Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực...

10:07, 09/07/2017

Lâu nay khi nhắc đến bạo lực gia đình, mọi người thường nghĩ đến phụ nữ mà ít để ý đến đối tượng trẻ em. Trong thực tế, trẻ em là đối tượng yếu thế và thường là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp của nạn bạo hành...

Lâu nay khi nhắc đến bạo lực gia đình, mọi người thường nghĩ đến phụ nữ mà ít để ý đến đối tượng trẻ em. Trong thực tế, trẻ em là đối tượng yếu thế và thường là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp của nạn bạo hành gia đình.

Chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em tại diễn đàn trẻ em do Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng các đơn vị phối hợp tổ chức mới đây.Ảnh: N.SƠN
Chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em tại diễn đàn trẻ em do Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng các đơn vị phối hợp tổ chức mới đây.Ảnh: N.SƠN

Có em bị bạo hành về thể xác, có em bị bạo hành về mặt tinh thần và thậm chí là bạo hành về tình dục, để lại vết thương khó lành trong suốt cuộc đời

Đủ kiểu bạo hành

Bạo lực tinh thần tồn tại dưới nhiều hình thức, như: chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, cô lập, không cho tiếp xúc với người khác, xua đuổi, quấy rối; gây áp lực thường xuyên về tâm lý; đe dọa... gây nên sự phẫn uất, khủng hoảng ý thức và tâm sinh lý nạn nhân. Hình thức bạo lực này xuất hiện ở khắp nơi và đa số là diễn ra trong các gia đình có học vấn cao.

Những người tham dự hội thảo phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục do Sở Lao động - thương binh và xã hội, UBND TP.Biên Hòa tổ chức mới đây không khỏi xót xa trước trường hợp của emT.A. (8 tuổi) qua câu chuyện phản ánh của bà Lã Kim Định, cán bộ phụ trách công tác gia đình - trẻ em phường Long Bình (TP.Biên Hòa).

Những khó khăn, mâu thuẫn khó vượt qua trong cuộc sống đã khiến cha mẹ T.A. ly thân, T.A. sống với mẹ trong căn phòng trọ ở KP.2, phường Long Bình. Cuộc sống của 2 mẹ con phụ thuộc vào số tiền ít ỏi kiếm được từ công việc đan lát thủ công của mẹ. Hôn nhân không suôn sẻ, cuộc sống lại khó khăn trở thành áp lực tinh thần rất lớn khiến mẹ em có thể nổi nóng bất cứ lúc nào, mỗi lần như vậy là T.A. lại phải hứng chịu đòn roi. Thương cháu gái vô tội, khuyên can con gái nhiều lần mà không được, bà ngoại T.A. đã tới UBND phường trình báo.

EmT.T., học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (huyện Định Quán) tỏ ra khá bức xúc khi kể về trường hợp của cô bạn thân. T.T. kể, cha mẹ của bạn đều là giáo viên, ở trường vẫn luôn dạy cho học trò điều hay lẽ phải, được các thế hệ học trò kính nể. Thế nhưng khi về nhà, cha mẹ của bạn ấy lại có hành vi gây áp lực cho con, như: thường xuyên chửi mắng, so sánh kết quả học tập của con với người khác... khiến cho bạn cảm thấy chán nản, bế tắc. Không ít lần cô bạn còn có ý tưởng bỏ nhà đi “bụi” để chứng tỏ bản thân và coi đó như là một hình thức phản kháng lại hành động của cha mẹ, nhưng đã được T.T. ngăn cản kịp thời.

Dành cho trẻ 40 phút/ngày

Mặc dù số vụ bạo lực gia đình mà Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thống kê được năm sau đều giảm so với năm trước, nhưng thực tế đây chỉ là những vụ bạo lực được cộng đồng, cơ quan chức năng phát hiện. Còn số vụ bạo lực được giải quyết theo kiểu “việc riêng của gia đình” thì mãi là ẩn số mà không một cơ quan, đơn vị nào có thể thống kê một cách chính xác.

Tại diễn đàn trẻ em với chủ đề “Phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em” năm 2017 do Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì phối hợp tổ chức mới đây và nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo trước đó, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng đề ra. Trong đó, sự vào cuộc tiếp tục của các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật là vô cùng cần thiết. Song, nâng cao vai trò của gia đình, trực tiếp là các bậc làm cha, làm mẹ trong việc phòng ngừa bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em được đánh giá là quan trọng nhất.

Theo ThS.BS Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, bạo hành ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và có phần coi nhẹ. Quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” tồn tại trong tiềm thức khiến không ít cha mẹ coi chuyện đánh con là bình thường. Một số trường hợp trẻ bị chính người thân, như: cha dượng, cha đẻ, ông nội, ông ngoại... xâm hại, người mẹ biết nhưng vì nhận thức không đầy đủ, hoặc vì phụ thuộc kinh tế hoặc bị đe dọa nên không đủ dũng cảm để nói lên sự thật khiến cho đứa trẻ bị bạo hành tình dục nhiều lần. Trẻ em bị bạo hành, nhất là bạo hành tình dục để lại hậu quả nghiêm trọng, các em sẽ không thể phát triển một cách hài hòa về thể chất và nhân cách.

ThS.BS Vũ Thiện Toàn cho biết để đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em cần có 3 yếu tố. Bên cạnh việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, bản thân trẻ được trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và quan trọng nhất là vai trò của các bậc phụ huynh (chiếm 50%). “Các bậc phụ huynh chỉ cần dành cho con ít nhất 40 phút/ngày (20 phút trong bữa cơm và 20 phút trò chuyện buổi tối) để quan tâm, để hiểu con thì sẽ hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục ở trẻ”  - ThS.BS Vũ Thiện Toàn nhấn mạnh.

Nga Sơn

Tin xem nhiều