Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày

11:04, 10/04/2017

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư khá phổ biến, chiếm hơn 20% các ca bệnh ung thư điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư khá phổ biến, chiếm hơn 20% các ca bệnh ung thư điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Một bệnh nhân đang vào hóa chất điều trị ung thư dạ dày ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
Một bệnh nhân đang vào hóa chất điều trị ung thư dạ dày ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết dạ dày không phải là một bệnh lý có tầm soát nên nhiều người rất chủ quan, không đi khám định kỳ, ít được phát hiện sớm. Chỉ đến khi kém ăn, ói nhiều đến suy kiệt cơ thể bệnh nhân mới đi khám bệnh thì đã muộn khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém, nguy cơ tử vong cao.

* Còn chủ quan với bệnh

Phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày

Bác sĩ Đinh Thanh Bình khuyến cáo, đối với những người bị viêm loét dạ dày cần điều trị dứt điểm, nhất là những trường hợp đau dạ dày do vi khuẩn HP rất nguy hiểm. Vi khuẩn HP được xếp vào nhóm đứng đầu gây ung thư dạ dày hiện nay. Bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt của bác sĩ. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cao gây bệnh ung thư dạ dày, đó là: thường xuyên uống rượu bia, ăn đồ ăn hun khói, đồ nướng, muối chua… Do đó, những người có nguy cơ cao cần thường xuyên đi khám định kỳ, tầm soát bệnh ung thư dạ dày.

Như trường hợp ông Nguyễn Văn N. (69 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) bị đau bụng kéo dài, ăn ít, khó tiêu nên đi khám bệnh mới phát hiện có một khối u tại dạ dày. Khi nhận kết quả sinh thiết bị ung thư dạ dày, ông rất bàng hoàng vì trước đó ông vẫn khỏe mạnh bình thường. Thỉnh thoảng, ông có đau bụng lâm râm nhưng tự mua thuốc đau dạ dày uống lại bớt nên không đi khám bệnh định kỳ. Sau đó, ông đã được phẫu thuật cắt 1/2 bao tử và phải truyền hóa chất điều trị phòng ngừa bệnh di căn. Ông N. có tiền sử uống rượu suốt 50 năm qua.

Không chỉ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cũng khám và phẫu thuật cho nhiều ca ung thư dạ dày rất nặng, có trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày do khối u lớn xâm lấn toàn bộ dạ dày. Như trường hợp ông Vũ Quyết T. (63 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đau bụng kéo dài, không ăn uống được. Qua nội soi dạ dày và kết quả sinh thiết, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ung thư dạ dày, hạch di căn sang vùng tụy, rốn và gan nên phải phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, nạo hạch để tránh di căn sang nơi khác.

Phó giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai Nguyễn Đình Hùng cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 3 ca phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư dạ dày giai đoạn muộn, đã có di căn. Cắt toàn bộ dạ dày là một phẫu thuật rất nặng nề cho bệnh nhân. Do đó, tỷ lệ rất hãn hữu bác sĩ mới làm để ngăn ngừa di căn sang các bộ phận khác. Dù bệnh nhân đã được tái tạo dạ dày bằng ruột non, nhưng các trường hợp này chỉ có thể kéo dài sự sống trong khoảng 6 tháng - 2 năm.

* Khó phát hiện bệnh sớm

Bác sĩ Đinh Thanh Bình cho hay, việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư dạ dày rất quan trọng vì ở giai đoạn này vẫn có thể điều trị dứt điểm bằng cách dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm tổn thương dạ dày có kích thước rất nhỏ, chức năng tiêu hóa của dạ dày không ảnh hưởng nên khó phát hiện sớm bệnh.

Việc chẩn đoán ung thư dạ dày sớm chủ yếu vẫn dựa vào nội soi và sinh thiết. Nhưng việc nội soi dạ dày gây cảm giác rất khó chịu khiến bệnh nhân ngại đi tái khám, do đó bệnh diễn tiến ngày càng nặng, u ngày càng lớn mà không biết.

Trong khi đó ở giai đoạn muộn, khối u lớn khiến bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, ăn kém, ói nhiều, ói ra máu, sụt cân. Ở giai đoạn này, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt khối u và hóa trị. Nhưng các phương pháp điều trị chỉ có thể giúp làm giảm triệu chứng, và tăng thời gian sống cho người bệnh chứ không thể điều trị tận gốc được.

An An

Tin xem nhiều