Mùa hè ở xã nông thôn mới Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) cũng như ở bao địa phương khác, không phải trẻ em nào cũng được vui chơi thỏa thích...
Mùa hè ở xã nông thôn mới Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) cũng như ở bao địa phương khác, không phải trẻ em nào cũng được vui chơi thỏa thích...
Em Lồng Chính Long (12 tuổi, dân tộc Hoa) cùng bạn là Phạm Huy Phong (13 tuổi, ngụ ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) đang hò reo vì vừa bắt được một con chim nhỏ trong lúc làm rẫy phụ giúp gia đình.Ảnh: V.TRUYÊN |
Bên cạnh những em có điều kiện được gia đình cho tham gia các lớp học năng khiếu, đi du lịch, về quê thăm người thân thì nhiều em phải phụ giúp cha mẹ giữ em, ra đồng làm cỏ ruộng, hái trái cây thuê, chăn gia súc.
Giữ em, phụ việc nhà và làm rẫy
Ông Trần Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm, cho biết: “Chúng tôi lo nhất là tình trạng đuối nước ở trẻ em vào dịp hè vì địa phương có rất nhiều suối, ao hồ. Do trên địa bàn xã chưa có hồ bơi nên chúng tôi chưa thể tổ chức các lớp học bơi cho các em mà chỉ có thể thông quan hệ thống loa đài, tổ chức đoàn xã nhắc nhở phụ huynh phải trông chừng con em thật kỹ”. |
Đây là 3 công việc mà hầu hết trẻ em tại xã Bàu Hàm đều làm để giúp gia đình mỗi khi mùa hè đến.
Theo ông Trần Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm, phần lớn người dân trong xã sống bằng nghề nông. Dịp nghỉ hè lại luôn trùng với những vụ thu hoạch trái cây, ngày mùa nên nếu nhà nào làm rẫy, trẻ em thường ở nhà phụ giúp cha mẹ như một nông dân thực thụ, hoặc chí ít cũng ở nhà làm việc nhà, giữ em để cha mẹ đi làm công nhân, làm thuê làm mướn.
Vừa chơi cùng em trai 5 tuổi, em Trương Minh Nhật (14 tuổi, ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm) vừa cho hay: “Từ cuối tháng 5-2017, 2 anh em được nghỉ học ở nhà. Cha đi làm phụ hồ, còn mẹ làm công nhân nên em ở nhà giữ và chơi với em, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, làm những công việc vặt trong rẫy của gia đình. Những bạn học khác cùng xóm cũng làm những việc giống em”.
Tiếp lời con trai, ông Trương Thành Trung nói: “Nếu Minh Nhật không làm thì không biết gửi đứa con nhỏ ở đâu. Mùa hè có con trai lớn nấu cơm, làm việc nhà cũng đỡ đần được cho vợ chồng tôi. Thường vào năm học là chúng tôi phải tự làm vì con đi học từ sáng tới tối. Nhiều lúc thấy ngày hè anh em suốt ngày đóng cửa chơi với nhau, tôi cũng thấy tội nghiệp”.
Ở cách đó hơn 3km, em Lồng Chính Long (12 tuổi, dân tộc Hoa) cùng bạn là Phạm Huy Phong (13 tuổi, ngụ ấp Cây Điều) đang hò reo vì vừa bắt được một con chim nhỏ trong lúc làm rẫy phụ giúp gia đình.
Long cho hay: “Cha mẹ chặt chuối, dọn vườn, tỉa cành cây thì em thu nhặt tất cả dồn lại thành đống chờ khô rồi đốt. Vừa làm nhưng cũng vừa được chơi vì khi nào gặp con dế, con chim thì em đều cùng bạn tìm cách lật đá, trèo lên cây để bắt về chơi với nhau. Nhà em ở đoạn đường này cũng thưa người. Em thích ra ngoài ấp (cách người sống ở rẫy gọi khu trung tâm của xã - P.V) chơi với bạn nhưng nhà xa quá, cha mẹ không cho em đi”.
