Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực trường lớp ở Biên Hòa

11:07, 23/07/2017

Dân số tăng cơ học hàng năm khiến TP.Biên Hòa khó tìm được lời giải bài toán thiếu trường lớp mỗi khi năm học mới cận kề. Năm học 2017-2018, TP.Biên Hòa có nhiều công trình trường học mới kịp hoàn thành...

Dân số tăng cơ học hàng năm khiến TP.Biên Hòa khó tìm được lời giải bài toán thiếu trường lớp mỗi khi năm học mới cận kề.

Công nhân hoàn thiện phần việc cuối cùng tại công trình Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài) - công trình trường THCS lớn nhất TP.Biên Hòa. Ảnh: C.Nghĩa
Công nhân hoàn thiện phần việc cuối cùng tại công trình Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài) - công trình trường THCS lớn nhất TP.Biên Hòa. Ảnh: C.Nghĩa

Mặc dù năm học 2017-2018 này, TP.Biên Hòa có nhiều công trình trường học mới kịp hoàn thành, sẵn sàng đưa vào sử dụng để “giải nhiệt” cho tình trạng thiếu trường lớp, nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng phải học ca 3.

* “Giải nhiệt” điểm nóng

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết: “Lãnh đạo thành phố rất quan tâm tìm nguồn đầu tư cho trường lớp nhưng do dân số cơ học tăng nhanh quá, đầu tư không kịp, phải làm từng bước mới có thể giải quyết, do đó rất cần sự cảm thông chia sẻ của phụ huynh”.

Năm học 2017-2018, Biên Hòa sẽ đưa nhiều trường học mới vào sử dụng, trong đó có các trường: THCS Trường Sa (phường Trảng Dài), THCS Tân Hạnh (xã Tân Hạnh), THCS Bình Đa (phường Bình Đa), tiểu học Phước Tân 2 (xã Phước Tân), tiểu học Tam Phước 4 (xã Tam Phước), mầm non Long Bình (phường Long Bình)...

Ngoài ra, Biên Hòa đã xây dựng bổ sung trên 100 phòng học cho một số trường tiểu học và THCS còn diện tích đất trống nhưng thiếu lớp học. Nhiều điểm nóng phải học ca 3, như: phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân và xã Phước Tân sẽ được “giải nhiệt” đáng kể.

Năm học này, phường Trảng Dài có thêm Trường THCS Trường Sa với 41 phòng học, giải quyết được 82 lớp học (một buổi). Đây là trường học có quy mô lớn nhất Biên Hòa cho tới thời điểm hiện tại.

Công trình Trường THCS Bình Đa được khởi công tháng 5-2016 tới nay đã hoàn thành cơ bản các hạng mục, chuẩn bị bàn giao và đưa vào sử dụng cho năm học mới 2017-2018. Công trình này có 27 phòng học, chia làm 2 dãy 4 lầu và khu hiệu bộ nằm ở vị trí đất cao nên nhìn khá bề thế.

Anh Phạm Văn Tư, công nhân làm việc tại công trình Trường THCS Bình Đa, cho biết: “Tới nay công trình cơ bản đã xong nên chỉ còn lại vài công nhân ở lại hoàn thiện khu vực nhà xe trước khi bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng”.

Năm học này, TP.Biên Hòa sẽ “xóa” được một phường không có trường mầm non công lập, đó là phường Long Bình. Công trình Trường mầm non Long Bình sẽ được đưa vào sử dụng phục vụ con em địa phường và con công nhân tạm trú trên địa bàn. Như vậy trước thềm năm học mới, TP.Biên Hòa chỉ còn lại phường Thống Nhất chưa có trường mầm non công lập.

* Khó tìm giải pháp căn cơ

Việc phải học ca 3, ca 4 không còn quá xa lạ với phụ huynh và học sinh của TP.Biên Hòa, đặc biệt là các phường, xã đông lao động nhập cư, như các phường: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân và xã Phước Tân.

Năm 2010, Trường THCS Phước Tân được công nhận là đạt chuẩn quốc gia, nhưng chỉ 1 năm học sau đã phải “phá chuẩn” vì quá tải. Cụ thể, có 9 lớp 9 ra trường thì có tới 18 lớp 6 vào. Điều đó buộc trường buộc phải dẹp một số phòng chức năng, như: phòng thí nghiệm, thư viện… để làm phòng học. Tới nay tình trạng quá tải tại Trường THCS Phước Tân vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều phường của Biên Hòa năm nay tiếp tục có sự gia tăng mạnh số học sinh đến tuổi vào lớp 1, điển hình là phường Trảng Dài. Theo thống kê của UBND phường, nếu năm 2016 có 1.600 học sinh vào lớp 1 thì năm nay là 2.500 (tăng 900 em), trong đó có 2.400 em học các lớp mầm non tại phường. Nếu giải quyết hết chỗ học cho 900 em này theo sĩ số chuẩn là 35 học sinh/lớp thì sẽ cần 26 phòng học mới.

Giải pháp được phường áp dụng trong năm học này là cho hoc sinh đi học nhờ tại  Trường THCS Trường Sa để giảm bớt số lớp phải học ca 3. Tuy nhiên, có thể tình trạng học ca 3 sẽ không được giải quyết dứt điểm vì số học sinh vào lớp 1 của trường tiếp tục gia tăng.

Theo Phòng GD-ĐT Biên Hòa, năm học 2017-2018 từ bậc mầm non tới THCS sẽ tăng khoảng 12 ngàn học sinh. Nếu sắp xếp số học sinh tăng thêm này theo mô hình trường chuẩn (mỗi trường không quá 1.050 học sinh) thì sẽ cần thêm 12 trường mới. Chi phí đầu tư một trường mới không tính đền bù giải phóng mặt bằng trung bình 50 tỷ đồng. Như vậy ngân sách Biên Hòa sẽ cần tới 600 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Biên Hòa, cho biết Biên Hòa đã và đang tiếp tục dồn các nguồn lực cho việc xây mới các công trình trường học theo hướng trước mắt lẫn lâu dài. Theo đó trước mắt những phường, xã còn “nóng” về ca 3, điều kiện trường lớp xuống cấp sẽ được xây bổ sung lớp học, hoặc xây trường mới.

Điển hình, như: phường Trảng Dài đã có kế hoạch xây thêm Trường tiểu học Trảng Dài 3; phường Tân Phong sẽ xây thêm trường mới giảm tải cho Trường tiểu học Phan Chu Trinh và Trường tiểu học Tân Phong trên diện tích rộng 4 hécta do Trường đại học Đồng Nai bàn giao. Các xã phường, xã như: Long Bình, Long Bình Tân và Phước Tân cũng sẽ xem xét kiến nghị xây trường mới để giảm tải.

Biên Hòa sẽ không chỉ giảm tải ca 3, giảm tải sĩ số lớp mà còn phải đạt chuẩn sĩ số học sinh trên lớp và các phòng chức năng kèm theo để các trường đạt chuẩn quốc gia, có như vậy mới nâng cao được chất lượng dạy và học bền vững.

Công Nghĩa
 

Tin xem nhiều