Nếu trước đây, khi mắc bệnh nan y người ta mới lo mua BHYT, thì nay việc tham gia BHYT đã được đông đảo người dân quan tâm và hưởng ứng. Bởi BHYT không chỉ phòng ngừa rủi ro, không chỉ là "chiếc phao" cứu sinh cho bản thân khi gặp sự cố tai nạn, bệnh tật mà còn là sự sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng.
[links()]Nếu trước đây, khi mắc bệnh nan y người ta mới lo mua bảo hiểm y tế (BHYT), thì nay việc tham gia BHYT đã được đông đảo người dân quan tâm và hưởng ứng. Bởi, BHYT không chỉ phòng ngừa rủi ro, không chỉ là “chiếc phao” cứu sinh cho bản thân khi gặp sự cố tai nạn, bệnh tật, mà còn là sự sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng.
* Đỡ đần gánh nặng viện phí
“Không có BHYT, có lẽ tôi sẽ buông xuôi”. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ánh, 37 tuổi (ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa) đang điều trị ung thư tử cung tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh. Là người lao động tự do, nghĩ mình trẻ, khỏe nên chị Ánh chủ quan không mua BHYT.
BHYT góp phần bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân |
Cách đây hơn một năm, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Lo lắng và nghĩ mình sẽ chết vì điều trị ung thư thường kéo dài và rất tốn kém, trong khi kinh tế gia đình ở hoàn cảnh chạy ăn từng bữa, chị Ánh thấy đời mình như đi vào ngõ cụt. Lúc này, chị nghĩ đến chuyện đi mua thẻ BHYT và không ngờ rằng, chỉ một tháng sau khi đăng ký, chị đã có trong tay “chiếc phao” cứu sinh.
Cuộc chiến đấu với bệnh ung thư được khởi động và chị hoàn toàn bất ngờ khi được chi trả đến 80% chi phí điều trị. Nhờ được điều trị kịp thời, bệnh của chị thuyên giảm đáng kể sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực, giờ đang tiếp tục những đợt hóa trị. Chị Ánh nói: “Nếu không có thẻ BHYT, có lẽ tôi đã buông xuôi cho số phận”.
Chiếc thẻ BHYT dù mua với chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng giá trị của nó lớn lao hơn gấp hàng trăm lần mệnh giá bỏ ra mua nó, giúp người dân khi bệnh tật không phải quá chật vật lo chi phí điều trị. Thậm chí, với những bệnh tật nan y, bệnh mãn tính điều trị dài ngày với chi phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cũng đã được BHYT “đỡ đần” phần lớn gánh nặng viện phí.
Không rượu chè, thuốc lá, đang ở tuổi trung niên khỏe mạnh, ông Ngô Văn Phú, 50 tuổi (ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) không nghĩ có ngày mình ôm ngực gục xuống và phải trả chi phí cả trăm triệu đồng cho căn bệnh nhồi máu cơ tim…
Chủ quan với sức khỏe của mình, ông Phú chẳng nghĩ đến việc phải mua BHYT. Nhưng đầu tháng 10 vừa qua, khi đang làm việc tại xưởng mộc, bỗng nhiên ông thấy nhói ở ngực và gục xuống. Hốt hoảng, gia đình đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cấp cứu.
Được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim, phải đặt tới 2 stent động mạch vành. Khi được hỏi về BHYT, gia đình ông mới giật mình vì đã không nghĩ đến “chiếc phao” ấy sớm hơn. Giờ cả nhà thót tim, thót ruột, khi nghĩ đến chi phí điều trị cả trăm triệu đồng mà bệnh viện vừa thông báo. Lâu nay vợ chồng ông làm mộc thuê, gia đình chỉ đủ sống, trong nhà chẳng bao giờ có nổi chục triệu đồng mà giờ cần cả trăm triệu, quả là một cú sốc lớn. Không thể không điều trị cho chồng, cả nhà chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi.
Can thiệp tim mạch và đặt stent – một kỹ thuật chi phí lớn cũng đã được BHYT thanh toán |
Rất may là ca can thiệp tim mạch thành công. Bác sĩ nói, nếu có BHYT, ít nhất cũng được thanh toán 40 triệu đồng tiền đặt stent, chưa kể tiền giường bệnh và các chi phí khác. Vợ ông nói trong nước mắt: “Sau đợt cấp cứu và chi số tiền hơn 100 triệu đồng, giờ hàng tuần, ông ấy vẫn phải điều trị duy trì. Giờ đây, tôi mới thấm thía về sự cần thiết phải mua thẻ BHYT ngay cả khi mình còn đang khỏe mạnh để phòng ngừa rủi ro”. Sau khi chồng xuất viện về nhà, vợ ông đã vay tiền mua ngay 4 chiếc thẻ BHYT cho cả nhà. “Có thẻ BHYT, giờ đây mỗi lần ông ấy đi bệnh viện, tôi đã không còn quá lo lắng về viện phí” – vợ ông Phú cho biết.
* Bảo vệ quyền cơ bản của người dân
BHYT là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe – một quyền cơ bản của mỗi người dân.
Ông Trần Văn Thượng, 81 tuổi - một người dân ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nói: “Hơn một năm nay tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện người già trên 80 tuổi và được chi trả tới 95%, tôi mừng lắm. Tuổi già, bệnh tật nhiều, chi phí cũng tốn kém. Giờ có thẻ miễn phí, lại chẳng tốn đồng nào, thuốc lấy về uống đều hàng tháng, mấy căn bệnh mãn tính của tôi ổn định”.
Việt Nam đang tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, nhằm bảo đảm cho mọi tầng lớp người dân cái quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế, được khám chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe. Theo ông Vũ Mạnh Chữ, Phó ban thu BHXH Việt Nam, tính đến cuối tháng 5-2016, cả nước đã có gần 71 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 77% dân số.
Còn tại Đồng Nai, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho hay, với hơn 2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 71,3%, Đồng Nai đang phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên 80% dân số, theo đúng lộ trình BHYT toàn dân đã đề ra.
Cũng theo ông Mến, tuy vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của BHYT, nhưng với nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm đa dạng, Nhà nước cũng như địa phương đã và đang tạo điều kiện cho mọi tầng lớp người dân được “sở hữu” chiếc thẻ BHYT như: cấp thẻ miễn phí cho các hộ chính sách, hộ nghèo, người già trên 80 tuổi, người tàn tật; miễn giảm cho hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, BHYT hộ gia đình; người dân làm nghề tự do được mua BHYT tự nguyện…
Viện phí đang được điều chỉnh tăng cho phù hợp với chi phí thực tế. Để người dân không lao đao do chi phí đồng chi trả cao, thời gian tới, BHYT sẽ nâng cao mức chi trả, tiếp tục “gánh đỡ” phần lớn những khó khăn viện phí cho người dân trong quá trình điều trị bệnh. Không chỉ thế, chính sách BHYT đang tiếp tục hoàn thiện để giữa khám dịch vụ và người sử dụng thẻ BHYT không có sự phân biệt. Đây là những ưu việt lớn của chính sách BHYT tại Việt Nam.
Phương Liễu
Bài 2: Còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