Những cơ sở y tế nào được ngân sách "ưu ái", khi thực hiện tự chủ tài chính sẽ rất khó khăn, vất vả vì ngân sách giảm nhiều mà nguồn thu tăng ít. Riêng những đơn vị đã tự đảm bảo một phần chi hoạt động sẽ đỡ lo hơn, nhưng để giải bài toán tự chủ cũng không phải dễ…
Những cơ sở y tế nào được ngân sách “ưu ái”, khi thực hiện tự chủ tài chính sẽ rất khó khăn, vất vả vì ngân sách giảm nhiều mà nguồn thu tăng ít. Riêng những đơn vị đã tự đảm bảo một phần chi hoạt động sẽ đỡ lo hơn, nhưng để giải bài toán tự chủ cũng không phải dễ…
Việc nâng cao chất lượng dịch vụ là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tự chủ y tế. Trong ảnh: Nhân viên bảo vệ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hướng dẫn bệnh nhân đến đăng ký khám chữa bệnh.Ảnh: N.THƯ |
Đây là chia sẻ của lãnh đạo Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với ngành y tế Đồng Nai mới đây về kinh nghiệm trong triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 16) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
* Kinh nghiệm từ TP.Hồ Chí Minh
Tăng thu nhập chưa chắc giữ chân được bác sĩ giỏi Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết mặc dù triển khai tự chủ, thu nhập bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện có tăng lên nhưng thành phố vẫn đối diện với thách thức trong giữ chân bác sĩ giỏi. Hiện nay, thu nhập của bác sĩ ở các bệnh viện công lập trong thành phố có sự chênh lệch rất lớn với mức từ 15-60 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, một số đơn vị còn tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc ở nhiều nơi, tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc tăng thu nhập cũng chưa chắc giữ chân được bác sĩ giỏi mà phải tạo môi trường làm việc thật tốt, nhất là môi trường giao tiếp nội bộ thoải mái thì mới giữ chân được người giỏi. |
Qua hơn 2 năm triển khai Nghị định 16, số lượng các cơ sở y tế công lập của TP.Hồ Chí Minh thực hiện tự chủ tăng lên đáng kể, từ 8 đơn vị vào năm 2015 đến nay đã có 51 đơn vị thực hiện tự chủ.
Qua đó, giúp ngân sách thành phố giảm chi cho y tế khá nhiều. Nếu năm 2006 ngân sách thành phố chi cho y tế lên đến 14% tổng chi thì năm 2015 giảm còn 0,9% và hiện nay tỷ lệ này giảm chỉ còn 0,5%.
Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, lợi ích của tự chủ toàn phần cho các cơ sở y tế công lập là bắt buộc phải mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ mới có cơ hội thu hút người bệnh cũng như phải hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư hoặc vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới. Trong đó, các đơn vị được vay nguồn vốn kích cầu để đầu tư xã hội hóa, được ngân sách thành phố bù lãi vay. Hoạt động tự chủ tài chính đã giúp tăng thêm thu nhập cho nhân viên, có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao.
Việc triển khai tự chủ y tế trong các cơ sở y tế công lập phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó thách thức lớn nhất vẫn là những bất cập trong quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nỗi lo vượt quỹ, vượt trần, xuất toán bảo hiểm y tế; phát triển dịch vụ trong các bệnh viện; tăng quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm…
Kinh nghiệm trong việc triển khai tự chủ tài chính tại Bệnh viện nhân dân Gia Định cho thấy, thành công trong triển khai tự chủ phải có niềm tin bên ngoài (bệnh nhân) và bên trong (cán bộ, nhân viên). Phải làm sao xây dựng được mỗi cán bộ, nhân viên bệnh viện đều là “chủ” để cùng tiết kiệm, tránh lãng phí, cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng được thương hiệu bệnh viện thì mới mang lại niềm tin cho nhân dân, thu hút bệnh nhân, nâng cao thu nhập, đảm bảo nguồn thu cho bệnh viện hoạt động và phát triển.
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện đầu tiên của tỉnh đề nghị được tự chủ. Trong ảnh: Các bác sĩ Khoa Chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh thực hiện một ca nội soi ở gối cho bệnh nhân. |
* Học cách vượt qua thách thức
Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết sắp tới Đồng Nai sẽ triển khai thí điểm tự chủ đối với 5 bệnh viện tỉnh và đa khoa khu vực. Do đó, việc chi vượt quỹ, vượt trần sẽ rất khó được thanh toán. Nếu thực hiện tự chủ mà không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong vượt quỹ, vượt trần, xuất toán bảo hiểm y tế dẫn đến không tự chủ được nguồn thu thì sẽ rất nguy hiểm cho các bệnh viện vì không có kinh phí hoạt động.
Do đó, ngành y tế Đồng Nai sẽ học hỏi TP.Hồ Chí Minh những giải pháp để giúp các cơ sở y tế thoát khỏi nỗi lo xuất toán bảo hiểm y tế, vượt quỹ, vượt trần. Cụ thể, hàng tháng Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh đều ngồi lại với nhau để rà soát, chấn chỉnh các đơn vị theo đúng quy định nhằm giảm tình trạng vượt quỹ, vượt trần.
Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cũng thành lập một tổ hỗ trợ các bệnh viện kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế; tổ chức tập huấn cho các trưởng khoa, phòng của bệnh viện về công tác quản lý bệnh viện để cùng hỗ trợ lãnh đạo bệnh viện trong việc giảm chi hợp lý, thanh toán bảo hiểm đúng quy định…
Một thách thức nữa trong tự chủ y tế chính là phải tạo thêm nguồn thu từ phát triển dịch vụ. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho rằng hiện nay việc triển khai tự chủ trong các bệnh viện là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, trước tình hình các quy định của bảo hiểm y tế ngày càng siết dần, thu không đủ chi, nếu các cơ sở y tế không mở rộng phát triển dịch vụ, tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu thì sẽ không “sống” nổi.
Để phát triển dịch vụ y tế trong bệnh viện công lập thì phải có vốn. Do đó, chính sách cho vay kích cầu là một chính sách rất ưu việt của TP.Hồ Chí Minh, góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập đầu tư phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ. Chính sách vay vốn kích cầu nhằm giải quyết cho các cơ sở y tế công nghiệp vay xây mới, cải tạo mở rộng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu, xử lý nước thải với mức hỗ trợ tối đa 100 tỷ đồng/dự án, ngân sách thành phố bù lãi vay.
Ngọc Thư