Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới phải thực chất

10:04, 26/04/2017

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20-5 nhằm tiếp tục tiếp nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực cho lần đổi mới giáo dục được đánh giá là khá toàn diện, nhiều điểm mới này.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20-5 nhằm tiếp tục tiếp nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực cho lần đổi mới giáo dục được đánh giá là khá toàn diện, nhiều điểm mới này.

Trước đó, khi công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc dự thảo đưa ra những mục tiêu khá cụ thể về xây dựng thế hệ học sinh mới với những phẩm chất và năng lực rõ ràng. Theo đó, 6 phẩm chất mà học sinh cần đạt được, gồm: yêu đất nước; yêu con người; chăm học; chăm làm; trung thực và trách nhiệm.

Song song với 6 phẩm chất là 10 năng lực cốt lõi, gồm: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực ngôn ngữ; năng lực tính toán; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; sinh học; thẩm mỹ và năng lực thể chất.

Điểm thay đổi rõ nhất là chương trình giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học 5 năm, THCS 4 năm) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp THPT 3 năm. Dạy ngoại ngữ bắt đầu từ lớp 1 và tất cả lớp 1 sẽ được dạy 2 buổi/ngày. Lớp 10 sẽ là lớp dự hướng giúp học sinh chuẩn bị lựa chọn nghề nghiệp cho đúng. Lớp 11 và 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm đảm bảo học sinh chọn lựa đúng nghề nghiệp sau THPT. Chương trình cũng giảm số môn học, không quy định cứng thời gian từng môn và ngoài môn bắt buộc, học sinh được tự chọn một số môn yêu thích từ bậc tiểu học lên THPT.

Chi phí để thực hiện chương trình là 77 triệu USD được vay từ Ngân hàng Thế giới. Sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp, dự thảo sẽ trình phê duyệt trong tháng 9-2017 và dự kiến sẽ triển khai ngay trong năm học 2018-2019.

Nhận xét về dự thảo, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đánh giá chương trình có nhiều điểm đổi mới tiến bộ, tiếp cận với nền giáo dục hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, giúp học sinh giảm tải, có định hướng nghề nghiệp từ sớm. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Tất Thắng, muốn đổi mới thành công, dự thảo phải khắc phục được căn bản những tồn tại, hạn chế của chương trình sách giáo khoa hiện hành; đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn là mong muốn của phụ huynh, học sinh về điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất và đặc biệt là chương trình sau khi ban hành không làm thay đổi, xáo trộn quá nhiều.

Giáo dục Việt Nam đã trải qua rất nhiều lần cải cách, đổi mới. Tuy nhiên, thành công mà những cải cách, đổi mới này đạt được còn hạn chế. Do vậy, với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này, rất hy vọng sẽ sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân và xã hội về một nền giáo dục tiên tiến, không chạy theo thành tích.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều