Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả lại tài sản cho bệnh nhân

10:04, 09/04/2017

Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, có nhiều trường hợp nhân viên của bệnh viện trả lại tài sản cho bệnh nhân đánh rơi, trong đó có một số tài sản giá trị lên đến hàng chục triệu đồng...

Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, có nhiều trường hợp nhân viên của bệnh viện trả lại tài sản cho bệnh nhân đánh rơi, trong đó có một số tài sản giá trị lên đến hàng chục triệu đồng...

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (phải) hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục khám, chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (phải) hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục khám, chữa bệnh.

Vào đầu năm 2017, anh Lê Ngọc Tý, bảo vệ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, đã nhặt được một chiếc ví do bệnh nhân đánh rơi tại quầy thanh toán của khu cận lâm sàng, trong ví có 10,3 triệu đồng. Lúc đó bệnh nhân rất đông, anh Tý hỏi nhưng không ai nhận, thông báo trên loa cũng không có ai đến lấy nên anh giao lại cho Phòng Hành chính của bệnh viện lập biên bản giữ lại và trả lại cho người bị mất.

* Không tham của rơi

Ông Nguyễn Mạnh Khiết, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết thời gian qua lãnh đạo bệnh viện thường xuyên mở các lớp tập huấn về đổi mới tinh thần thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh cho nhiều đối tượng từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đến nhân viên, bảo vệ của bệnh viện. Tất cả đều lấy bệnh nhân làm trung tâm để phục vụ, coi bệnh nhân như người thân của mình. Do đó, việc nhặt được của rơi trả người bị mất là việc làm rất thường xuyên, góp phần tạo sự tin tưởng của người dân vào bệnh viện.

Anh Tý chia sẻ, làm bảo vệ ở bệnh viện anh thường xuyên nhặt được tài sản của bệnh nhân đánh rơi và tìm cách thông báo trả lại cho bệnh nhân. Lần này nhặt được số tiền lớn, lên đến cả chục triệu đồng, gấp đôi thu nhập hàng tháng nhưng anh vẫn không tham của rơi.

“Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ an ninh trật tự và tài sản cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, nên việc trả lại tài sản người khác đánh rơi trong bệnh viện cũng là bổn phận phải làm” - anh Tý bộc bạch.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Anh Thư, nhân viên hướng dẫn thuộc Phòng Công tác xã hội cũng nhiều lần nhặt được của rơi có giá trị trả người bị mất, như: tiền, lắc vàng...

Bà Thư kể, năm 2016, sau khi phụ đẩy xe lăn cho bệnh nhân đến khoa khám bệnh trở về vị trí trực, bà phát hiện một cái ví tiền ở gần thùng rác. Khi mở ví ra, bên trong có rất nhiều tiền mệnh giá từ 100-500 ngàn đồng.  Lúc này, xung quanh không có người nào nhìn thấy nhưng bà vẫn bàn giao chiếc ví lại cho bảo vệ bệnh viện để liên hệ trả lại người bị mất. Đó là một bà cụ đi khám bệnh rồi làm rơi ví tiền mà con cái cho bà dành dụm để chữa bệnh, tổng cộng hơn 6 triệu đồng.

Các Bảo vệ Vũ Đình Khuông (phải) và Lê Ngọc Tý đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Ảnh: Đ.NGỌC
Các Bảo vệ Vũ Đình Khuông (phải) và Lê Ngọc Tý đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Ảnh: Đ.NGỌC

Bà Thư tâm sự: “Khi nhặt được chiếc ví, tôi nghĩ người ta phải vào bệnh viện để khám bệnh là đã khổ vì lo lắng bệnh tật, rồi còn mất số tiền lớn này chắc sẽ buồn lắm. Vậy nên khi nhìn bà cụ vui mừng nhận lại tiền, tôi thấy lòng nhẹ nhõm hẳn. Tôi xác định rồi, mình đã theo ngành y lại làm công tác xã hội thì phải hết lòng, hết sức giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân. Những hành động nhỏ có ý nghĩa của mình cũng giúp người dân có một cái nhìn thiện cảm với bệnh viện, giữ được truyền thống luôn coi bệnh nhân là trên hết của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất”.

* Giữ hình ảnh đẹp cho bệnh viện

Cũng là một tấm gương nhặt được của rơi trả lại người bị mất, ông Vũ Đình Khuông, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Trong bệnh viện không chỉ có nhân viên mà có cả người dân nhặt được của rơi cũng giao lại cho bảo vệ. Nếu bảo vệ mà tham lam cất đi thì không ai biết được. Tuy nhiên, đã là bảo vệ, được mọi người tin tưởng đầu tiên vì mình là người giữ an ninh trật tự, phải luôn trung thực và làm hết trách nhiệm. Dù làm được một việc nhỏ cho bệnh viện cũng cảm thấy hãnh diện”.

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, hơn 10 năm qua bệnh viện đã giữ hơn 2 ngàn tài sản, giấy tờ của các bệnh nhân. Hiện đã trả được khoảng 1/3 số tài sản, giấy tờ này, trong đó có những tài sản do bệnh nhân nhập viện cấp cứu bị hôn mê, không có thân nhân. Tất cả tài sản, giấy tờ không có người đến nhận, Phòng Hành chính của bệnh viện đều niêm phong và bảo quản kỹ lưỡng, sau đó làm thủ tục bàn giao cho Công an phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) để xử lý theo thẩm quyền.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều