Gần đây, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công nhiều trường hợp người bệnh có khối u lớn.
Gần đây, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công nhiều trường hợp người bệnh có khối u lớn.
Bác sĩ Lê Đình Hùng (trái), Phó giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, tái khám cho một bệnh nhân sau khi mổ khối u. Ảnh: A.An |
Bác sĩ Lê Đình Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho biết rất nhiều trường hợp chủ quan với những khối u bất thường trong cơ thể dẫn đến khối u lớn dần làm việc điều trị vô cùng khó khăn.
Mới đây nhất là ca phẫu thuật u đại tràng nặng gần nửa ký cho bệnh nhân N.T.Đ. (62 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa). Khối u của bà Đ. khá to, xâm lấn các vùng xung quanh. Bác sĩ đã dùng phương pháp nội soi để mổ nhằm giảm biến chứng cho bà Đ.
Bác sĩ đã cắt đoạn đại tràng chứa u, nạo vét hạch và nối lại bằng máy. Khối u nằm ở sâu trong đoạn đại tràng ngang và đại tràng xuống nên ca mổ khá phức tạp. Sau mổ, bà Đ. phải thực hiện hóa trị hoặc xạ trị để điều trị tiếp tục.
Trước đó, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cũng đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày bị ung thư và tái tạo dạ dày cho bệnh nhân V.V.T. (63 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ông T. nhập viện trong tình trạng đau thượng vị, vùng trên rốn và dưới mũi xương ức. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó đã đưa ông T. đi kiểm tra nhiều nơi nhưng không tầm soát được bệnh.
Tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, các bác sĩ đã tiến hành nội soi, làm sinh thiết cho bệnh nhân. Kết quả xác định ông T. bị một khối u xâm lấn toàn bộ dạ dày, di căn xuống vùng lưng tụy và rốn gan. Kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, đồng thời sử dụng máy cắt nối ruột để tái tạo một dạ dày nhân tạo bằng ruột non của bệnh nhân.
Một trường hợp khác là bà T.T.L. 61 tuổi, ở xã Quảng Biên, huyện Trảng Bom). Từ 10 năm nay, bà L. phải mang trên cổ khối u lớn, nặng hơn nửa ký. Khi nhập viện khám bệnh, khối bướu của bà Loan phình to, cao hơn cằm. Ngoài ra, bà L. còn bị bệnh đái tháo đường. Do đường huyết quá cao, các bác sĩ phải hạ đường huyết cho bệnh nhân rồi mới tiến hành phẫu thuật.
Theo người nhà của bà L., 10 năm trước, khối bướu ở cổ bà bắt đầu xuất hiện và ngày càng to dần. Tuy nhiên, gia đình cho rằng khối bướu lành tính và không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt nên trì hoãn việc phẫu thuật. “Sau khi mổ, mẹ tôi khỏe hơn trước, ăn uống đã bình thường trở lại. Biết vậy, gia đình tôi đã đưa mẹ đi phẫu thuật từ lâu” - con gái bà L. cho hay.
Bác sĩ Lê Đình Hùng cũng cho biết hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiến hành mổ những khối u cho bệnh nhân ung thư, nhiều nhất là ung thư đại tràng. Có những ca như bệnh nhân V.V.T. (63 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp,
TP.Biên Hòa) rất khó khăn khi phẫu thuật. “Chúng tôi phải cắt toàn bộ dạ dày của bệnh nhân và phải tái tạo dạ dày mới. Đây là một ca mổ khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm” - bác sĩ Hùng chia sẻ.
Việc phát hiện và điều trị sớm các khối u bất thường sẽ giúp bệnh không diễn tiến nặng, chuyển thành u ác tính, bệnh nhân có khối u nên đến bệnh viện sớm để được điều trị, nếu nguy hiểm có thể được phẫu thuật sớm. Nếu để lâu, khối u sẽ di căn sang nhiều bộ phận khác trong cơ thể thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém nhưng hiệu quả không cao.
An An