Năm nay, Trường THPT Ngô Quyền (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bước vào tuổi 60. Trong vòng đời người, ấy là tuổi "thọ"; lễ mừng thọ gọi là "đáo tuế", ý nghĩa thiêng liêng, vì hưởng trọn một vòng trời đất tương hợp thập can với thập nhị chi.
Năm nay, Trường THPT Ngô Quyền (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bước vào tuổi 60. Trong vòng đời người, ấy là tuổi “thọ”; lễ mừng thọ gọi là “đáo tuế”, ý nghĩa thiêng liêng, vì hưởng trọn một vòng trời đất tương hợp thập can với thập nhị chi.
Trường THPT Ngô Quyền trước đây có tên là Trường trung học Ngô Quyền. |
Trong hành trình mở cõi - mở cửa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai gần 320 năm, ngôi trường trung học 60 tuổi có thể xếp vào dạng “cổ lai hy”, đặc biệt quý hiếm, nếu không nói thuộc hàng “guinness” của xứ Đồng Nai.
Lớp thầy cô thời khởi thủy, nay phần lớn đã về “cõi thiêng”; tên tuổi ghi danh ở trường cũng chưa đầy đủ, nhưng không mất trong tâm trí học trò ruột. Các thầy lãnh đạo trường trước năm 1975, như: Hồ Văn Tam, Phan Văn Nga, Huỳnh Tuấn Quốc, Phạm Khắc Thành... đã “đứng mũi chịu sào” đưa nhà trường từ lúc mới sơ khai đi vào ổn định. Đặc biệt, thầy Nguyễn Xuân Kỳ cùng ban điều hành rất vất vả trong việc tiếp quản, chuẩn bị khai giảng năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau giải phóng, khởi đầu chương trình giáo dục cách mạng. Mới đây, thầy Phạm Đức Bảo (Hiệu trưởng, 1961-1963) ra đi, không kịp dự lễ 60 năm thành lập trường, đồng nghiệp và học trò tiếc thương vô hạn, có lẽ đó là người cuối cùng thuộc thế hệ lãnh đạo trường trước năm 1975. Trong dịp kỷ niệm này, cựu học sinh Ngô Quyền cùng nhà trường sẽ dựng bia ghi danh tri ân 64 thầy cô giáo đã ra đi có thông tin xác thực. Cũng xin tạc bia lòng tri ân đối với các thầy cô giáo khác mà chưa đủ thông tin và các thầy cô đương nhiệm.
Qua 20 niên khóa trước ngày miền Nam giải phóng, chưa có con số chính xác bao nhiêu học sinh đã qua ngôi trường này, nhưng qua thông tin liên lạc, lớp cao tuổi nhất đã vào bậc thượng thọ bát tuần, lớp ít tuổi nhất cũng thuộc độ tuổi ông bà nội, ngoại; đang có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn thường liên lạc, họp mặt, trao đổi với nhau xoay quanh chủ đề “Ngô Quyền”. Lớp cựu học sinh này để lại cho đàn em nhiều tấm gương và niềm tự hào về: phong trào thi đua học tập, học sinh tham gia các phong trào cách mạng. Có người đạt chức danh khoa học đỉnh cao, có văn nghệ sĩ tên tuổi, có hạt giống trở thành cán bộ lãnh đạo tỉnh; có nhiều gia đình gồm chồng vợ, con cháu cùng là cựu học sinh Ngô Quyền; đặc biệt, nhiều cựu học sinh đã trở thành thầy cô giáo tâm huyết của trường.
Học sinh Trường trung học Ngô Quyền tham gia phong trào thể dục thể thao. |
Từ năm 1975 đến nay, trải qua 40 niên khóa, thầy trò Trường THPT Ngô Quyền nối tiếp truyền thống của thế hệ trước, vượt gian khó trong thời đầu thống nhất đất nước, luôn trong tốp đi đầu trong thành tích giáo dục của địa phương thời đổi mới, nhiều thành tích vẻ vang đã được ghi nhận qua các danh hiệu thi đua, không kể xiết. Nhà giáo nhân dân và nhiều nhà giáo ưu tú được đánh giá thành tích cũng từ ngôi trường này, ở giai đoạn này. Cựu học sinh Ngô Quyền đã mang “văn hiệu” trường mình trong hành trình vào đời, nhiều học sinh giỏi đã trở thành cánh chim đầu đàn ở nhiều lĩnh vực, khắp mọi miền đất nước, cả ở nước ngoài. Có cựu học sinh trưởng thành, đã và đang giữ trọng trách trong tỉnh, (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều phó chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; giám đốc các sở, lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể) làm vẻ vang cho trường. Nhiều người đạt danh hiệu PGS.TS, tham gia hội đồng khoa học cấp cao. Từ Trường THPT Ngô Quyền đã phái sinh 2 trường cũng rất giàu thành tích: Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (năm 1994) và Trường THPT Trấn Biên (2003).
