Nhờ các bệnh viện công mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực y tế đã góp phần quan trọng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cũng như trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
Bài 2: Xã hội hóa ở bệnh viện công
Trong tình hình ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhờ các bệnh viện công mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực y tế đã góp phần quan trọng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cũng như trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
Nhờ nguồn vốn xã hội hóa lớn, cơ sở hạ tầng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được xây dựng khang trang. Ảnh: Đ.Ngọc. |
[links()]Hiện nay, phần lớn các bệnh viện công đều triển khai xã hội hóa từ nguồn vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đầu tiên của cả nước thực hiện theo mô hình mới hợp tác công - tư với lượng vốn xã hội hóa lớn, khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng với 700 giường bệnh xã hội hóa.
Dễ dàng tiếp cận nguồn vốn
TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho rằng việc đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư có nhiều điểm ưu việt. Thứ nhất, là phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, nên dễ thu hút đầu tư cũng như dễ tiếp cận nguồn vốn vay. Thứ hai, là tỷ lệ sở hữu vốn, kiểm soát, cũng như tỷ lệ phân chia lợi nhuận của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tương đối phù hợp so với giá trị góp vốn vào công ty, nên dễ thuyết phục nhà đầu tư tham gia (vốn Nhà nước 40%). Thứ ba, là chủ động và linh hoạt trong điều hành. Thứ tư, là chủ động trong công tác nhân sự, đầu tư thiết bị để phục vụ nhu cầu bệnh viện, đặc biệt là tạo cơ chế mở để bệnh viện thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc.
Gặp khó khăn về cơ chế quản lý Do mô hình hợp tác công - tư tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai còn quá mới nên còn gặp khó khăn về cơ chế quản lý và điều động cán bộ, nhân viên. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về quy định: cơ chế quản lý của lãnh đạo bệnh viện công đối với bệnh viện công - tư nằm trong bệnh viện công; cơ chế phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện công - tư; vướng mắc trong việc phân công cán bộ lãnh đạo bệnh viện công tham gia quản lý, điều hành và viên chức bệnh viện công tham gia công tác chuyên môn tại bệnh viện công - tư. |
Tương tự, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết từ nhu cầu phát triển các chuyên khoa sâu nên bệnh viện cần một lượng máy móc, trang thiết bị y tế rất lớn nhưng hiện nay đầu tư công rất khó khăn, xã hội hóa là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này. Với thương hiệu của bệnh viện, ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn với mức lãi suất theo thỏa thuận. Đây là một hình thức phù hợp nhất, thuận tiện cho việc quản lý cũng như hạn chế xảy ra tình trạng chạy theo lợi nhuận mà lạm dụng các kỹ thuật cao.Từ năm 2002 đến nay, bệnh viện đã vay vốn đầu tư trên 52 tỷ đồng mua các máy móc hiện đại, như: CT 128 lát cắt, MRI, C-arm, 40 máy lọc thận... Qua đó giúp cho bệnh viện không ngừng phát triển các kỹ thuật cao.
Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết, bệnh viện đã có 4 công trình xây dựng từ nguồn vốn vay ngân hàng lên đến gần 20 tỷ đồng, trong đó có 3 công trình đã hoàn vốn và 1 công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đi vào sử dụng vào cuối năm 2016. Các công trình này chủ yếu là khu dịch vụ: căn tin, khám ngoại trú, khu nội trú. “Vay vốn ngân hàng sẽ mang lại lợi ích chung nhiều hơn vay vốn từ cổ đông, vì lãi suất ngân hàng luôn thấp hơn cổ tức; tất cả lợi nhuận sau khi trừ lãi suất ngân hàng thì phần còn lại dành cho tập thể sẽ cao hơn. Bệnh viện có thể lấy lợi nhuận từ khu dịch vụ để nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên ở khu thường” - bác sĩ Đa Hà phân tích.
Làm sao để công - tư không lẫn lộn?
Tuy nhiên, với mô hình hợp tác công - tư của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, vấn đề tài chính hỗ trợ qua lại giữa công và tư vẫn còn nhiều vấn đề để bàn. Số lượng bệnh nhân khám ngoại trú ở cả 2 khối công - tư là 3,3 ngàn người/ngày (gấp đôi bệnh viện cũ); nội trú từ
1,6-1,7 ngàn người/ngày (tăng 60-70% so với bệnh viện cũ). Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay chính là bệnh nhân tăng, doanh thu của bệnh viện tăng, trong khi đó cán bộ, nhân viên làm việc nhiều hơn, với áp lực lớn hơn nhưng thu nhập phần đông vẫn chưa tăng (trừ thu nhập của một số bác sĩ, nhất là bác sĩ ngoại) cũng khiến cho không ít cán bộ, nhân viên có “tâm tư”, nhất là cán bộ, nhân viên làm việc ở khối dịch vụ y tế công.
