Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thời" của xã hội hóa y tế (bài cuối)

10:10, 05/10/2016

Để xã hội hóa trên lĩnh vực y tế thực sự là đòn bẩy cho phát triển y tế, hạn chế được tình trạng thương mại hóa, tỉnh và ngành y tế phải sớm có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này.

Bài cuối: Gỡ khó cho xã hội hóa y tế

Để xã hội hóa trên lĩnh vực y tế thực sự là đòn bẩy cho phát triển y tế, hạn chế được tình trạng thương mại hóa, tỉnh và ngành y tế phải sớm có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này.

Sở Y tế và Sở Kế hoạch - đầu tư vừa có buổi làm việc để ghi nhận những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực y tế. Theo đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là gỡ khó cho mô hình hoạt động theo cơ chế công - tư của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Đ.Ngọc
Nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Đ.Ngọc

[links()] Điều chỉnh theo đúng định hướng

Theo ông Phan Minh Thành, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện hoạt động cùng lúc có 2 hình thức, khối nhà nước thì hoạt động theo mô hình bệnh viện công; khối công - tư thì hoạt động theo mô hình bệnh viện tư thuộc Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Trong đó tỷ trọng vốn nghiêng hẳn về khối tư nhân, khối nhà nước chỉ chiếm khoảng 40% nên tư nhân có quyền quyết định cao hơn. Do đó, ngành y tế cần nghiên cứu điều lệ, quy chế hoạt động cho khối công - tư, tránh để bên tư nhân ngày càng “nở” ra, còn bên nhà nước ngày càng “teo” lại, nhằm đảm bảo lợi ích của các cổ đông, các bên tham gia và hoạt động theo đúng định hướng ban đầu là “hỗ trợ qua lại chứ không lấn át”.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết trước mắt ngành y tế đã ban hành quy chế hoạt động của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong đó có quy định về quy chế phối hợp giữa khối công và khối công - tư. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chịu trách nhiệm chuyên môn toàn bộ bệnh viện, trong đó có khối công - tư. Các mối quan hệ phối hợp cụ thể được thể hiện thành hợp đồng giữa 2 bên. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các thông tư quy định cụ thể về cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp, quy định trong việc điều động lãnh đạo, viên chức sang làm việc tại bệnh viện công - tư và thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại bệnh viện công theo hướng tính đủ theo quy định tại Nghị định 16.

Để vay được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng trong xã hội hóa y tế phải làm thủ tục rất nhiêu khê nên cần có chính sách ưu đãi về lãi suất để các cơ sở y tế mạnh dạn đầu tư xã hội hóa. Trong ảnh: Phòng khám và điều trị ban ngày của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai xây dựng từ nguồn vốn vay ngân hàng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016.
Để vay được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng trong xã hội hóa y tế phải làm thủ tục rất nhiêu khê nên cần có chính sách ưu đãi về lãi suất để các cơ sở y tế mạnh dạn đầu tư xã hội hóa. Trong ảnh: Phòng khám và điều trị ban ngày của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai xây dựng từ nguồn vốn vay ngân hàng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016.

Riêng về giá dịch vụ y tế trong các bệnh viện công, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung lý giải giá khám, chữa bệnh dịch vụ cao hơn giá khám, chữa bệnh thông thường vì tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá để đảm bảo thu - chi. Hiện chưa có quy định cụ thể nào về mức giá dịch vụ tại các bệnh viện cả công và tư mà chủ yếu do các bệnh viện tự xây dựng giá, nên có tình trạng mỗi nơi quy định một mức giá khác nhau. Bộ Y tế đang lấy ý kiến các địa phương để ban hành một khung giá dịch vụ thống nhất trong các bệnh viện công để thực hiện trong toàn quốc. Nếu khung giá này được ban hành sẽ góp phần chấn chỉnh lại tình trạng mỗi nơi quy định một mức giá dịch vụ ở các bệnh viện công như hiện nay. 

