Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, tháng 10 hàng năm là đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng. Hiện đã có nhiều ca bệnh nặng, diễn tiến bệnh nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, tháng 10 hàng năm là đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng. Hiện đã có nhiều ca bệnh nặng, diễn tiến bệnh nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho một trẻ bị tay chân miệng. Ảnh: N.Thư. |
Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai có khoảng 30 trường hợp điều trị nội trú, trong đó có khoảng 10 ca bệnh mới với một số trường hợp bị nặng. Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang chữa trị cho 4 ca bị tay chân miệng nặng độ 3, trong đó có ca biến chứng thần kinh, tụt huyết áp, sốc, suy hô hấp phải thở máy.
* Bệnh diễn tiến nhanh
Đơn cử, trường hợp bé Đoàn Trần Gia L. (10 tháng tuổi, nhà ở xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) nhập viện khi bị bệnh tay chân miệng đã có biến chứng thần kinh. Đây là một trong những ca bệnh nặng có diễn tiến bệnh khá nhanh. Chỉ sau 4 giờ nhập viện, bệnh nhân chuyển sang suy hô hấp phải thở máy liên tục 3 ngày mới giảm. Nếu nhập viện trễ, nguy cơ tử vong trong trường hợp này rất nhanh do suy hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, các trường hợp bị bệnh tay chân miệng có biến chứng nặng thường xảy ra đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi do sức đề kháng kém, trong khi bệnh này không có thuốc đặc trị, chủ yếu điều trị triệu chứng và giải quyết các biến chứng của bệnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh diễn tiến nhanh là do việc theo dõi bệnh không kỹ, trong khi có nhiều trường hợp bệnh có những diễn biến không điển hình.
Một trường hợp bệnh tay chân miệng nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư |
Theo bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng là: sốt cao, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc loét miệng... Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ không sốt, không nổi bóng nước ở tay, chân nhưng vẫn bị bệnh tay chân miệng. Cụ thể, có những trường hợp trẻ chỉ bị nổi sẩn đỏ ở da, ở gối, khuỷu tay, hoặc có trẻ bị loét miệng nhưng vết loét nông khó phát hiện khiến trẻ hay bị chảy nước nước miếng làm người nhà lầm tưởng trẻ mọc răng nên theo dõi bệnh không sát.
* Phòng ngừa biến chứng
Hiện nay, đa phần các phụ huynh đều hiểu biết nhiều về bệnh tay chân miệng nên đều cho trẻ đi khám bệnh rất kịp thời. Thực tế, không phải trường hợp trẻ bị tay chân miệng nào cũng phải nhập viện điều trị. Nếu trong giai đoạn nhẹ, trẻ chỉ bị sốt cao, nổi bóng nước ở tay chân, loét miệng thì bác sĩ sẽ cho về nhà theo dõi, chăm sóc tại nhà. Do đó, vai trò của cha mẹ trong chăm sóc trẻ ở giai đoạn này hết sức quan trọng để kịp thời phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng của trẻ, kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết khi qua giai đoạn biến chứng thần kinh, trẻ hay giật mình, run tay, run chi, đi loạng choạng, thở nhanh, vã mồ hôi, tay chân lạnh, tím tái... Đây là những dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện khẩn cấp để cứu chữa kịp thời. Trong đó, lưu ý những trường hợp bệnh dễ diễn tiến nặng là: trẻ dưới 3 tuổi giật mình, li bì, nôn ói nhiều, sốt cao trên 38O liên tục 3 ngày.
Bệnh tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua giọt bắn của trẻ bị tay chân miệng khi hắt hơi. Do đó, trong thời điểm hiện nay khi trẻ vào trường nhập học, nguy cơ lây nhiễm bệnh trong các trường học là rất lớn. Một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất là giữ gìn vệ sinh nơi ở, đồ chơi cho trẻ sạch sẽ; rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng, ngay cả phụ huynh và giáo viên cũng phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, chế biến thức ăn. Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày tính từ lúc sốt để tránh lây bệnh cho những trẻ khác trong trường học.
Ngọc Thư