Từ ngày 1-1-2016, những người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động sẽ bị chi phối bởi nhiều quy định mới chặt chẽ hơn, khắt khe hơn.
Từ ngày 1-1-2016, những người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động sẽ bị chi phối bởi nhiều quy định mới chặt chẽ hơn, khắt khe hơn.
Mgười dân nhận lương hưu qua bưu điện. Ảnh: U.Uyên |
Những quy định này nhằm bảo đảm một chính sách an sinh xã hội bền vững, thể hiện sự công bằng trong việc đóng và hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
* Những điều kiện cần và đủ
Đến văn phòng trợ giúp pháp lý miễn phí của Báo Đồng Nai, bà Trịnh Thị Loan, bảo mẫu của một trường mầm non ở Biên Hòa thắc mắc về chế độ nghỉ hưu trước tuổi. Bà Loan cho biết, năm nay bà 49 tuổi, đã đóng BHXH được 21 năm, sức khỏe yếu, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của bà là 63%. Bà không biết mình có đủ điều kiện được nghỉ hưu trước tuổi không, cách tính chế độ lương hưu như thế nào.
Tương tự, ông Trần Thắng, 53 tuổi, 20 năm làm thợ hàn điện tại một công ty chế tạo thiết bị ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, nay sức khỏe yếu ông muốn nghỉ hưu sớm nhưng bộ phận văn phòng công ty cho biết, nghỉ sớm sẽ bị thiệt thòi nhiều khiến ông băn khoăn không biết có nên nghỉ trước tuổi không…
Giải đáp thắc mắc của người lao động, đồng thời thông tin cho người dân biết khi có ý định nghỉ hưu trước tuổi, ông Nguyễn Hoàng Thành, Phó trưởng phòng Chế độ BHXH, BHXH Đồng Nai, cho biết Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, có một số điểm mới đối với chế độ nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động so với quy định trước đây.
Cụ thể, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1- Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu do bị suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
2- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
3- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Y tế ban hành.
* Mức hưởng đối với người nghỉ hưu trước tuổi
Từ ngày 1-1-2016 đến trước ngày 1-1-2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75% (cách tính tương tự quy định của Luật BHXH năm 2006).
Từ ngày 1-1-2018 trở đi, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định, tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
Đối với lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi vẫn là 15 năm.
Tuy nhiên, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% cho cả nam lẫn nữ và mức tối đa bằng 75%.
Do đó, theo ông Nguyễn Hoàng Thành, mức hưởng lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động, căn bản vẫn được tính hưởng dựa trên thời gian tham gia BHXH, tuổi đời và điều kiện việc làm như đối với người lao động nghỉ hưu đúng tuổi. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2016, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng hưu do bị suy giảm khả năng lao động sẽ bị giảm trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (trước 1-1-2016 là 1%); trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi.
Uyên Uyên