Đưa xã hội hóa y tế về huyện

Một trong những vấn đề còn hạn chế của xã hội hóa trên lĩnh vực y tế hiện nay, hầu hết việc triển khai xã hội hóa chỉ tập trung ở TP.Biên Hòa, tập trung ở các bệnh viện công tuyến tỉnh, còn ở các huyện rất ít nhà đầu tư. Hiện nay, tại các huyện và TX.Long Khánh vẫn chưa có bệnh viện tư, số phòng khám đa khoa cũng có rất ít. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp nhưng mới có Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) có nhà đầu tư về mở Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu tại các khu công nghiệp là rất lớn.

Để đẩy mạnh phát triển xã hội hóa y tế tại các huyện, các bệnh viện tuyến huyện cần tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tốt hơn. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch đất đai, ưu tiên những khu đất công có vị trí thuận lợi cho các dự án xã hội hóa y tế, tăng cường mời gọi doanh nghiệp và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tương tự, đối với các khu công nghiệp cần có quy hoạch cụ thể vị trí và có chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư các phòng khám đa khoa cho khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, theo một số phòng khám đa khoa tư nhân, khó khăn nhất khi đầu tư về huyện và các khu công nghiệp chính là việc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế về các phòng khám rất ít, một số quy định trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa thực sự thông thoáng. Cụ thể, để thu hút bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, phòng cấp cứu của đơn vị này phải hoạt động 24/24 giờ thay vì chỉ đến 20 giờ như các phòng khám khác. Chi phí hoạt động tăng, trong khi theo quy định của bảo hiểm y tế, sau 5 giờ chiều phòng khám không được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này gây không ít thắc mắc của bệnh nhân và khó khăn cho phòng khám khi hoạt động. Do đó, đơn vị này đã kiến nghị ngành y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh cần xem xét cho Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thông tầm để thuận tiện cho công nhân trong khám, chữa bệnh.

Theo lãnh đạo của một số bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn, một khó khăn lớn trong đầu tư về tuyến huyện chính là nhân sự vì nguồn nhân sự ở tuyến huyện rất ít, nhất là bác sĩ. Trong khi đó, việc thu hút bác sĩ về làm việc cho các cơ sở y tế tư nhân đang rất khó khăn do có quá nhiều cơ sở y tế tư nhân mới được thành lập và đi vào hoạt động, đưa ra những chính sách thu hút hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, yêu cầu của bảo hiểm y tế cũng chặt chẽ hơn, nếu thiếu bác sĩ làm việc toàn thời gian thì không đủ điều kiện thành lập phòng khám. Do vậy, việc thu hút bác sĩ về làm việc tại huyện sẽ cực kỳ khó khăn vì hầu hết bác sĩ không muốn đi xa.

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng kỹ thuật cận lâm sàng

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng các kỹ thuật trong cận lâm sàng (gồm: xét nghiệm, chiếu chụp, thăm dò chức năng...) trong khám, chữa bệnh ở cả bệnh viện công lẫn các cơ sở y tế tư nhân. Điều này không chỉ gây thất thoát quỹ bảo hiểm y tế mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của bệnh nhân. Trong thời gian tới, Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về sử dụng kỹ thuật cận lâm sàng trong khám, chữa bệnh. Theo đó, đối với các cơ sở y tế vi phạm, ngoài việc phải tất toán lại số tiền đã lạm dụng kỹ thuật cận lâm sàng còn có chế tài xử lý, kiểm điểm tùy theo mức độ vi phạm, thậm chí ngưng ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong tránh lạm dụng các kỹ thuật cận lâm sàng phải kể đến vai trò của người đứng đầu bệnh viện trong triển khai thực hiện đúng các quy định trong khám, chữa bệnh, nhất là sử dụng các máy móc, thiết bị đã được xã hội hóa một cách hợp lý, đúng theo quy định.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều