Báo Đồng Nai điện tử
En

Định hướng thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa

11:10, 17/10/2016

Trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin hiện nay, chưa khi nào nguồn thông tin đa dạng và phong phú như lúc này, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Cùng nội dung nhưng có nhiều cách tiếp cận, nhận thức khác nhau, nhiều khi trái hẳn, trong đó không thiếu những thông tin bóp méo sự thật.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin hiện nay, chưa khi nào nguồn thông tin đa dạng và phong phú như lúc này, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Cùng nội dung nhưng có nhiều cách tiếp cận, nhận thức khác nhau, nhiều khi trái hẳn, trong đó không thiếu những thông tin bóp méo sự thật.

Học sinh, sinh viên cần được định hướng giáo dục truyền thống yêu nước. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) thăm hỏi già làng Năm Nổi (người dân tộc Chơro, xã Phú Lý).
Học sinh, sinh viên cần được định hướng giáo dục truyền thống yêu nước. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) thăm hỏi già làng Năm Nổi (người dân tộc Chơro, xã Phú Lý).

Điều đáng lo ngại là tình trạng lưu hành, phát tán các thông tin dạng này trong xã hội, trong cộng đồng ngày càng có xu hướng tăng và khó kiểm soát. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng internet để tuyên truyền, kích động, bóp méo sự thật nhằm chống phá đất nước. Những thông tin dạng này làm nhiễu nhận thức của người tiếp nhận, trở thành mối nguy hại đối với xã hội.

Xuyên tạc, bóp méo lịch sử

Trên nhiều trang mạng xã hội, hầu như những gì có liên quan đến lãnh tụ, đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đến lịch sử Đảng, đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều bị xuyên tạc, bóp méo. Đến cả lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam cũng có những quan điểm xuyên tạc, bóp méo một cách trắng trợn. Đơn cử, cuộc kháng chiến chống Mỹ để giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của cả dân tộc Việt Nam cũng bị xuyên tạc là “huynh đệ tương tàn” do Đảng Cộng sản gây ra. Trong khi thực tế, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa đã được cả loài người tiến bộ trên thế giới ủng hộ và các tầng lớp nhân dân trong nước trực tiếp tham gia.

Đối với một vấn đề, một sự kiện, một người có thể sai, trăm người có thể sai, một triệu người cũng có thể sai. Nhưng cả dân tộc thì không thể sai, mà tiêu biểu rõ nhất là trong công cuộc chiến đấu giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp  và Mỹ của dân tộc, đâu phải chỉ có những người dân lao động chống giặc mà còn có hàng loạt những nhân sĩ trí thức, các lãnh tụ tôn giáo tên tuổi đã từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý, nơi phồn hoa đô hội để đi theo tiếng gọi của non sông đất nước, để cùng “đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu với nhân dân” của mình. Có thể kể ra đây hàng loạt những tên tuổi không xa lạ với mọi người.

Đó là những người đã bỏ nhà cửa, chức tước, bổng lộc để lên chiến khu, ra bưng biền tham gia kháng chiến: nhà bác học Lương Định Của - người được chính quyền Việt Nam Cộng hòa dành sẵn chức bộ trưởng; nhà tư sản Đỗ Đình Thiện hiến 5 ngàn mẫu đất cho cách mạng và lên chiến khu. Đó là những người nổi tiếng, như: luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch... Đó có thể là những người trong bộ máy chính quyền cũ đã giác ngộ và đi theo cách mạng: Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, Tham tri Bộ Hình Đặng Văn Hướng, Đổng lý ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe… Đó là những nhà khoa bảng lớn, những trí thức lớn, như: Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Trần Đức Thảo, Trịnh Đình Thảo, Phạm Văn Bạch đã từ bỏ nước Pháp hoa lệ, từ bỏ địa vị cao quý để đồng hành với đất nước và dân tộc... Có những người như nha sĩ Nguyễn Xuân Bái, có con làm Thống đốc ngân hàng, Phó thủ tướng, rồi quyền Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa nhưng ông vẫn tham gia các hoạt động yêu nước, công khai ủng hộ “Cụ Hồ”, ủng hộ chính nghĩa nên đã từng bị bắt, bị giam cầm. Cụ Lưu Văn Lang, có con rể là Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng hòa nổi tiếng chống cộng, nhưng bản thân cụ lại là cơ sở tin cậy của cách mạng và là người luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh đòi hòa bình và cũng là người công khai ủng hộ “Cụ Hồ” giữa Sài Gòn những năm chiến tranh. Nhắc lại một sự kiện này để thấy rằng cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của dân tộc ta là chính nghĩa. Vậy mà, đến cả sự kiện thiêng liêng này cũng bị xuyên tạc, bóp méo một cách trắng trợn như vậy thì thử hỏi còn cái gì mà họ không xuyên tạc, vu khống?

Cần thông tin nhanh chóng, chính xác để định hướng dư luận

Điều đáng lo ngại nhất là những thông tin không khách quan và xuyên tạc ấy lại được nhiều người tin và phát tán, truyền cho nhau như một phát hiện mới lạ. Những thông tin thật - giả này khó mà kiểm chứng nếu không có sự định hướng, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, khách quan từ các cơ quan có trách nhiệm.

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không áp đặt, không hướng tư duy của mọi người vào một khung đóng sẵn vì sẽ làm thui chột tính sáng tạo của con người. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy có thể thấy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin được Hiến pháp hiến định. Nhưng tự do phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tự do của người này phải không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. Tự do không có nghĩa là được đi “bên trái đường” hay nghênh ngang “lạng lách”. Trước thực trạng “loạn” thông tin trên mạng xã hội hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm không thể làm ngơ, nhất là trước những thông tin xuyên tạc, sai trái, phản động đang hàng ngày, hàng giờ xâm nhập vào xã hội, nhất là thanh niên, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ở Việt Nam, số người sử dụng internet so với tổng số dân là rất lớn. Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, những người có nhiều khả năng tiếp cận nhất chính là thanh niên, sinh viên. Giới trẻ thường có tính cách sôi nổi, không thích bị gò ép vào những khuôn mẫu sẵn có và thích tìm kiếm những điều mới lạ. Những thông tin trung thực, đúng đắn nhiều khi bị xem là nhàm chán và lạc hậu. Trước tình trạng “hỗn loạn” về thông tin trên mạng xã hội hiện nay, một bộ phận chưa có khả năng “đề kháng” trước những nguồn thông tin sai lệch này, hoặc bắt chước, nghe theo và nhiều khi là nổi loạn. Việc dễ dàng tiếp nhận, tin và nghe theo những luận điệu sai trái của một số người đã dẫn đến hệ quả tai hại là làm xói mòn niềm tin, nghi ngờ các giá trị trong cuộc sống. Đối với người trẻ, điều đó khiến cho họ trở nên xơ cứng, mất tính nhân văn trong hành xử, nghi ngờ các giá trị trong cuộc sống và gây cảm giác mất niềm tin. Đây là điều hết sức nguy hại.

Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã có nhiều văn bản ban hành để lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý thông tin. Thế nhưng, các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống vẫn nảy nở “như nấm độc sau mưa”. Lẽ dĩ nhiên, việc khuyến khích mọi người tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời theo đa chiều, đặc biệt là những nguồn thông tin có nhiều cách lý giải và ý kiến khác nhau sẽ giúp người tiếp cận thông tin có cái nhìn khách quan, khoa học hơn. Thế nhưng, để lĩnh hội và phân tích được luồng thông tin ấy cần phải có óc suy luận vấn đề một cách khoa học và đúng đắn. Dù muốn hay không thì những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, vu khống vẫn đã, đang và sẽ diễn ra ngoài ý muốn chủ quan của các cơ quan có trách nhiệm. Việc kiểm soát, ngăn chặn sẽ được thực hiện nhưng cũng được dự báo là hết sức lâu dài và khó khăn.

Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là dòng chủ lưu có vai trò định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt, điều chỉnh dư luận nhận thức đúng đắn về một sự việc, một vấn đề góp phần vào việc giữ ổn định xã hội. Do đó, trước thực trạng này đặt ra trách nhiệm nặng nề cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc kịp thời cung cấp thông tin chính xác để định hướng dư luận, giúp mọi người tăng khả năng đề kháng trước các luồng thông tin sai trái, phản động.

Trên thế giới, nhiều quốc gia còn ban hành những quy định kiểm soát internet hết sức gắt gao. Ở Trung Quốc, bôi nhọ người khác trên mạng có thể khiến tác giả của nó có thể bị tù đến 3 năm. Ngoài ra, những hành vi bị cho là nghiêm trọng là kích động sắc tộc, tôn giáo, phá hoại hình ảnh quốc gia. Chính phủ Singapore thì yêu cầu các trang tin có ít nhất 50 ngàn người truy cập trở lên, hàng tháng và hàng tuần có ít nhất một tin về xã hội Singapore thì trong 2 tháng trở lên phải xin giấy phép hoạt động. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thành lập lực lượng có nhiệm vụ phát triển các công nghệ có khả năng kiểm soát thông tin trên internet. Chính phủ Anh công bố dự thảo kế hoạch giám sát tất cả các thông tin đăng nhập. Nhiều quốc gia khác còn kiểm soát internet chặt chẽ hơn rất nhiều, như: Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Jordan, Cuba, Ấn Độ, Marocco, Iran… Đặc biệt ở Hàn Quốc, người dùng internet phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng.

Vũ Trung Kiên

 

 

Tin xem nhiều