Chia sẻ về việc phải dẫn con nhỏ đi theo mỗi khi làm rẫy, mẹ của Long nói: “Con còn nhỏ tuổi, để ngồi nhà một mình tôi sợ nhất bạn bè đến rủ con đi ra suối, ra đập tràn để bơi. Vậy nên cứ đi rẫy là tôi dẫn con theo, vừa tiện nhắc nhở ăn uống đúng bữa vừa trông chừng con”.
Em Nguyễn Văn Hiếu (13 tuổi, ngụ ấp Tân Hợp) thì tranh thủ thời gian được nghỉ hè để đi hái trái cây thuê kiếm tiền mua sách vở, quần áo đi học.
“Mỗi ngày hái chôm chôm từ 6 giờ đến 13 giờ, em được trả 150 ngàn đồng và bao ăn sáng, trưa. Năm nay chôm chôm chín muộn, nên đã nghỉ hè gần 1 tháng mà em mới đi làm được có 8 ngày. Em đi làm cũng cực lắm vì kiến cắn, phải trèo cao, rồi lúc nắng lúc mưa, nhưng mà cũng vui vì được ăn trái cây miễn phí lại có tiền mua đồ đi học” - Hiếu nói.
Mùa của những lớp học năng khiếu
Theo ông Trần Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm, trong quá trình xây dựng và đã đạt danh hiệu nông thôn mới thì thu nhập, đời sống người dân không ngừng tăng lên. Từ đó mà phụ huynh quan tâm đầu tư cho con học tập văn hóa ở trường và nhiều môn năng khiếu khác.
Em Sú Ngọc Vân (9 tuổi, ngụ ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) học đánh đàn organ.Ảnh: V.TRUYÊN |
Không ít em gia đình có điều kiện được cha mẹ cho theo học các lớp năng khiếu. Vừa học đánh đàn organ, em Sú Ngọc Vân (9 tuổi, ngụ ấp Tân Hoa) nói: “Em đi học đàn cũng lâu rồi, nhưng trong năm học thì ít đến lớp đàn. Chỉ khi nghỉ hè thì em được cha mẹ chở đi học đàn, mỗi tuần 3 buổi, em còn đi học Anh văn. Lúc nào không học thì em ở nhà chơi với các bạn trong xóm”.
Em Nguyễn Văn Khánh (14 tuổi, ngụ ấp Tân Hợp) cho biết: “Mùa hè này là lần đầu tiên em được đi học đàn. Mỗi tuần 6 buổi chiều em đều đến lớp học. Còn buổi sáng em ở nhà giữ em, dọn dẹp nhà cửa để cha mẹ đi giao hàng cho khách. Được đi học đàn em thấy vui lắm, mấy năm trước toàn phải ở nhà làm việc nhà, giữ em”.
Còn em Nguyễn Văn Thái (6 tuổi, ấp Tân Hoa) nói: “Một tuần con được cho đi bơi 3 lần. Những ngày khác con ở nhà luyện chữ để tháng 9 tới vô lớp 1”. Mẹ của em Thái cho hay, thấy báo đài thường xuyên đăng tin các vụ đuối nước nên gia đình đâm lo, nên hè này quyết định dẫn con đi học bơi dù hồ bơi cách nhà gần 10km.
Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh cũng như học sinh, nhiều lớp học võ, dạy đàn, ngoại ngữ, tin học, luyện chữ đẹp... đã ra đời, nhất là trong dịp hè để đáp ứng nhu cầu này.
Ông Thanh Lợi, người đứng lớp dạy đàn cho trẻ em ở xã Bàu Hàm, cho hay lớp học đàn của ông dạy cả 2 buổi sáng - chiều. Thời điểm đông học sinh nhất là dịp hè. Phụ huynh hiện nay sẵn sàng bỏ ra số tiền khá lớn, từ 5-10 triệu đồng để mua guitar, organ cho con mình theo học, khác xa trước kia. Điều này chứng tỏ mức thu nhập, cũng như suy nghĩ của phụ huynh trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Văn Truyên