Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha mẹ là "bác sĩ" tốt nhất

10:03, 29/03/2017

Cách đây gần 2 năm, nhận kết quả con gái út bị hội chứng tự kỷ, chị Lý Xuân H. (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị sốc nặng. Chị đã từng trượt dài trong đau khổ và bế tắc khi con gái bị những người xung quanh kỳ thị. chị suy sụp tinh thần đến mức trầm cảm khi luôn nghĩ đến việc ôm con nhảy cầu tự tử.

Cách đây gần 2 năm, nhận kết quả con gái út bị hội chứng tự kỷ, chị Lý Xuân H. (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị sốc nặng. Chị đã từng trượt dài trong đau khổ và bế tắc khi con gái bị những người xung quanh kỳ thị. chị suy sụp tinh thần đến mức trầm cảm khi luôn nghĩ đến việc ôm con nhảy cầu tự tử. Và có nằm mơ, chị cũng không nghĩ được con gái chị sẽ tiến bộ như hiện nay.

Ngoài giờ học với giáo viên và chuyên viên, trẻ bị hội chứng rối loạn tự kỷ rất cần được học ở nhà với cha mẹ.
Ngoài giờ học với giáo viên và chuyên viên, trẻ bị hội chứng rối loạn tự kỷ rất cần được học ở nhà với cha mẹ.

Chị H. tâm sự: “Khi tôi bình tâm lại mới thấy con gái mình quá thiệt thòi. Hơn ai hết, người mẹ phải làm cái gì đó cho con, không thể phó mặc con cho số phận như vậy”. Từ suy nghĩ đó, chị đã tự trang bị kiến thức về hội chứng tự kỷ và tìm hiểu các trung tâm chuyên biệt dạy cho trẻ bị tự kỷ ở nhiều nơi.

Cuối cùng, chị đã tìm tới Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) vì vừa gần nhà, giá cả lại phù hợp với khả năng.

* Không phó mặc con cho số phận

Từ một đứa trẻ lên 3 tuổi chỉ biết nói bập bẹ vài từ đơn, tăng động, không làm chủ được việc đại tiện, tiểu tiện, chỉ trong vòng hơn 1,5 năm theo học tại trung tâm, bé Ngọc C., con gái chị H. đã biết nói một câu dài đúng ngữ cảnh.

Chị H. chia sẻ, lúc đầu không dễ gì hướng dẫn một đứa trẻ tăng động như con chị vì bé thường chỉ làm theo ý của mình. Nhưng chị không nản lòng, ban ngày cô dạy gì thì tối về chị cố gắng dạy lại con bằng cách chơi trò chơi. Nếu trò chơi này bé không tiếp thu được thì chị chuyển sang trò chơi khác, cứ như vậy cho đến khi đạt được mục tiêu theo giáo án riêng của cô giáo dành cho con, chị mới thôi.

Một tiết tập múa của các học viên ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức. Ảnh: Đ.Ngọc
Một tiết tập múa của các học viên ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức. Ảnh: Đ.Ngọc

Cùng hoàn cảnh với chị H., vợ chồng ông Trần Mạnh T., phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cũng đã rời quê hương ở tỉnh Cà Mau, từ bỏ công việc ổn định để chuyển đến Đồng Nai cho con đi học Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức.

Ông T. chia sẻ, khi dạy con trước hết phải kiềm chế bản thân, tránh áp lực với bé vì trẻ bị hội chứng tự kỷ thường làm những chuyện người khác không lường trước được. Cha mẹ càng nhẹ nhàng, trẻ càng nghe lời, càng nóng nảy trẻ càng hoảng sợ, la hét. Một động tác dạy 100 lần chưa được phải dạy cả ngàn lần. Nếu cha mẹ không kiên trì, không dạy trẻ bằng tình yêu thương thì trẻ rất khó vượt qua được.

“Đừng bao giờ nghĩ con bị tự kỷ là do số phận, phải cam chịu. Đúng, đó là số phận nhưng cha mẹ phải chia sẻ và yêu thương con trẻ nhiều hơn, phải tìm mọi cách để cải thiện tình trạng của con mình, giúp con có thể làm được những việc như bao trẻ bình thường khác” - ông T. bộc bạch.

* Luôn là điểm tựa của con

Vai trò của cha mẹ chiếm 50-60% sự thành công

TS.Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết vai trò của phụ huynh chiếm 50-60% sự thành công của một ca can thiệp cho trẻ. Vì can thiệp cho trẻ tự kỷ phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý, xã hội, giáo dục chứ không phải là thuốc men hay liệu pháp nào cao siêu cả. Ngoài can thiệp ở trường thì ở nhà phụ huynh cũng phải hỗ trợ, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.

Dưới sự nhiệt tình giảng dạy của giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cùng sự kiên trì của các phụ huynh, nhiều học sinh theo học ở trung tâm đã có sự tiến bộ.

Nhiều trẻ đã hòa nhập cộng đồng, tham gia các lớp học ở các trường mầm non, như bé Ngọc C., con gái chị H., hiện nay đang theo học lớp lá ở một trường mầm non xã Phước Tân. Bé đã biết nói một câu dài, đọc thơ, múa hát và thuộc một vài chữ cái, biết tự mặc quần áo, tự múc ăn, cất cặp… Điều mà có nằm mơ, cách đây 2 năm chị H. cũng không nghĩ con mình có thể làm được.

Ông Nguyễn Văn D. (ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) vui mừng cho biết gần 1 năm ông cho con trai là bé Nguyễn Văn Chí C. theo học tại trung tâm, từ một cậu bé không nói được, không tập trung, bé Chí C. nay đã biết diễn đạt một phần ý mình bằng lời nói, hiểu được yêu cầu của người khác.

“Kinh nghiệm của tôi là cha mẹ phải hiểu sở thích của con mình. Ví dụ, con tôi rất thích hình ảnh và âm nhạc, tôi đã bỏ ra hàng giờ để làm các slide hình ảnh khác nhau trên máy vi tính có kèm âm nhạc để con xem, đến phần nhận biết hình ảnh, đồ vật theo bài học thì tôi cho dừng hình ảnh lại, yêu cầu bé nói được thì tôi mới chuyển sang hình khác” - ông D. nói.

Hành trình để một đứa trẻ bị hội chứng tự kỷ hòa nhập cộng đồng vẫn là một hành trình dài và trên con đường đó, các bậc phụ huynh vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, không chỉ là điểm tựa cho con mình mà còn là một bác sĩ giỏi, một giáo viên cần mẫn.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều