Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều trị bệnh lao càng sớm càng tốt

10:03, 13/03/2017

Lao là tình trạng nhiễm vi khuẩn mycobacterium tuberculosis, thường gặp nhất ở phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não), hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương và khớp.

Lao là tình trạng nhiễm vi khuẩn mycobacterium tuberculosis, thường gặp nhất ở phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não), hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương và khớp.

Nếu không điều trị bệnh lao kháng đa thuốc tốt sẽ dễ chuyển sang bệnh lao siêu kháng thuốc. Trong ảnh: Bệnh nhân lao kháng đa thuốc đang được chăm sóc tại Bệnh viện phổi Đồng Nai.
Nếu không điều trị bệnh lao kháng đa thuốc tốt sẽ dễ chuyển sang bệnh lao siêu kháng thuốc. Trong ảnh: Bệnh nhân lao kháng đa thuốc đang được chăm sóc tại Bệnh viện phổi Đồng Nai.

Đối tượng dễ mắc bệnh lao

Tuổi mắc bệnh: Lao phổi thường gặp ở người lớn (do sức đề kháng kém); ở trẻ em từ 10-14 tuổi (lứa tuổi có nhiều thay đổi về nội tiết).

Nguồn lây: Những người tiếp xúc với người bệnh lao, đặc biệt là tiếp xúc lâu dài và trực tiếp thì càng dễ bị bệnh.

Người mắc một số bệnh: Bệnh bụi phổi, bệnh phổi do virus, đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng; có HIV/AIDS, suy dinh dưỡng...

Cơ địa có sức đề kháng kém: Phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già…

Mức sống thấp, căng thẳng tinh thần… đều là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng.

Biểu hiện lâm sàng

Đa số trường hợp bệnh bắt đầu một cách từ từ với các dấu hiệu sau đây:

Biểu hiện toàn thân: Bệnh nhân mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, ăn kém, gầy sút, sốt nhẹ về chiều tối (37,5-38OC) kèm theo ra mồ hôi về ban đêm, da xanh...

Triệu chứng cơ năng: Ho khạc đờm (đờm nhầy, màu vàng nhạt, có thể màu xanh hoặc mủ đặc); ho ngày càng tăng, có thể ho ra máu; đau ngực liên tục (thường đau khu trú ở một vị trí cố định); khó thở tăng cả khi nghỉ ngơi.

Lao phổi ở trẻ em: Tổn thương ở phổi thường xuất hiện sau tổn thương tiên phát từ 6-14 năm, do đó lao phổi trẻ em hay gặp từ 10-14 tuổi. Do có những thay đổi về nội tiết ở lứa tuổi này mà trẻ em hay bị các thể lao phổi nặng, như: phế quản - phế viêm do lao hoặc viêm phổi bã đậu.

Lao phổi ở người già: do cơ thể bị giảm miễn dịch nên người già dễ bị lao phổi. Việc phát hiện bệnh lao phổi ở người già có thể bị chậm trễ vì nhiều người già bị các bệnh hô hấp mạn tính, triệu chứng của các bệnh này cũng giống triệu chứng của bệnh lao phổi (ho, đau ngực...), vì vậy khi bị lao lại cho là bị bệnh khác. Ở người già, chức năng của các cơ quan bị suy giảm (trong đó có chức năng của gan, thận) và thường có những bệnh khác phối hợp. do đó, khả năng dung nạp thuốc lao kém, vì vậy kết quả điều trị lao phổi cũng bị hạn chế.

Điều trị càng sớm càng tốt

Điều trị lao phổi chủ yếu là điều trị nội khoa, kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn. Việc điều trị phải theo đúng nguyên tắc chữa bệnh lao sẽ nhanh chóng chữa khỏi bệnh. Đối với người có bệnh gan, thận kèm theo thì cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể mà sử dụng thuốc cho hợp lý; đánh giá kết quả điều trị theo diễn biến của triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm là quan trọng nhất.

Những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn kháng thuốc thường có rối loạn miễn dịch của cơ thể. Điều chỉnh lại những rối loạn miễn dịch được coi là một biện pháp điều trị hỗ trợ. Các biện pháp tăng cường sức đề kháng từ chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao phổi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi các tổn thương cơ thể.

TS.BS Nguyễn Trọng Nơi
(Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai)

Tin xem nhiều