Chỉ trong 9 ngày cuối tháng 3-2017 (từ ngày 18 đến ngày 26-3), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5 gia đình mất đi người thân vì tai nạn lao động.
Chỉ trong 9 ngày cuối tháng 3-2017 (từ ngày 18 đến ngày 26-3), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết. Nếu tính từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, đã có 5 gia đình mất đi người thân vì tai nạn lao động.
Người thân nạn nhân Bùi Hồng Ca - người bị chết do tại nạn lao động - chực chờ ngoài hành lang bệnh viện. Ảnh: V.TRUYÊN |
* Những bữa cơm không có người ăn
“Sáng thứ bảy ngày 25-3, cũng như những ngày trước đó, cha tôi cùng các thợ xây dựng khác đi ra công trường để làm việc. Mẹ ở nhà chuẩn bị cơm và hỏi cha có về ăn hay không. Cha nói sẽ về ăn cơm cùng cả nhà. Vậy mà chỉ vài giờ sau, cha đã nằm bất động trên chiếc băng ca trong nhà đại thể của bệnh viện, mặc cho mọi người kêu khóc. Mâm cơm cuối tuần của gia đình đáng lẽ sẽ rất vui, nhưng chẳng ai còn tâm trí ăn nữa...”
Đó là tâm sự của anh Bùi Văn Thanh, con trai út của ông Bùi Hồng Ca (54 tuổi, trưởng nhóm thợ xây dựng một công trình ở TP.Biên Hòa), người trong lúc đang tham gia tháo lắp giàn giáo thì bất ngờ bị rơi từ độ cao hơn 5m xuống đất và sau đó tử vong tại bệnh viện.
Cái chết do tai nạn lao động vào chiều 22-3 của anh Nguyễn Văn Giác (25 tuổi, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, công nhân Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà) khiến người vợ trẻ mới 24 tuổi đang mang thai những tháng cuối phải sớm chịu cảnh góa bụa, con sinh ra không biết mặt cha.
Nằm trên giường cấp cứu, chị Võ Thị Dương, vợ anh Giác nói trong nước mắt: “Trước khi sự việc xảy ra, chồng tôi còn hẹn chiều về ăn cơm. Vậy mà giờ mỗi người một nơi và sẽ không bao giờ còn được gặp lại nhau, ngồi cùng mâm cơm nữa”.
Một gia đình nữa cũng lâm vào cảnh mất người thân nhưng có lẽ còn thê lương hơn khi mà 3 đứa trẻ nhỏ dại phải vĩnh viễn xa rời vòng tay yêu thương, chăm chút của mẹ. Vào sáng 18-3, tại Công ty hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom), công nhân Phạm Thị Ái Ni trong quá trình làm việc thì bị máy ép, dẫn đến đa chấn thương và tử vong sau khi cấp cứu tại bệnh viện. Chỉ tích tắc, một mái ấm gia đình đã tan vỡ khi con mất mẹ, chồng mất vợ.
* Hãy tự bảo vệ chính mình
Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động kể trên hiện vẫn đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từng vụ việc một cách khách quan thì lỗi phần nhiều thuộc về người lao động đã thiếu ý thức bảo vệ bản thân khi làm việc.
Với vụ tai nạn của ông Bùi Hồng Ca, nếu nạn nhân chú ý hơn khi di chuyển trên cao thì có lẽ mất mát đã không xảy ra. Hay nếu anh Nguyễn Văn Giác mạnh dạn từ chối nếu thấy điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn thì đã không có cái chết đầy bất ngờ.
Trước những diễn biến phức tạp, gia tăng ngay từ đầu năm của tai nạn lao động, ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết Sở đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn và phổ biến thông tin, chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn lao động tại các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Cộng, mục tiêu lớn nhất vẫn là đảm bảo an toàn trong quá trình lao động. Có như vậy người lao động mới yên tâm sản xuất, đảm bảo vốn quý của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (thay thế cho Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ) diễn ra vào tháng 5-2017 tại Đồng Nai.
Văn Truyên