công nhân không có thời gian, cơ hội để giao lưu, kết bạn, hưởng thụ văn hóa lành mạnh. Chúng em hy vọng sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng sẽ được tạo điều kiện để chuyển đổi công việc tốt hơn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống” - Yến Linh đề nghị.
Theo Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, hiện nay trên địa bàn tỉnh những doanh nghiệp gia công giày cho hãng Nike đều tổ chức cho người lao động của công ty theo học các lớp bổ túc văn hóa, ngoại ngữ. Phía công ty sẽ hỗ trợ từ 50-100% học phí cho những ai học các lớp này. Với những công nhân học nâng cao trình độ vào ban đêm được công ty tạo điều kiện, bố trí thời gian làm việc hợp lý.
“Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho công nhân lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là các ngành, nghề đòi hỏi kỹ năng cao. Mặt khác, hiện chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị dạy nghề trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại cho công nhân lao động. Những công nhân đi học nâng cao trình độ phần lớn do tự bản thân tìm hiểu, nộp hồ sơ để đi học với mong muốn có công việc tốt hơn” - bà Như Ý nhấn mạnh.
Hạnh Dung