Hệ thống máy C-arm hiện đại được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong ảnh: Một ca mổ nội soi đường mật được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Đ.Ngọc. |
Lý giải vấn đề này, TS.BS Phan Huy Anh Vũ phân tích hiện nay, khối dịch vụ còn lỗ vì đang trả lãi và gốc cho ngân hàng nên chưa hỗ trợ được cho khối công. Tuy nhiên, nếu có lời cũng không được “chia hết cho anh em”, vì nếu có lời phải nhập vô nguồn ngân sách, trích 35% cho nguồn cải cách tiền lương và 25% cho quỹ hoạt động sự nghiệp. Trong trường hợp này chỉ có Nhà nước có lợi vì bệnh viện đã có tiền mua máy móc, thiết bị, không phụ thuộc ngân sách. Để khắc phục tình trạng này, bệnh viện đã làm xong dự án tự chủ để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Có vậy bệnh viện mới được quyền cân đối tài chính và quyết định được việc tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.
Bên cạnh đó, xã hội hóa trong bệnh viện công có nhiều vấn đề còn băn khoăn, nhất là tạo ra sự phân biệt rõ rệt giữa khu dịch vụ và khu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giá dịch vụ một số bệnh viện còn cao so với chất lượng dịch vụ... Chị Nguyễn Thị Nhung (nhà ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết vừa qua, con chị bị sốt cao phải nhập viện điều trị tại Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Do khoa này đông bệnh nên chật chội, sợ nhất là nhà vệ sinh thường xuyên “bốc mùi” nên chị phải thuê phòng dịch vụ cho con nằm với giá 500 ngàn đồng/giường/ngày (phòng có 2 giường). “Khi lên khu dịch vụ thì khác hẳn khu bảo hiểm y tế, mẹ con tôi còn được lo ăn 3 bữa, chăm sóc tận tình. Chỉ có điều phòng dịch vụ hơi chật và cũ mà có giá dịch vụ 500 ngàn/giường cũng không phải rẻ” - chị Nhung chia sẻ.
Về giá dịch vụ, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà giải thích, hiện nay chưa có quy định mức giá dịch vụ trong các bệnh viện công nên bệnh viện tự xây dựng mức giá dịch vụ theo giá thị trường. Cụ thể, mức giá khám ngoại trú dịch vụ dựa trên hệ thống giá dịch vụ của các bệnh viện nhi ở miền Nam; giá nội trú dựa trên mức giá của các bệnh viện tư nhân trong tỉnh, phòng dịch vụ các bệnh viện công trong tỉnh. Dù mức giá dịch vụ có điều chỉnh thấp hơn so với thị trường, nhưng chắc chắn phải cao hơn giá khám bảo hiểm y tế vì khi xây dựng khung giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ các chi phí để trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng và để tái đầu tư, đủ chi phí bồi dưỡng cho nguồn nhân lực của bệnh viện.
Rõ ràng, việc xã hội hóa trên lĩnh vực y tế ở các bệnh viện công đã tạo ra một nguồn lực lớn cho các bệnh viện công phát triển. Tuy nhiên, vẫn cần một cơ chế thống nhất trong quản lý, điều hành về nhân sự, về tài chính; về quy định mức giá dịch vụ hợp lý, phù hợp với công sức đầu tư của bệnh viện vừa có mức giá dịch vụ y tế phải chăng cho người dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế... Đây là những vấn đề mà tỉnh cũng như ngành y tế cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tiếp tục “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 46 bác sĩ tại các bệnh viện công lập xin nghỉ việc, tăng 8 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều nhất là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, có đến 21 bác sĩ xin nghỉ việc, trong số đó có bác sĩ là trưởng, phó khoa của bệnh viện. Phần lớn bác sĩ xin nghỉ việc để về đầu quân cho các cơ sở y tế tư nhân với thu nhập cao hơn, nhiều chính sách ưu đãi hơn so với làm việc ở bệnh viện công lập. |
Đặng Ngọc
Bài 3: Gỡ khó cho xã hội hóa y tế