Có thể nói, trạm y tế xã là một "bệnh viện" ở gần dân nhất. Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết, trong năm 2017, ngành sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là cho tuyến cơ sở...
Có thể nói, trạm y tế xã không khác nào một “bệnh viện” ở gần dân nhất khi số người đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khá đông đảo.
TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (đứng thứ 2 từ phải qua), kiểm tra công tác khám, chữa bệnh ở Trạm y tế xã Lộ 25, huyện Thống Nhất. Ảnh: Đ.Ngọc |
Nằm cách xa trung tâm huyện Thống Nhất gần 10km, Trạm y tế xã Lộ 25 luôn có đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT. Trung bình mỗi ngày có từ 50-100 bệnh nhân đến khám bệnh, phần lớn khám Đông y và làm các kỹ thuật châm cứu, chạy điện. Đây cũng là trạm y tế duy nhất được huyện trang bị cả xe cứu thương để kịp thời đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
* Còn nhiều cái khó
Bà Trần Thị Mơ (ở ấp 3) cho rằng trạm y tế rất cần thiết với người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là với những người lớn tuổi, đi lại khó khăn, mang trong mình nhiều bệnh mãn tính. Vì nếu lên bệnh viện huyện ở xa cả chục cây số, đi xe buýt phải qua 2 chặng mới tới nơi mà chân bà bị đau khớp, mỗi lần lên xuống xe rất vất vả. Nếu trạm y tế xã được cấp thêm một số thuốc BHYT như thuốc điều trị mỡ máu cao thì người dân đỡ phải chuyển lên tuyến huyện, đi lại tốn kém.
Sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều trạm y tế Năm 2017, sẽ đầu tư xây dựng mới các trạm y tế xã: Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ), Phú Bình (huyện Tân Phú), Lang Minh (huyện Xuân Lộc), Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), Hiếu Liêm, Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), Phú Tân, Thanh Sơn (huyện Định Quán), Trung Hòa (huyện Trảng Bom); đồng thời chuẩn bị đầu tư bổ sung trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xây dựng năm 2015-2016; lên kế hoạch xây dựng mới 24 trạm y tế xã, phường khác. |
Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Thống Nhất, cho biết tại các trạm y tế không thiếu thuốc. Tuy nhiên có một số bệnh theo phân tuyến, có những thuốc phải tuyến bệnh viện mới có. Nếu phân bổ cho tuyến xã được thì sẽ thuận lợi cho bệnh nhân hơn. Ngoài ra, cái khó khăn hiện nay chính là quy định của bảo hiểm xã hội khống chế số lượng bệnh nhân khám. Cụ thể, một bác sĩ tuyến huyện, xã chỉ khám 45 bệnh nhân/ngày, trong khi một số trạm y tế, như: Lộ 25, Xuân Thiện, Hưng Lộc vượt quá 50 bệnh nhân/bác sĩ/ngày. Điều này gây khó khăn cho các trạm y tế vì hầu hết chỉ có 1 bác sĩ. Trung tâm y tế huyện cũng còn thiếu bác sĩ nên không đủ bác sĩ để điều động liên tục.
Tương tự, tại huyện Tân Phú, các trạm y tế luôn đông bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có từ 30-50 bệnh nhân/trạm y tế, trong đó có 3 trạm y tế xã khám đông nhất là: Nam Cát Tiên, Tà Lài, Phú Điền, có nhiều lúc lên đến 70-80 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện còn có 7 trạm y tế đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ bệnh nhân, Trong đó có Trạm y tế xã Phú Bình đã được xây dựng cách đây gần 40 năm , chỉ cần một cơn mưa sẽ bị ngập hơn 1 giờ mới rút, ảnh hưởng đến vệ sinh tại khu vực khám, chữa bệnh.
“Một bệnh nhân trong xã đến trạm y tế khám bệnh, bác sĩ chỉ nhìn đã biết tình hình bệnh tật, hoàn cảnh gia đình như thế nào thì việc điều trị bệnh rất dễ dàng. Do đó phải tiếp tục đầu tư để phát triển các trạm y tế tốt hơn nữa, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt ngay từ tuyến cơ sở và các trạm y tế thực sự là những bệnh viện gần dân” - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú Huỳnh Thị Phúc đã chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 70 bệnh nhân. |
* Tiếp tục đầu tư cho tuyến cơ sở
Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết trong năm 2017, ngành y tế sẽ tiếp tục phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe từ tỉnh đến cơ sở, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến cơ sở nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế, bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh BHYT; ngành sẽ tiếp tục đầu tư cho các trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, vấn đề bổ sung trang thiết bị sẽ được cân nhắc, chỉ đầu tư các trang thiết bị được sử dụng chứ không đầu tư dàn trải theo quy định của Bộ Y tế để tránh gây lãng phí. Ví dụ, đầu tư cho TP.Biên Hòa về trang thiết bị sẽ giảm đi, số phòng được xây dựng cũng ít hơn, chỉ có 9 phòng, còn ở các huyện là 14 phòng.
Riêng khó khăn, vướng mắc về quy định của cơ quan bảo hiểm xã hội khống chế số bệnh nhân/bác sĩ/ngày khám, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cũng cho biết hiện tại mỗi trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ, trong khi có nhiều trạm y tế trong tỉnh khám hơn 45 bệnh nhân/ngày; nếu làm theo quy định nói trên sẽ không thể nào giải quyết hết nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân. Đó là chưa kể bác sĩ ở trạm y tế chỉ khám nội là chính, còn quy định khám chuyên khoa sẽ khó khăn trong bố trí nguồn nhân lực. Do đó, ngành y tế sẽ đề xuất với UBND tỉnh kiến nghị với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tháo gỡ khó khăn này.
TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cũng cho biết qua kiểm tra thực tế cho thấy ở một địa bàn rộng lớn như Đồng Nai, trạm y tế rất cần thiết, ngoài phòng chống dịch còn cấp cứu ban đầu, điều trị các bệnh thông thường. Để trạm y tế hoạt động hiệu quả, ngoài tiếp tục đầu tư còn phải hướng hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình. Điều đó có nghĩa phải tiếp tục cho đào tạo và thu hút bác sĩ về làm việc. Nếu làm được điều đó rất tốt cho bệnh nhân vì không phải bệnh nào cũng lên tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh để điều trị, nhất là những bệnh nhân không có điều kiện đi lại, bị bệnh mãn tính cần điều trị dài ngày.
Đặng Ngọc