Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8 (khóa X) vừa diễn ra, một vấn đề được khá nhiều các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến lĩnh vực y tế: bất cập khi khám, chữa bệnh ở bệnh viện chuyên khoa và mức phân bổ số lượt bệnh nhân khám/ngày đối với bác sĩ.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8 (khóa X) vừa diễn ra, một vấn đề được khá nhiều các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến lĩnh vực y tế: bất cập khi khám, chữa bệnh ở bệnh viện chuyên khoa và mức phân bổ số lượt bệnh nhân khám/ngày đối với bác sĩ.
Không phải đến bây giờ vấn đề này mới nóng, mà kể từ khi thực hiện Thông tư số 40 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016. Các bệnh viện chuyên khoa vốn đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chỉ biết than trời, bởi tâm lý người dân khi mua bảo hiểm y tế thường thích khám, chữa bệnh ở bệnh viện đa khoa. Việc không được khám bảo hiểm ở những bệnh viện chuyên khoa càng khiến bệnh nhân ngại ngùng, vì nếu muốn hưởng bảo hiểm sẽ phải làm thủ tục chuyển tuyến khá phức tạp, còn nếu không sẽ phải bỏ ra 100% chi phí để khám, chữa bệnh.
Các bệnh viện chuyên khoa của Đồng Nai như da liễu, y dược cổ truyền chính vì lý do này đã giảm đáng kể số bệnh nhân. Việc mở rộng các hoạt động dịch vụ khác do đó cũng bị ảnh hưởng. Tâm lý của bác sĩ và nhân viên y tế bị xao động dẫn tới tình trạng bác sĩ - vốn rất khó tuyển dụng ở bệnh viện chuyên khoa, đã lần lượt xin nghỉ việc để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn.
Với mong muốn giảm áp lực cho bác sĩ, Bộ Y tế ban hành quy định bác sĩ không được khám 45 bệnh nhân/ngày. Quy định này với những bệnh viện tuyến tỉnh có đội ngũ bác sĩ đông đảo còn có khả năng thực hiện được, riêng tuyến huyện và tuyến xã là bất khả thi. Thực tế hiện nay ở Đồng Nai cho thấy bác sĩ đang thiếu trầm trọng ở tuyến y tế cơ sở, có những trạm y tế chỉ có duy nhất 1 bác sĩ, không thể khám cho 45 bệnh nhân xong rồi nghỉ để 30-40 bệnh nhân khác ra về…
Trước những bất hợp lý gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khám và điều trị bệnh, ngành y tế Đồng Nai đã nhiều lần lên tiếng, thậm chí có văn bản kiến nghị lên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhờ chuyển ý kiến lên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này những kiến nghị trên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Và tất nhiên trong khi chờ sự điều chỉnh, người dân vẫn phải chịu thiệt thòi trong khi cơ sở y tế trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Chủ trương, chính sách ra đời với mục đích cuối cùng là để phục vụ người dân ngày một tốt hơn và vì một xã hội phát triển, công bằng. Chính sách, chủ trương chưa phù hợp rồi sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp, sát với thực tiễn. Nhưng nếu cứ kéo dài thời gian điều chỉnh hoặc thay đổi cho phù hợp thì e rằng các bệnh viện chuyên khoa sẽ mãi ì ạch, không phát triển được do thiếu bệnh nhân và động lực để làm việc.
Minh Ngọc