Bệnh tay chân miệng đang bước vào đỉnh dịch đầu tiên trong năm 2017, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng nên việc phòng ngừa bệnh là hết sức cần thiết.
Bệnh tay chân miệng đang bước vào đỉnh dịch đầu tiên trong năm 2017, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng nên việc phòng ngừa bệnh là hết sức cần thiết.
Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khám bệnh cho một trẻ bị tay chân miệng. Ảnh: N.Thư |
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết vào mùa này phụ huynh nên chú ý, nếu bé có những bóng nước ở tay, chân hoặc vết loét ở miệng phải nghĩ ngay đến bệnh tay chân miệng.
Biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng rất nguy hiểm, gây suy tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, việc phòng ngừa bệnh cũng như phát hiện sớm bệnh đóng vai trò quan trọng giúp trẻ giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng nếu không may có bệnh.
Thời gian qua, tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã cấp cứu cho nhiều ca bị tay chân miệng nặng, chủ yếu trong độ tuổi dưới 5 tuổi, và trẻ dưới 3 tuổi khi mắc bệnh thường rất nặng dễ bị suy hô hấp, suy tuần hoàn phải thở máy. Nguyên nhân là do trẻ nhập viện điều trị khi đã có biến chứng nặng, như: sốt cao liên tục trên 39O, run tay run chân, vã mồ hôi, thay đổi màu da, nổi bông tím tái, thở nhanh, tay chân lạnh...
Một trong những vấn đề của bệnh tay chân miệng mà nhiều phụ huynh còn chủ quan là không phải bé mắc bệnh nào cũng bị sốt. Do đó, khi trẻ bị bệnh cần chú ý đến những dấu hiệu như giật mình, chới với vào lúc mới ngủ... để nhập viện theo dõi, vì lúc này bệnh bắt đầu chuyển sang giai đoạn có biến chứng. Bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi phát hiện bệnh vẫn có thể diễn tiến nặng hơn. Nếu nhập viện sớm sẽ có cách theo dõi, điều trị giảm triệu chứng bệnh, giảm diễn tiến bệnh giúp trẻ hồi phục tốt hơn.
Phòng ngừa đơn giản
Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết hiện nay đang vào thời điểm dịch bắt đầu bùng phát. Riêng ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhân nhập viện nội trú tuy chưa gia tăng đột biến nhưng vì bước vào mùa dịch nên phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ do bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, qua giọt bắn khi trẻ ho, hắt hơi; do tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần hoặc gián tiếp qua đồ chơi, đồ dùng cá nhân, qua bàn tay của trẻ bị nhiễm bệnh hay bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng rất đơn giản: thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ bằng xà phòng; giữ gìn phòng ốc của trẻ sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên; tránh cho trẻ ngậm mút tay, đồ chơi. Đây cũng là lý do nhiều trẻ dễ mắc bệnh dù không đi học ở trường mầm non. Riêng những trẻ mắc bệnh cần được cách ly tốt để hạn chế nguồn lây lan ra cộng đồng: cho trẻ ở nhà ít nhất từ 10-14 ngày từ khi trẻ bắt đầu bệnh, nhất là ở khu vực nhà trẻ, mẫu giáo.
Cũng theo bác sĩ Lê Văn Giai, các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng rất đặc trưng với biểu hiện nổi các bóng nước trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng gối, mông và viêm loét miệng. Đặc biệt, thường không sốt hoặc sốt nhẹ, trường hợp nào sốt cao dễ gây biến chứng. Bệnh diễn tiến lành tính, tự khỏi nhưng có một số trường hợp diễn tiến nặng. Một số biến chứng thường gặp là: biến chứng thần kinh, hô hấp, tim mạch... Khi trẻ có các dấu hiệu sau phải đưa đến bệnh viện để chẩn đoán và xử trí kịp thời: giật mình, chới với trong lúc ngủ, đi loạng choạng, liệt dây thần kinh mắt, da nổi bông tím tái, bứt rứt, thở nhanh, thở rên bất thường; thở lõm ngực bụng mà trước đó không có bệnh lý gì về hô hấp.
Bệnh tay chân miệng đang tăng Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, trong tháng 1-2017, toàn tỉnh có 169 ca tay chân miệng, tăng 13% so với tháng 12-2016. Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết hiện nay xu hướng bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng. Do đó các trung tâm y tế tuyến huyện tích cực công tác tuyên truyền phòng bệnh, nhất là trong các trường học; đồng thời tích cực xử lý tốt các ổ dịch tay chân miệng được phát hiện, hạn chế lây lan rộng trong cộng đồng. |
Ngọc Thư