Không khí trường lớp hồi đó có nét chung, thường được kể lại qua các lần họp mặt: học ganh đua, giúp nhau cùng tiến từ trong lớp; học thêm ở bạn, phụ đạo của giáo viên đúng và trúng với môn chậm tiến của học sinh, sau khi lớp “bó tay” thì nhờ sự trợ giúp thầy cô. Học gắn với rèn kỹ năng, học sinh có kỹ năng tốt trao truyền cho bạn mình. Giáo dục thể chất được xem trọng, mỗi ngày đều có 10 phút thể dục giữa giờ, mỗi học sinh chọn một môn thể dục rèn luyện, ai không đá bóng thì cổ động hét to để nở phổi. Mỗi tháng (về sau đổi thành mỗi học kỳ) đều có lao động ngoài trời, đào kênh, cuốc đá, trồng khoai, khuân vác trong nhà máy đều có đủ. Được lao động ngoài trời lại là niềm vui, có nhiều kỷ niệm “bây giờ mới dám kể”. Công tác xã hội phong phú, sinh động. Mỗi lớp chọn cách thức và nội dung của mình, thảy đều tự giác, không có kinh phí nhà trường mà tự lo bằng đóng góp và vận động, cốt lõi tiền ít tình nhiều, vui nhất là được sinh hoạt với các đơn vị bộ đội. Các phong trào thể dục - thể thao có nhiều cơ hội hoạt động, nhiều giải nội trường hàng năm, nhiều giải liên trường, cấp sở, cấp thành phố. Giải nào, Trường trung học Ngô Quyền cũng có thành tích ấn tượng. Đặc biệt, đội hình “Bảy sắc cầu vồng” đã vinh danh văn hiệu Ngô Quyền khắp cả nước. “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa” đầu tiên của trường là lớp 11C2 lúc đó do thầy Diệp Cẩm Thu làm chủ nhiệm. Nhiều lớp đã họp, tự kiểm, rút kinh nghiệm, làm theo.
Tôi thuộc thế hệ học sinh tốt nghiệp năm 1978, tức bắt đầu niên học cấp III vào năm 1975. Lúc đó, còn phân ban (A, C, D). Ban A thời tôi chỉ có 1 lớp, ban C và ban D nhiều lớp hơn. Cơ sở trường lớp và điều kiện học tập thời ấy nhiều khó khăn, không thuận lợi như bây giờ, nhưng phong trào thi đua học tập, rèn luyện và công tác xã hội rất sôi nổi, tự giác, vui khỏe, nhiều cái đáng nhớ, nhớ hoài, kể hoài. |
60 năm đã qua, 60 khóa học sinh đã nối nhau ra trường, hàng chục ngàn cánh chim tung đi vạn ngả, nhưng các cựu học sinh vẫn thường họp mặt ôn lại chuyện cũ trường xưa, yêu thầy nhớ bạn. Năm 2006, cựu học sinh Ngô Quyền cũng đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Nay, họp mặt kỷ niệm 60 năm. nhiều mái tóc đã thay màu, nhưng lòng xuân vẫn vậy. Các cuộc họp mặt cho thấy cựu học sinh Ngô Quyền hiện đang có mặt ở mọi lĩnh vực, khắp nơi trong nước, nhiều nơi trên thế giới, thuộc nhiều độ tuổi, khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, nơi cư trú, nghề nghiệp, chính kiến; có người thành công, có người chưa thành công nhưng thảy đều có chung tấm lòng yêu trường, mến lớp, kính thầy, nhớ bạn, luôn tự hào về truyền thống của trường, hoài niệm về tuổi học trò ở trường, mong muốn được làm gì đó để góp sức và gắn kết với nhà trường. Mong ước cụ thể nhất là những ngày truyền thống của trường, cựu học sinh các khóa có hình thức sinh hoạt chung để nối kết với nhà trường, góp sức truyền lửa cho các thế hệ học sinh.
Thầy giáo như người đưa đò, học trò như khách sang sông, mái trường thân yêu là bến đò ký ức. Khách sang sông như sóng Trường Giang lớp sau dồn sóng trước, nối tiếp, tuôn đi không ngừng ra biển lớn. Người đưa đò của Trường THPT Ngô Quyền cũng vậy, lớp lớp nối nhau thầm lặng, sâu lắng trong lòng tri ân của học trò. Bến đò Trường THPT Ngô Quyền suốt 60 năm ấy biết bao nhiêu tình, thành quả vun đắp, truyền thống nối dài, ơn sâu nghĩa nặng!
Hơn 1 ngàn cựu học sinh Trường trung học Ngô Quyền họp mặt hôm nay xin thay mặt hơn 1 vạn cựu học sinh các khóa thể hiện lòng thành kính tri ân ngôi trường 60 năm tuổi, tri ân các thầy cô và cán bộ nhân viên của nhà trường đã tận tâm trong sự nghiệp trồng người, đưa đò cho lớp lớp học sinh chúng tôi đi đến bến bờ hạnh phúc.
H.V.T