Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nhân lực thời 4.0

07:10, 31/10/2017

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ với nhiều công nghệ hiện đại ra đời đã thay thế cho lao động chân tay, cho chất lượng sản phẩm ổn định và năng suất cao gấp nhiều lần...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ với nhiều công nghệ hiện đại ra đời đã thay thế cho lao động chân tay, cho chất lượng sản phẩm ổn định và năng suất cao gấp nhiều lần. Đây cũng chính là một thách thức lớn với các cơ sở đào tạo trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính sáng tạo để có thể thích nghi với tình hình mới.

Sinh viên Trường cao đẳng nghề công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành trên máy cắt gọt kim loại CNC kỹ thuật số hiện đại của Đức. Ảnh: C.Nghĩa
Sinh viên Trường cao đẳng nghề công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành trên máy cắt gọt kim loại CNC kỹ thuật số hiện đại của Đức. Ảnh: C.Nghĩa

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho rằng việc đào tạo nghề gắn với sự sáng tạo của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp sẽ tác động đến đào tạo nghề nên rất cần sự liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với nhà trường.

Không thể đứng ngoài cuộc

 PGS.TS Đỗ Năng Toàn, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia Hà Nội), cho biết: “Muốn đào tạo được nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì các trường phải thay đổi ngay phương pháp đào tạo, trước hết là phải tạo ra những sinh viên 4.0 có hiểu biết, tư duy, sẵn sàng hành động. Sinh viên cần được tiếp cận tốt nhất với chương trình đào tạo hiện đại, thiết bị thực hành tiên tiến và phải được tiếp xúc thường xuyên với thực tế phát triển công nghệ của cuộc cách mạng này”.

Từ hơn 5 năm nay, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) đã sử dụng những cỗ máy robot công nghệ cảm biến ánh sáng dẫn đường để phát vật tư cho công nhân gia công giày, đồng thời thu gom những đôi giày thành phẩm về kho cho công nhân kiểm tra đóng gói.

Những cỗ máy robot do sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chế tạo và chuyển giao cho Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã thay thế hoàn toàn con người trong vận chuyển hàng hóa. Chỉ cần sạc đầy điện, bấm nút là robot có thể chạy dọc ngang nhà máy theo lập trình.

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhóm sinh viên Trường học Lạc Hồng đã nghiên cứu và chế tạo đồng loạt gần 4 chiếc máy cuốn thanh nhôm tự động cho Công ty TNHH Lixil Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành). Máy hoạt động tự động hoàn toàn. Khi có đủ số thanh nhôm đưa vào, máy sẽ tự động cuốn 2 đầu thanh nhôm lại thành một kiện hàng đồng đều hơn cả lao động thủ công. Ngoài ra, sinh viên còn chuyển giao cho công ty 23 chiếc máy xỏ dây tự động cho các sản phẩm.

Trong khi đó, tại Trường cao đẳng nghề công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành), các giáo trình đào tạo đã bám sát đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thay vì cắt gọt các chi tiết cơ khí bằng tay hay những cỗ máy cơ lạc hậu, thiết bị cắt gọt nay đã được trang bị tự động hoàn toàn.

Sinh viên chỉ cần thiết kế mô phỏng trên máy tính, sau đó đưa phôi thép vào máy cắt gọt kim loại tự động CNC là máy sẽ tự động cắt gọt theo đúng bản vẽ nhanh và chính xác gần như tuyệt đối. Những chiếc máy được nhà trường này mua từ Đức, thuộc loại hiện đại như trong một số doanh nghiệp đang sử dụng, do đó sinh viên tốt nghiệp từ trường vào làm việc tại doanh nghiệp không bị lạ lẫm công nghệ.

Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) là doanh nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai tiến hành đào tạo nghề để tự sử dụng. Công ty đã đầu tư 1 triệu USD xây dựng Trung tâm đào tạo nghề công nghiệp TGA với những máy móc hiện đại tương thích với hệ thống máy móc nhà máy đang sử dụng.

Mỗi năm trung tâm chỉ đào tạo không quá 12 học viên cho 2 ngành là cơ điện và điện tử. Những học viên ở trung tâm ngoài được đào tạo chuyên môn còn được học tiếng Anh chương trình quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ là chuyên viên kỹ thuật cao điều khiển nhiều hệ thống máy của công ty.

Cần hiểu và hành động ngay

Nhiều trường đại học, cao đẳng đã và đang thích nghi dần với các đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cho biết trường đang ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo trực tuyến và quản trị theo hệ thống.

Theo TS.Phan Ngọc Sơn, điều này sẽ tạo ra một thay đổi lớn khi sinh viên có thể học trực tuyến bất cứ đâu đều có thể kết nối với hệ thống thư viện điện tử, với giảng viên hướng dẫn thay vì phải đến trường. Trường học sẽ  không phải xây thật to để đủ chỗ cho sinh viên ngồi, mà sẽ chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại để sinh viên thực hành.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng cần phải làm cho mọi người, nhất là lao động trẻ hiểu chắc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, ảnh hưởng tới mức độ nào để xây dựng ý thức học tập, nâng cao trình độ.

Bởi, những nhà máy vài ba chục ngàn công nhân có thể không còn, thay vào đó là những nhà xưởng với máy móc tự động thay thế gần như hoàn toàn con người. Điều này đã xuất hiện ở nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp.

Tại hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Trường đại học Lạc Hồng tổ chức mới đây, PGS.TS Đỗ Phúc, Phó hiệu trưởng Trường đại học công nghệ - thông tin (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), cho rằng: “Cần phải hiểu rõ khái niệm về thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0, có như thế mới thành công được. Còn nếu cứ “sính” cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 cho oai mà không hiểu gì, không hành động gì, thậm chí hành động sai thì không làm được trò trống gì cả”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều